Mỗi lần ra chợ, hãy nghĩ đến hàng Việt

Nếu trước đây người tiêu dùng sử dụng hàng Việt với tinh thần "thấy cái gì tốt mới xài" thì sau khi "Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", việc sử dụng hàng Việt đã gắn với lòng yêu nước, tự hào dân tộc.

Diễn viên Hạnh Thuý - đại sứ hàng Việt - đã nói như vậy về những chuyến biến trong nhận thức của người tiêu dùng sau hành trình dài gắn bó với cuộc vận động. 

Nữ diễn viên phát biểu tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện thông báo Kết luận số 264-TB/TW ngày 31/7/2009 của Bộ Chính trị về tổ chức cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn TP.HCM sáng nay 20-4. Hội nghị do Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP.HCM tổ chức. 

Theo nữ diễn viên, trước đây gia đình chị vẫn sử dụng hàng Việt theo nhu cầu, thấy sản phẩm Việt nào tốt thì xài, nhưng với cuộc vận động này, ý thức sử dụng hàng Việt của chị và gia đình đã qua một nấc khác. 

"Ngoài sử dụng cho nhu cầu, chúng tôi còn ý thức sử dụng vì lòng yêu nước, và cùng nhiều nghệ sĩ khác tham gia vào CLB Đại sứ hàng Việt nhằm lan truyền tình yêu hàng Việt cho những người xung quanh và cho khán giả. Hiện đa phần bà con đã đón nhận hàng Việt một cách tự nhiên như nhu cầu quen thuộc hàng ngày", diễn viên Hạnh Thuý chia sẻ. 

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo cuộc vận động, cùng với chương trình "Bình ổn thị trường" của TP, cuộc vận động đã hỗ trợ và tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành vi ưu tiên sử dùng hàng Việt trong mua sắm công, trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và trong tiêu dùng cá nhân.

Cuộc vận động cũng nâng cao nhận thức của doann nghiệp về tầm quan trọng của việc khai thác tốt thị trường nội địa, chủ động chú trọng đầu tư cải tiến hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và xây dựng uy tín thương hiệu.

Theo ông Nguyễn Anh Đức - phó tổng giám đốc Saigon Co.op, sự trưởng thành của hàng Việt có thể thấy rõ rệt trong khoảng 10 năm gần đây, về cả hình thức, chất lượng và sức sáng tạo. 

Tại hội nghị tổng kết, bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ nhận định rằng cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam không chỉ là câu chuyện kinh tế. 

"Chỉ xét khía cạnh kinh tế thì không thể có sự 'ưu tiên'. Kinh tế thị trường tuân theo quy luật hàng tốt, rẻ thì sẽ được chọn mua. Ở đây, cuộc vận động có nghĩa là hàng Việt có thể chưa được tốt hoàn toàn nhưng người dùng vẫn ưu ái chọn vì yêu nước, lo cho người Việt Nam", bí thư Nhân nói.

"Mỗi một món hàng do người Việt Nam tạo ra được người Việt Nam mua có nghĩa là người lao động Việt Nam được cải thiện thu nhập, không lo thất nghiệp. Chính sự chia sẻ này đã khuyến khích doanh nghiệp Việt đầu tư sản xuất nhiều hơn". 

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh doanh nghiệp cũng phải cố gắng sản xuất hàng hoá chất lượng hơn trong khi người dùng sử dụng hàng Việt với tinh thần châm chước hơn. 

"Đó là thời cơ vàng giúp các doanh nghiệp củng cố niềm tin, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nâng cao trình độ sản xuất. Mỗi lần ra chợ, hãy nghĩ đến hàng Việt", bí thư Nguyễn Thiện Nhân nhắn nhủ. 

Tại cuộc họp, Ban chỉ đạo cuộc vận động cũng lưu ý các vấn đề đang ảnh hưởng đến việc sử dụng hàng Việt của người tiêu dùng trong nước: hàng gian, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn vẫn lưu thông bất hợp pháp trên thị trường; một bộ phận người tiêu dùng có thu nhập cao vẫn ưu chuộng hàng ngoại...

Qua đó kiến nghị thực hiện công tác tuyên truyền hiệu quả, thiết thực hơn tới 3 đối tượng trong chương trình hành động của TP là các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Bình luận của bạn