Nâng cao giá trị gạo Việt

Sự hợp tác giữa ngân hàng thương mại (NHTM) và doanh nghiệp nhằm xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo từ khâu sản xuất giống đến gieo trồng, thu hoạch, chế biến và xuất khẩu đang mang lại hiệu quả thiết thực.

Thắt chặt liên kết

Theo ông Huỳnh Thế Năng - Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) - thời gian qua, việc phối hợp giữa các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo với NHTM trong việc xây dựng vùng nguyên liệu và thương hiệu lúa gạo khá tốt.

Điển hình, tại tỉnh Đồng Tháp, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) đã cung cấp gói tín dụng ưu đãi 980 tỷ đồng vốn vay ngắn hạn, lãi suất 6,5%/năm cho Công ty Lộc Anh triển khai dự án “Cánh đồng lớn” quy mô 20.800 ha. Theo đó, tiến độ giải ngân vẫn đang được NBC thực hiện để Lộc Anh kết hợp cùng các DN tổ chức cung cấp trọn gói lúa giống, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho nông dân và bao tiêu 100% sản lượng lúa. Ngoài gói trên, NCB còn có một gói tín dụng khác trị giá 400 tỷ đồng cho Lộc Anh để đầu tư nhà máy sấy, xay xát, chế biến lúa gạo xuất khẩu có công suất 1.000 tấn/ngày, đảm bảo tiêu thụ hết lúa thương phẩm của vùng dự án.

Tương tự, Ngân hàng HDBank cũng đã dành các gói hỗ trợ tài chính 2.000 tỷ đồng cho DN thuộc chuỗi cung ứng ngành lúa gạo và gói tín dụng 1.000 tỷ đồng dành cho các nhà phân phối, DN cung ứng vật tư nông nghiệp và thủy sản.

Trong năm 2016, việc kết hợp với các NHTM để cung ứng nguồn vốn tín dụng nhằm xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo từ khâu sản xuất giống đến khâu gieo trồng, thu hoạch, chế biến và xuất khẩu tiếp tục được các DN đẩy mạnh. Để thực hiện, VFA đã soạn thảo “chương trình hành động” cụ thể, trong đó hướng đến 2 mục tiêu cơ bản là xây dựng chuỗi lúa gạo khép kín và xây dựng thương hiệu lúa gạo quốc gia. Dự kiến cuối quý I/2016, dự thảo sẽ hoàn thành, trình lên các bộ, ngành liên quan và triển khai đến hội viên VFA cũng như các công ty thành viên của Vinafood 2.

Chú trọng xây dựng thương hiệu

Hiện nay, gạo của Việt Nam dù được xuất khẩu đi rất nhiều nước với sản lượng lớn nhưng tại các thị trường này hầu như không ghi xuất xứ gạo từ Việt Nam. Vì vậy, năm 2016, việc xây dựng thương hiệu và nhãn hiệu cho từng sản phẩm đồng thời chứng minh, thuyết phục người tiêu dùng trong nước về chất lượng của gạo Việt sẽ được chú trọng.

Ông Năng cho hay, tại Vinafood2, việc xây dựng nhãn hiệu gạo được triển khai theo hai cấp. Cấp 1 là nhãn hiệu riêng từng loại gạo đặc sản địa phương, cấp 2 là thương hiệu gạo mang tên Vinafood 2 mang tầm quốc gia. Cụ thể: Vinafood 2 sẽ hợp tác với Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long khôi phục một số giống lúa thơm, lúa nếp, có thị trường tiêu thụ ổn định, để đảm bảo giống thuần, chất lượng ổn định, tiến tới xây dựng nhãn hiệu gạo chủ lực của Vinafood 2, đồng thời tổng công ty  cũng hình thành Trung tâm cung ứng vật tư nông nghiệp phục vụ phát triển cánh đồng lớn theo dự án đã đề ra.

Với từng DN riêng lẻ, ông Phạm Hoàng Lâm - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hưng Lâm - cho biết: Việc xây dựng thương hiệu gạo là rất cần thiết nhưng không dễ thực hiện bởi Việt Nam chưa có một loại giống lúa nào nổi bật và có thể trồng đại trà. Tại Hưng Lâm, lâu nay công ty đang xây dựng thương hiệu gạo Hung Lam Rice với sản phẩm chủ lực là gạo thơm Jasmine (hương lài). Năm nay, mặt hàng này sẽ được công ty chú trọng và kiểm soát chặt chẽ hơn trong quá trình sản xuất để đảm bảo hạt gạo được đồng đều màu sắc cũng như không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Bình luận của bạn