Nâng cao giá trị sản phẩm gỗ của Phú Yên

Phú Yên là địa phương có diện tích quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp tương đối lớn.

Những năm qua, người dân, doanh nghiệp… đã chú trọng đến việc trồng rừng và sản xuất các sản phẩm từ gỗ rừng trồng, nhưng giá trị kinh tế mang lại chưa cao.

Để thúc đẩy sự phát triển của lâm nghiệp, tỉnh Phú Yên đã hướng dẫn các chủ rừng xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, thúc đẩy các đơn vị trồng rừng lập thủ tục cấp chứng chỉ FSC quốc tế và xây dựng chuỗi hành trình sản phẩm trong lâm nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh cũng kêu gọi sự ủng hộ, đầu tư từ các nhà khoa học, doanh nghiệp… 

* Tăng năng suất rừng trồng 

Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên cho thấy, diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp là hơn 276.000ha, chiếm khoảng 54,95% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 43,43%.

Diện tích rừng lớn, tuy nhiên, so với mặt bằng chung của cả nước, năng suất và chất lượng rừng trồng ở Phú Yên vẫn còn ở mức trung bình, khoảng 80 - 120m3/ha (trong 7 đến 8 năm). 

Theo ông Nguyễn Đức Kiên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giống và công nghệ sinh học lâm nghiệp (Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam), để cải thiện năng suất, chất lượng gỗ rừng trồng thì khâu giống là rất quan trọng, chiếm khoảng 60% thành công và 40% còn lại là khâu kỹ thuật lâm sinh. Chính vì vậy tỉnh Phú Yên cần thực hiện tốt vấn đề này.

Viện Nghiên cứu giống và công nghệ sinh học lâm nghiệp sẵn sàng phối hợp với các địa phương và đơn vị trồng rừng triển khai xây dựng các mô hình trình diễn giống cây mới, từ đó chọn ra các giống thực sự phù hợp cho từng địa phương để phát triển sản xuất. 


 

Bên cạnh việc tăng năng suất đối đối với loại cây trồng phổ biến là cây keo cũng cần phải tính toán đến việc trồng những cây gỗ lớn để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. 

Ông Hồ Đắc Thái Hoàng, Viện trưởng Viện Tài nguyên – Môi trường, Đại học Huế cho biết, nhiều mô hình trồng rừng gỗ lớn đã triển khai ở miền Trung bước đầu thành công; trong đó, có Phú Yên. Việc phát triển rừng định hướng gỗ lớn không chỉ dừng lại ở rừng sản xuất mà nên mở rộng đến diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng nhằm nâng cao hiệu quả, tạo sản phẩm gỗ tiềm năng cho địa phương.

Cần chú ý trồng các loại cây bản địa vì đây là giải pháp lâm sinh bền vững, phù hợp với điều kiện tự nhiên; đáp ứng tiêu chí đa dạng sinh học. Từ đây tạo sản phẩm mang tính độc đáo riêng để nâng cao giá trị sản phẩm. 

Ngoài ra, rừng gỗ lớn còn giúp giảm bớt số lần khai thác, trồng lại rừng; giảm xói mòn, rửa trôi đất do quá trình khai thác, trồng lại rừng gây ra. Rừng gỗ lớn cũng có khả năng hấp thụ các bon, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu. 

Theo ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, UBND tỉnh Phú Yên đã có quy hoạch phát triển trồng rừng gỗ lớn, đến năm 2020 hình thành và phát triển vùng trồng rừng kinh doanh gỗ lớn đáp ứng nhu cầu chế biến và quy hoạch trồng cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng, rừng tự nhiên.

Đưa năng suất bình quân rừng trồng kinh doanh gỗ lớn bằng cây sinh trưởng nhanh đạt khoảng 20m3/năm, bảo tồn gắn với phát triển những loài lâm sản có giá trị kinh tế cao. Đây sẽ là điều kiện để Phú Yên có thể tạo sự đột phá về năng suất, chủng loại gỗ rừng trồng trong những năm sắp tới. 

* Nâng cao giá trị sản phẩm gỗ 

Hiện nay, các sản phẩm chế biến lâm nghiệp của tỉnh Phú Yên chủ yếu vẫn là nguyên liệu gỗ thô, thị trường tiêu thụ không ổn định. Một số doanh nghiệp đã tìm hướng phát triển rừng bền vững; tạo vùng nguyên liệu và phát triển sản phẩm mới. Đây được xem là giải pháp để nâng cao giá trị cho gỗ rừng trồng.

Ông Dương Tử Hảo, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Bảo Châu Phú Yên cho biết, đến nay, diện tích vùng nguyên liệu gỗ được chứng nhận FSC của công ty khoảng 4.000ha trên tổng số vùng nguyên liệu khoảng 9.000ha. Nhờ áp dụng những tiến bộ khoa học, công nghệ trong khâu tuyển chọn giống cây trồng mà trữ lượng bình quân rừng trồng đạt từ 80 - 100m3/ha, đáp ứng nhu cầu sản xuất, chế biến của công ty khoảng 60%. 

Ngoài sản phẩm gỗ chế biến, công ty còn hợp tác với các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc để chế biến viên nén năng lượng nhằm tận dụng tối đa các phụ phẩm từ gỗ rừng. Hiện các sản phẩm này được xuất khẩu sang thị trường các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước EU với khối lượng hàng năm khoảng 100.000 tấn nguyên liệu, thu về hàng chục triệu USD.

Hiện công ty đang xây dựng chuỗi hành trình sản phẩm trong lâm nghiệp nhằm thực hiện quản lý rừng bền vững, tạo nguồn nguyên liệu cung ứng cho sản xuất, chế biến, nâng cao giá trị sản phẩm gỗ rừng trồng. 

Theo ông Cao Chí Công, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), để ngành lâm nghiệp phát triển theo hướng bền vững, Phú Yên cần thu hút các nhà đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến gỗ chuyên sâu, tham gia phát triển rừng trồng theo hướng bền vững. Tỉnh Phú Yên cần nghiên cứu phát triển cây lâm sản ngoài gỗ, phát triển trồng rừng cây gỗ lớn và xây dựng, nhân rộng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị gia tăng. 

Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên cho biết, Phú Yên đang rất quan tâm và tạo điều kiện để các doanh nghiệp và người dân tham gia trồng rừng, chế biến gỗ rừng trồng…

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có quy hoạch, phân vùng phù hợp cho từng loại cây trồng mang lại hiệu quả cao. Tỉnh mong muốn các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực lâm nghiệp tiếp tục hỗ trợ và chuyển giao các giống cây lâm nghiệp đạt chất lượng cao, xây dựng mô hình phát triển lâm nghiệp bền vững, hỗ trợ kỹ thuật lâm sinh… 

Đối với các doanh nghiệp, tỉnh khuyến khích đầu tư xây dựng nhà máy chế biến với những công nghệ mới nhằm nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường… Tỉnh Phú Yên cũng kiến nghị Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong việc tiếp cận thị trường, liên kết chuỗi trong sản xuất và chế biến gỗ… 

Quản lý và bảo vệ rừng là vấn đề quan trọng, bởi rừng có tác dụng to lớn đến đời sống, môi trường cũng như kinh tế - xã hội. Việc sản xuất lâm nghiệp với những giải pháp phát triển bền vững chính là thúc đẩy mạnh mẽ việc bảo vệ màu xanh cho rừng; tránh sự xung đột giữa lợi ích kinh tế với bảo tồn thiên nhiên./.

Bình luận của bạn