Mời tham gia chương trình XTTM, đưa hàng vào siêu thị Nam Phi từ 8-16/5/2019

Nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Nam Phi, Bộ Công Thương (Vụ Thị trường Châu Á – Châu Phi) sẽ tổ chức đoàn xúc tiến thương mại, trưng bày hàng hóa tại siêu thị bán buôn và bán lẻ của Nam Phi từ ngày 08 đến ngày 16 tháng 5 năm 2019.

Bên cạnh các hoạt động trưng bày và và giới thiệu sản phẩm tại hệ thống siêu thị của Nam Phi, đoàn sẽ có các hoạt động nghiên cứu, khảo sát thị trường, tiến hành các hoạt động giao thương, gặp gỡ đối tác bạn hàng, làm việc với các doanh nghiệp nhập khẩu nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang nước này. Các mặt hàng tập trung gồm có nông sản (gạo, cà phê, hạt tiêu, chè, cơm dừa), thực phẩm chế biến, bánh kẹo, đồ ngọt, nước giải khát, thủy sản, dệt may, điện tử gia dụng, văn phòng phẩm, da giày ….

1. Về thị trường Nam Phi

Nam Phi là quốc gia phát triển hàng đầu về kinh tế, xã hội và chính trị ở châu Phi và hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại châu Phi. Kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai nước đạt trên 1 tỷ USD năm 2018. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của ta đạt khoảng 724 triệu USD, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu khá đa dạng gồm điện thoại di động và linh kiện, máy móc, hạt tiêu, cà phê, dệt may, giày dép các loại, sắt thép, hạt điều, sản phẩm gỗ, hóa chất, rau quả, gạo… Về nhập khẩu, ta nhập khẩu từ Nam Phi 386 triệu USD trong năm 2018, gồm có chất dẻo nguyên liệu, kim loại thường, rau quả, nguyên phụ liệu dệt may và da giầy, sản phẩm hóa chất, sắt thép các loại, máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, than cám, quặng và khoáng sản, hóa chất, bông, cao su...

2. Về hệ thống siêu thị của Nam Phi

Nam Phi có hệ thống siêu thị rất phát triển, không những chỉ phục vụ tại thị trường Nam Phi mà còn trải rộng trên khắp các quốc gia Châu Phi. Năm siêu thị bán lẻ về thực phẩm lớn nhất nước này (chiếm 60% trong tổng số hàng hóa bán lẻ tại Nam Phi) gồm có Shoprite, Pick n Pay, Spar, Woolworths và Walmart’s Cambridge Foods.

+ Shoprite: là siêu thị bán lẻ hàng đầu của Nam Phi và cung cấp các loại hàng hóa tiêu dùng cho tầng lớp có thu nhập trung bình. Doanh thu hàng năm của Tập đoàn này vào khoảng 14,96 tỷ USD, chiếm 36% thị phần bán lẻ tại thị trường Nam Phi. Hiện nay, Tập đoàn Shoprite có hơn 400 chuỗi cửa hàng tiện ích tại hơn 20 nước khu vực Châu Phi. Sản phẩm bán tại Shoprite gồm có thực phẩm, đồ uống, đồ gia dụng, rượu, dược phẩm, mỹ phẩm.

+ Pick n Pay: là siêu thị bán lẻ lớn thứ 2 tại Nam Phi, với doanh thu hàng năm vào khoảng 9,52 tỷ USD, chiếm 28% thị phần bán lẻ tại Nam Phi. Hiện nay, Pick n Pay có 937 cửa hàng tiện ích tại Nam Phi và có 104 cửa hàng ở 8 nước châu Phi (Mozambique, Botswana, Zimbabwe, Namibia, Lesotho, Zambia, Mauritus, Swaziland). Sản phẩm bán tại Pick n Pay: thực phẩm, rượu, nước uống có ga, đồ da dụng, dược phẩm, quần áo, giầy dép...

+ Spar: chủ yếu bán buôn và phân phối hàng hóa và dịch vụ cho các chuỗi siêu thị nhỏ và vừa tại Nam Phi, với doanh thu vào khoảng gần 7 tỷ USD/năm. Hiện nay, Tập đoàn Spar có 1725 cửa hàng ở khắp cả nước và phân phối hàng hóa tới 6 nước trong khu vực miền Nam châu Phi. Hàng hóa của Spar chủ yếu dành cho khách hàng có thu nhập trung bình và thu nhập cao ở Nam Phi nói riêng và châu Phi nói chung.

+ Woolworths: là tập đoàn bán lẻ lớn thứ 4 tại Nam Phi, với doanh thu trung bình 4,42 tỷ USD/năm, trong đó khoảng 2,7 tỷ USD là doanh thu từ việc bán lẻ hàng thực phẩm. Woolworths có 940 cửa hàng tại 17 nước, trong đó có 479 cửa hàng tại Ốt-xtrây-lia, 82 cửa hàng tại khu vực châu Phi và 379 cửa hàng là ở Nam Phi. Sản phẩm phân phối chủ yếu của Tập đoàn này là quần áo, thực phẩm và các sản phẩm do công ty sản xuất (mang thương hiệu của Woolworths).

+ Walmart’s Cambridge Foods: doanh thu hàng năm của Tập đoàn này vào khoảng 1,6 tỷ USD, chiếm 2% thị phần bán lẻ tại Nam Phi. Hàng hóa bán tại đây chủ yếu là thực phẩm tươi sống (thịt, cá, rau, củ, quả, bánh mỳ...).

+ Advance Cash & Carry: là một trong những công ty chuyên cung cấp và phân phối hàng hóa vào hệ thống siêu thị bán lẻ lớn tại Nam Phi (như Shoprite, Spar, Checke...). Ngoài ra, Advance Cash & Carry cũng có hệ thống siêu thị bán buôn của riêng công ty này tại Nam Phi.

3. Về các hoạt động xúc tiến thương mại

Trong chương trình XTTM lần này, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp tại hai thành phố Cape Town và Johannesburg tổ chức Hội thảo doanh nghiệp tại các thành phố này. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp trưng bày, quảng bá sản phẩm tại Gian hàng Việt Nam tại siêu thị bán buôn Advance Cash& Carry và siêu thị bán lẻ Shopprite của Nam Phi trong thời gian diễn ra chương trình. Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp trưng bày và giới tihiệu sản phẩm tới người tiêu dùng Nam Phi, trực tiếp gặp gỡ, thảo luận, tiến hành giao thương, tìm kiếm các cơ hội hợp tác với các đối tác Nam Phi nhằm thiết lập quan hệ làm ăn và đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này.

Bộ Công Thương thông báo nội dung trên và trân trọng mời các doanh nghiệp quan tâm, gửi đăng ký tham gia Chương trình. Các chi phí (vé máy bay, ăn ở, đi lại) do doanh nghiệp tự chi trả.

Mọi thông tin xin liên hệ:

Vụ Thị trường châu Á, châu Phi, Bộ Công Thương
Chị Nguyễn Minh Phương, Trưởng phòng Tây Á – Châu Phi
+ Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
+ Điện thoại: (+84) 90 417 2942
+ Email: Phuongnmi@moit.gov.vn
Hoặc: Chị Nguyễn Thị Hoàng Yến, chuyên viên
+ Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
+ Điện thoại: (+84) 912189763
+ Email: yenngth@moit.gov.vn
 

Bình luận của bạn