Mỗi làng một sản phẩm: Tiếp sức để hàng Việt vươn xa

Thông qua chương trình “Mỗi làng một sản phẩm (OVOP)”, mỗi làng nghề, DN được lựa chọn một sản phẩm thủ công mỹ nghệ (TCMN) tiêu biểu, có giá trị gia tăng, sức cạnh tranh cao để tập trung sản xuất phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.

Cách làm này đã mở ra hướng đi mới cho việc phát triển nghề TCMN Hà Nội, qua đó triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Nhiều khó khăn khi khai thác tiềm năng

OVOP là chương trình phát triển vùng của Nhật Bản, trong đó các làng nghề lựa chọn một sản phẩm có giá trị gia tăng, sức cạnh tranh cao để sản xuất. Sau sự thành công của OVOP tại Nhật Bản, Việt Nam và 40 quốc gia đã học tập mô hình này, qua đó thúc đẩy tăng trưởng ngành nghề nông thôn. 

Hà Nội hiện có 1.350 làng có nghề, chiếm 67% làng nghề của cả nước, trong đó có tới 24 làng nghề truyền thống. Thế nhưng, hoạt động của các làng nghề vẫn chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng và thế mạnh của Thủ đô. Nguyên nhân là do phần lớn sản phẩm TCMN đơn điệu về mẫu mã, chất lượng chưa cao, DN sản xuất chưa chú trọng xây dựng thương hiệu nên sức cạnh tranh của hàng TCMN yếu kém. Không chỉ có vậy, hoạt động sản xuất tại một số ngành nghề vẫn mang tính tự phát, làm gia công theo đơn đặt hàng nên giá trị gia tăng thấp.

Bà Trần Thị Phương Lan – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Có những rào cản này là do người dân làng nghề chủ yếu sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, chưa có định hướng sản xuất hàng hóa, chưa biết cách tổ chức sản xuất, tiếp thị. Một số sản phẩm mặc dù đã được thương mại hóa nhưng việc bảo vệ thương hiệu, chống hàng giả chưa được chú trọng. Đồng thời, hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các làng nghề TCMN vẫn mang tính ngắn hạn, chưa có chương trình dài hạn, từ đó tạo ra sản phẩm đa dạng mẫu mã, giá trị gia tăng cao… Những hạn chế này đã làm giảm sức cạnh tranh của các sản phẩm TCMN Việt Nam với sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực, quốc tế.

Điều đó cho thấy việc phát triển OVOP sẽ tạo động lực cho các làng nghề phát huy tính sáng tạo độc đáo, giá trị văn hóa trong sản phẩm TCMN, mang lại giá trị gia tăng cao.

Thúc đẩy OVOP để tiêu thụ sản phẩm

Nhằm giúp các làng nghề Hà Nội tìm đầu ra cho sản phẩm, phát triển sản xuất, từ năm 2012, chương trình OVOP đã được Trung tâm Xúc tiến thương mại (nay là Trung tâm Xúc tiến Đầu tư – Thương mại – Du lịch Hà Nội – HPA) triển khai. Theo đó, Hà Nội sẽ hỗ trợ làng nghề có giá trị sản xuất, xuất khẩu cao hoặc có tiềm năng xuất khẩu; hỗ trợ các làng nghề sản xuất các mặt hàng được thiết kế phù hợp với nhu cầu tiêu dùng hiện đại của thị trường, qua đó nâng cao giá trị sản xuất.

Đặc biệt, tổ chức Triển lãm OVOP đã hỗ trợ DN, làng nghề quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Bà Nguyễn Thị Mai Anh – Phó Giám đốc HPA cho biết: Triển lãm “Mỗi làng một sản phẩm – OVOP Việt Nam 2016” lần này diễn ra từ 9 – 11/12, gồm 30 – 40 gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm TCMN, đặc biệt là các sản phẩm quà tặng thủ công chất lượng cao với thiết kế đẹp do chuyên gia nước ngoài tư vấn. Các sản phẩm trưng bày phải đảm bảo các tiêu chí: Có thiết kế mới, có thể sử dụng làm quà tặng cho khách du lịch do các làng nghề, DN sản xuất hàng TCMN thực hiện. Nhằm tạo điểm nhấn trong không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm góp phần quảng bá và thu hút khách du lịch đến Hà Nội, trong những ngày diễn ra Triển lãm, các nghệ nhân hàng TCMN còn tổ chức trình diễn “Không gian trình diễn ánh sáng làng nghề”. Tại khu vực trước Tượng đài Lý Thái Tổ sẽ là các tác phẩm đèn sắp đặt nghệ thuật gồm các cụm đèn Hoa sen, cụm đèn Phố cổ Hà Nội, cụm đèn tre kết hợp nón xếp hình hoa sen… Dọc vỉa hè, thảm cỏ hai bên đường Lê Lai và Lê Thạch với các tác phẩm đèn tre, lụa, đèn sơn mài, đèn cườm với hai màu chủ đạo xanh và trắng. Tại Nhà Bát Giác sẽ trình diễn các loại đèn kết hợp hiệu ứng ánh sáng hỗ trợ hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn sản phẩm của các nghệ nhân… “Không gian trình diễn ánh sáng làng nghề tạo điều kiện cho các làng nghề giới thiệu các loại sản phẩm đèn trang trí TCMN và các sản phẩm làng nghề Hà Nội” – bà Nguyễn Thị Mai Anh khẳng định.

Mặc dù HPA và ngành công thương đã hỗ trợ làng nghề cải tiến mẫu mã sản phẩm thông qua chương trình OVOP, tuy nhiên chính bản thân các làng nghề cũng cần nâng cấp sản phẩm, thiết kế mẫu mã, tiêu chuẩn sản phẩm, xúc tiến thương mại cũng như việc đẩy mạnh liên kết với ngành du lịch trong việc tiêu thụ sản phẩm.
 

Bình luận của bạn