Nâng giá trị Việt cho hàng Việt
Vấn đề "làm thế nào để nâng giá trị Việt cho hàng Việt" đã phần nào được lý giải tại buổi talkshow do Báo Người Lao Động tổ chức nhân kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10.
Hào hứng đón cơ hội mới
Dẫn số liệu từ Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 9 tháng năm 2019 đạt 194,3 tỉ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu đạt 188,42 tỉ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2018 và cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng ước tính xuất siêu 5,9 tỉ USD, TS Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, tin tưởng năm nay Việt Nam sẽ đạt mục tiêu kim ngạch xuất nhập khẩu đã đặt ra.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa đánh giá thành tích xuất khẩu 9 tháng đầu năm có được là nhờ doanh nghiệp (DN) Việt đã có bước tiếp cận thị trường khá tốt, nắm bắt được đặc điểm các thị trường để có chiến lược đưa sản phẩm vào. Bên cạnh đó, tăng trưởng GDP nội địa 9 tháng cũng rất khả quan. "Chúng ta thấy xuất hiện những nhân tố mới có thể tác động tích cực đến kim ngạch xuất nhập khẩu, như Việt Nam đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA) - vốn là thị trường xuất khẩu trọng điểm" - ông Hòa nói và nhận định cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang trong quá trình giằng co nên chưa tác động nhiều đến xuất nhập khẩu của Việt Nam. Mặc dù vậy, DN cần chủ động chuẩn bị ứng phó. Trung Quốc nhập rất nhiều nông sản, hàng tiêu dùng của Việt Nam. Gần đây, thị trường này nâng cao tiêu chuẩn hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam nên đòi hỏi DN phải điều chuyển nhanh, nâng tầm chất lượng sản phẩm để đạt chuẩn xuất khẩu. "Tôi có niềm tin khi chúng ta nắm bắt được các tín hiệu ấy thì sẽ trở bộ rất nhanh và hiệu quả" - ông Hòa bày tỏ.
Khá lạc quan với thành tích xuất khẩu sang thị trường Mỹ, châu Âu trong 9 tháng đầu năm và tự tin hoạt động kinh doanh quý IV/2019 sẽ cán đích với doanh số cao, ông Vũ Quang Chính, Tổng Giám đốc điều hành Công ty CP Phát triển Hùng Hậu (HungHau Holdings), thừa nhận thành quả một phần do DN được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Nhiều DN đầu tư vào Mỹ, Trung Quốc chuyển sang các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Là DN tư nhân đa ngành (nông nghiệp, giáo dục, phân phối, thực phẩm và sản xuất hàng tiêu dùng), HungHau Holdings luôn chú trọng nâng cao năng lực quản lý cũng như cải thiện các yếu tố từ nguyên liệu đầu vào để nâng cao giá trị Việt trong sản phẩm đến tăng cường đa dạng hóa thị trường để giảm phụ thuộc vào cuộc thương chiến.
Bà Dương Từ Uyên Thảo, Giám đốc kinh doanh - xuất khẩu Công ty TNHH Sản xuất nhựa Duy Tân, cho rằng EVFTA là cơ hội rất tốt cho DN Việt tăng trưởng xuất khẩu. Theo bà Thảo, châu Âu là thị trường rất lớn với hơn 500 triệu dân, sau khi EVFTA có hiệu lực, đến 80% mặt hàng xuất vào châu Âu được hưởng thuế suất 0%. Đây là lợi thế lớn và là điều kiện thuận lợi để DN Việt tăng xuất khẩu trong thời gian tới. "Duy Tân đã xuất khẩu sang hơn 30 nước. Gần đây, chúng tôi đón nhận nhiều dự án từ Trung Quốc chuyển sang nên có thể kỳ vọng về triển vọng xuất khẩu sắp tới" - bà Thảo chia sẻ.
Khẳng định tầm vóc
TS Nguyễn Ngọc Hòa nhìn nhận DN trong nước đã có cả chục năm từ thuyết phục đến chinh phục người tiêu dùng sử dụng hàng Việt thông qua cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Nói cách khác, cuộc vận động đã tạo được nhận thức tốt trong cộng đồng DN. Trong giai đoạn tới, cuộc vận động cần đi vào chiều sâu, chuyển sang bước ngoặt mới là hàng Việt khẳng định tầm vóc của mình để vươn xa ra thị trường bên ngoài.
Tiếp nối cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", TP HCM đang thực hiện chương trình "Chắp cánh hàng Việt". Theo đó, TP sẽ phối hợp cùng các địa phương xác định lại cơ cấu cung cầu để thiết lập chuẩn hàng hóa mới, như nông sản thực phẩm phục vụ thị trường TP HCM phải được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, truy xuất được nguồn gốc một cách tiện lợi cho người tiêu dùng; phải có quy cách bao bì, đóng gói. Sở Công Thương không chỉ phát động phong trào mà sẽ đến từng địa phương để cùng khảo sát, kết nối sản phẩm đạt chuẩn với hệ thống phân phối ở TP HCM nhằm ưu tiên, tạo điều kiện cho sản phẩm đứng vững ở thị trường nội địa, từ đó chắp cánh cho hàng hóa Việt vươn xa, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do.
Trong chương trình "Chắp cánh hàng Việt" và nhiều chương trình khác, Sở Công Thương đều quan tâm đến yếu tố xây dựng thương hiệu cho sản phẩm và DN. Không chỉ cam kết đồng hành với DN để xây dựng đổi mới công nghệ, phát triển bền vững…, Sở Công Thương còn tạo điều kiện cho DN đạt thương hiệu quốc gia lẫn những thương hiệu khác đưa hàng vào hệ thống phân phối của TP.
Từ thực tiễn sản xuất - kinh doanh, ông Vũ Quang Chính cho biết những năm qua, HungHau Holdings luôn quan tâm phát triển nguồn nhân lực, đầu tư công nghệ tiên tiến nhất để đổi mới sản xuất, cập nhật xu hướng tiêu dùng nhằm theo kịp nhu cầu thị trường đang thay đổi nhanh chóng. "Chúng tôi không ngừng hun đúc và thổi bùng tinh thần Việt vào từng sản phẩm của mình. Để vươn ra thị trường quốc tế và cạnh tranh, chiếm được cảm tình của người tiêu dùng các nước, DN phải liên tục hoàn thiện mình để đạt tiêu chuẩn trong nước và tiêu chuẩn ở các thị trường khó tính. Có thể nói, việc nâng giá trị Việt cho hàng Việt thành hay bại phụ thuộc vào sự đầu tư từ các DN và sự hỗ trợ, đồng hành cùng DN của cơ quan nhà nước, sự ủng hộ hàng Việt của người tiêu dùng. Bên cạnh đó là sự đồng lòng, liên kết của các DN trong nước để tăng sức mạnh, cạnh tranh với các đối thủ.
Đồng quan điểm, bà Dương Từ Uyên Thảo cho rằng đã đến lúc DN nên công bằng hơn với người tiêu dùng, tạo ra sản phẩm đẹp hơn, chất lượng cao hơn để tạo sự tin yêu của người mua hàng.