Nâng cao giá trị hàng thủ công mỹ nghệ
Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của làng nghề truyền thống muốn có chỗ đứng trên thị trường, nhất là với thị trường thế giới, phải có tính thẩm mỹ và ứng dụng phù hợp. Cùng với đó là việc quảng bá, giới thiệu để các sản phẩm này tiếp cận được với người tiêu dùng. Những điều này được thể hiện khá rõ nét trong triển lãm “Mỗi làng một sản phẩm - OVOP Việt Nam” kết hợp trình diễn không gian ánh sáng làng nghề do TP Hà Nội tổ chức cuối tuần qua.
Khi trời chuyển tối, không gian phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm trở nên lung linh hơn bởi hàng trăm chiếc đèn tỏa sáng. Những cụm đèn độc đáo xếp đặt trên nền đất, treo kết trên các tán cây, thu hút du khách tới chiêm ngưỡng. Đèn được làm từ các chất liệu khác nhau, như: mây, tre nứa, lụa, giấy gió, gốm, sơn mài…, kết thành chùm theo những hình khối. Cụm đèn phố cổ Hà Nội, gồm những ngôi nhà nhỏ làm bằng gốm, mô phỏng những căn nhà thời xưa. Cụm đèn hoa sen, làm từ tre và giấy hồng. Phía trên cao là những chùm đèn mang hình cái đăng, cái đó quen thuộc ở những làng chài lưới…
Ông Lê Bá Ngọc, đại diện Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam cho biết, Ban tổ chức đã sử dụng 35 loại đèn khác nhau nhưng đều được sản xuất tại các làng nghề trong nước. Việc trình diễn không gian ánh sáng để tạo điểm nhấn trong không gian phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, thu hút khách du lịch, nhưng quan trọng hơn là làm nổi bật tính thẩm mỹ và ứng dụng của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
Đan xen không gian ánh sáng từ các loại đèn khác nhau là gần 40 gian hàng của triển lãm Mỗi làng một sản phẩm - OVOP Việt Nam. Mỗi gian hàng mang đến một dòng sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác nhau, như sơn mài, khảm trai, mây tre đan, gốm sứ, thêu ren, gỗ, dệt may, hàng giấy - tranh in dân gian, thủy tinh… Đúng như tiêu chí của chương trình, các cơ sở sản xuất làng nghề đều mang tới triển lãm những sản phẩm có tính chọn lọc, thẩm mỹ, ứng dụng cao và có thể sử dụng làm quà tặng cho khách du lịch. Tại gian hàng của Công ty CP Gốm sứ Quang Minh (làng Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội), những chiếc bình, ấm chén bằng gốm được thiết kế với dáng dấp hiện đại hơn, sử dụng các mầu hồng, xanh dương, ghi… phù hợp phong cách bài trí hiện nay. Tại một gian hàng khác, có những sản phẩm từ chất liệu gốm, thoạt nhìn tưởng chỉ để trưng bày, đến khi tìm hiểu mới biết, đó là những chiếc loa không dây. Gian hàng của làng lụa Vạn Phúc mang đến những sản phẩm khăn, áo dài, vải lụa được dệt theo hoa văn mới, chất liệu nhẹ, mềm mượt, phối màu nhã nhặn…
Sau khi tham quan các gian hàng tại triển lãm lần này, chị Dương Bích Ngọc (ở phố Hai Bà Trưng, Hà Nội) nhận xét, các gian hàng hơi nhỏ, bày không nhiều sản phẩm, nhưng sản phẩm nào cũng rất độc đáo, đẹp mắt. Chúng vừa có nét truyền thống, vừa mang nét hiện đại, tính thẩm mỹ cao. Tôi được biết nhiều sản phẩm trong đó là hàng xuất khẩu đi các thị trường Mỹ, Nhật Bản… Tôi nghĩ nếu các sản phẩm này được quảng bá, giới thiệu nhiều hơn, thì rất nhiều người tiêu dùng trong nước muốn tìm mua.
Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương. Từ năm 2013, thành phố đã triển khai chương trình xúc tiến thương mại Mỗi làng một sản phẩm - OVOP nhằm kết nối các chuyên gia tư vấn, thiết kế hỗ trợ các doanh nghiệp, làng nghề Hà Nội trong hoạt động sản xuất, phát triển kinh doanh, phát triển sản phẩm. Qua đó tạo sự chuyển biến, nâng cao nhận thức, tư duy, năng lực sáng tạo, tạo ra sản phẩm thủ công mới có giá trị kinh tế cao, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Bên cạnh đó là nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề trong hoạt động xúc tiến đầu tư - thương mại - du lịch, đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo và tư vấn thiết kế mẫu mã, phát triển sản phẩm mới… Tuy nhiên, hiệu quả đạt được còn hạn chế.
Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Hà Nội cho biết, triển lãm “Mỗi làng một sản phẩm - OVOP Việt Nam” kết hợp trình diễn không gian ánh sáng làng nghề được gắn với chủ đề thiết kế sáng tạo, bởi hiện nay, các sản phẩm thủ công làng nghề Việt Nam còn đơn điệu về mẫu mã, chất lượng chưa cao. Hầu hết các sản phẩm chưa có thương hiệu, cho nên sức cạnh tranh kém, phần lớn là thu gom, làm gia công theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp nước ngoài, cạnh tranh về giá cả, giá trị gia tăng thấp. Thiếu đội ngũ thiết kế, thiếu các trung tâm thiết kế, sáng tạo và trưng bày sản phẩm đang là điểm yếu của hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam. Do đó, thông qua triển lãm lần này, Ban Tổ chức hy vọng các hiệp hội, doanh nghiệp làng nghề sẽ thay đổi tư duy, chú trọng khâu thiết kế để gia tăng giá trị, phát triển tốt thị trường xuất khẩu, thu hút khách du lịch trong nước và nước ngoài.