Mở rộng thị trường tiêu thụ cho quả bơ Đắk Nông
Chương trình “Đắk Nông – Mùa bơ chín" diễn ra từ 18-23/7 nhằm quảng bá rộng rãi sản phẩm bơ Đăk Nông đến người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Tuần tới, tại thị xã Gia Nghĩa sẽ diễn ra Chương trình “Đắk Nông – Mùa bơ chín", nhằm quảng bá rộng rãi sản phẩm bơ Đắk Nông đến người tiêu dùng và các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu trong và ngoài nước, nhằm nâng cao giá trị trái bơ, mở rộng thị trường tiêu thụ. Sự kiện này được người trồng bơ rất quan tâm, với kỳ vọng phát triển cây bơ bền vững.
Cách đây hơn 10 năm, ông Đậu Huy Lộc ở xã Đức Mạnh, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông đưa giống bơ Booth về trồng xen canh trong 4 sào cà phê.
Sau vài vụ thu hoạch, thấy hiệu quả kinh tế từ cây bơ rất cao, nên ông đã phá bỏ cà phê để đầu tư thâm canh cây bơ.
Vừa nhân giống để bán, vừa mở rộng diện tích, đến nay gia đình ông Lộc đã có gần 3 ha bơ, với nhiều giống mới nhập ngoại, giá trị kinh tế cao như: bơ Booht, Pinkerton và một giống bơ Úc.
Trồng bơ lâu năm, đồng thời có vườn ươm Lộc Oanh khá nổi tiếng cạnh Quốc lộ 14, nhưng ông Đậu Huy Lộc thừa nhận là chỉ mò mẫm chứ không được tập huấn hay định hướng gì từ cơ quan chức năng.
Ông mong muốn qua Chương trình “Đắk Nông – Mùa bơ chín” sắp tới, sẽ có thêm kiến thức bổ ích và định hướng để phát triển cây bơ bền vững.
Xã Đức Mạnh, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông trước đây là vùng chuyên canh cà phê, nhưng mấy năm gần đây đã phát triển mạnh diện tích cây ăn trái, trong đó khoảng 150 ha bơ.
Ông Nguyễn Công Hiền – Chủ tịch Hội Nông dân xã nhận định, thời gian tới trên địa bàn sẽ hình thành vùng chuyên canh cây bơ, nhưng không biết khả năng tiêu thụ như thế nào. Hy vọng Chương trình “Đắk Nông – Mùa bơ chín” sẽ là cơ hội tốt cho bà con nông dân.
Còn ông Hồ Gấm – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông cho biết, tình trạng mở rộng diện tích trồng bơ một cách tự phát như hiện nay là do kích ứng thị trường nhất thời, thiếu tính bền vững. Nông dân thiếu kiến thức về kỹ thuật canh tác, thiếu thông tin thị trường tiêu thụ.
Thực tế cho thấy, bơ không phải là cây trồng chính của tỉnh Đắk Nông. So với hồ tiêu, cà phê, điều và cao su thì cây bơ có diện tích ít hơn nhiều.
Toàn tỉnh hiện chỉ có khoảng 2.600 ha bơ, trong đó hơn 700 ha trồng chuyên canh và khoảng 1.900 ha trồng xen canh. Tuy nhiên, cây bơ có giá trị kinh tế rất cao; bình quân 1 ha cho thu nhập từ 500 - 700 triệu đồng, nếu thu nhập đều và ổn định như hiện nay thì cây bơ chiếm khoảng 10% tổng giá trị thu nhập ngành nông nghiệp của tỉnh.
Ông Trương Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, Chương trình “Đắk Nông – Mùa bơ chín”, nhằm giới thiệu quảng bá rộng rãi sản phẩm bơ Đăk Nông đến người tiêu dùng, đến các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu trong và ngoài nước nhằm nâng cao giá trị trái bơ. Khẳng định vị thế cây bơ trong cơ cấu ngành nông nghiệp địa phương, tỉnh Đắk Nông sẽ có chính sách hỗ trợ nông dân phát triển loại cây này theo hướng bền vững.
“Đắk Nông sẽ hỗ trợ cho người trồng bơ thông tin thị trường, tư vấn giống bơ đạt chuẩn, đảm bảo chất lượng. Mời gọi các nhà đầu tư đến chế biến sâu sản phẩm và tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân. Hỗ trợ nông dân trồng bơ, chứng nhận VietGap, truy xuất nguồn gốc bơ, hỗ trợ nông dân hình thành các tổ hợp tác về bơ, các hộ trồng bơ nhằm đảm bảo tính liên kết, tạo ra vùng sản xuất bơ rộng lớn nhằm cung ứng thị trường xuất khẩu trong nước và quốc tế", ông Trương Thanh Tùng cho hay.
Chương trình "Đắk Nông - Mùa bơ chín" sẽ diễn ra trong tuần tới tại thị xã Gia Nghĩa, với nhiều hoạt động trọng tâm như: Hội thảo "Phát triển bơ bền vững"; Hội thi "Trái bơ ngon"; Hội chợ thương mại “Kết nối cung cầu bơ và các sản phẩm nông nghiệp”…
Cùng với khách mời trong nước và quốc tế, chương trình sẽ có 66 hộ nông dân địa phương tham gia trực tiếp vào các hoạt động và khoảng 500 nông dân tham gia hội thảo về phát triển bơ bền vững. Kỳ vọng của bà con nông dân là, qua Chương trình "Đắk Nông - Mùa bơ chín" sẽ tạo bước đột phá mới để phát triển cây bơ bền vững.