Mỹ - thị trường lớn cho nông sản Việt
Kể từ khi Chính phủ Mỹ chính thức gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận kinh tế với Việt Nam (năm 1994), sau 20 năm, quan hệ xuất nhập khẩu nông sản giữa Việt Nam và Mỹ đã đạt được thành công vượt kỳ vọng và hiện giờ, Việt Nam đã trở thành đối tác xuất khẩu nông sản số 1 của khối ASEAN vào Mỹ.
Với nhiều lợi thế về đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng, hàng năm Việt Nam đã xuất khẩu sang Mỹ nhiều mặt hàng nông sản có giá trị như cà phê, tiêu, điều, thủy sản, đồ gỗ… với kim ngạch và giá trị luôn gia tăng. Đặc biệt, nếu Hiệp định TPP được ký kết, cơ hội giao thương giữa các mặt hàng nông sản 2 nước sẽ còn tiếp tục tăng.
Vừa xuất, vừa nhập
Theo số liệu của Bộ NNPTNT, trong 3 tháng đầu năm 2015, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu tuy giảm so với cùng kỳ, nhưng Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất đối với các mặt hàng này. Cụ thể, thuỷ sản vẫn chiếm chiếm 18,62% tổng kim ngạch 1,27 tỷ USD của ngành; xuất khẩu cà phê 3 tháng đầu năm 2015 đạt 350.000 tấn với giá trị 734 triệu USD, trong đó Mỹ chiếm 17,95%. Tương tự, các mặt hàng như tiêu, điều, trái cây… vẫn tiếp tục gia tăng và chiếm số lượng xuất khẩu lớn trong số các mặt hàng nông sản xuất khẩu nước ta. Theo ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương), đối với TPP, hầu hết các chuyên gia của Mỹ đều đánh giá nếu ký kết, lợi thế sẽ thuộc về Việt Nam do có nhiều ưu thế đối với các mặt hàng nông sản.
Vải thiều Lục Ngạn nhiều cơ hội xuất khẩu sang Mỹ
Ở chiều ngược lại, cũng theo số phân tích trên, Việt Nam hiện nhập khẩu khá nhiều ngô, bông từ Mỹ. Mặc dù vậy, thuế quan mà Việt Nam đang áp dụng đối với mặt hàng này đều thấp (0-5%), do đó nếu TPP loại bỏ thuế ở khâu này, nông sản tương ứng của Việt Nam sẽ không gặp khó khăn hơn hiện nay.
Phân tích những cơ hội, thách thức khi gia nhập TPP, bà Phùng Thị Lan Phương, đại diện Trung tâm WTO, thuộc phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, TPP chưa kết thúc đàm phán nên không biết được chính xác việc cắt giảm thuế quan cho các sản phẩm nông nghiệp trong TPP như thế nào, nhưng hiện tại các nước TPP đang hướng tới xoá bỏ tới gần 100% các dòng thuế và do đó thuế đối với các sản phẩm nông nghiệp sang Mỹ chắc chắc sẽ được xoá bỏ gần hết một khi TPP có hiệu lực.
Tuy nhiên, theo bà Lan Phương, từ trước đến giờ rào cản chính đối với các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam sang Mỹ không phải là thuế quan mà là các rào cản kỹ thuật (ví dụ quy định về đóng gói, nhãn mác sản phẩm...), các rào cản vệ sinh dịch tễ và các biện pháp phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ) - mà các rào cản này lại hầu như không được giải quyết trong TPP. Do đó, việc hàng nông sản của Việt Nam có vào được Mỹ trong thời gian tới hay không phụ thuộc vào việc các doanh nghiệp có nâng cao chất lượng sản phẩm của mình.
Nguồn: Vietstock