Nâng tầm hàng Việt: Doanh nghiệp cần thêm điều kiện phát huy nội lực

Ngoài cơ chế chính sách thuận lợi, doanh nghiệp sản xuất trong nước cần phát huy khả năng nội lực để củng cố và nâng cao chất lượng hàng Việt.

Để sản phẩm Việt tiếp tục có chỗ đứng ngày càng vững chắc trong tâm trí người tiêu dùng Việt Nam cũng như nước ngoài, nhiều chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp cần không ngừng đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản phẩm. Khi đó, sản phẩm hàng hóa của Việt Nam tự khắc sẽ tạo uy tín trên thị trường một cách bền vững.

Tăng cường kiểm soát thương mại

Để làm tốt hơn nữa công tác sản xuất, nâng tầm sản phẩm thương hiệu Việt, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại (nay là Sở Công Thương TP Hà Nội) lưu ý, hiện nay chuỗi sản xuất, phân phối trong nước còn lỏng lẻo, biện pháp phòng vệ thương mại còn rất kém.

“Việc mua bán bằng tiền mặt, thanh toán qua các trung gian, đường đi của hàng hóa lòng vòng qua rất nhiều khâu, nhiều công đoạn mà không được quản lý. Mã số, mã vạch, QR code…mới chỉ là bắt đầu nên không thể kiểm soát được hết nguồn gốc, xuất xứ của các sản phẩm trên thị trường”, ông Phú cho biết.

Một nguyên nhân khác khiến nhiều sản phẩm của Việt Nam dễ dàng bị mất thương hiệu ngay chính trên “sân nhà”, theo ông Phú là do vấn đề sản xuất ở nước ta còn manh mún, nhỏ lẻ quy mô còn ít. Đặc biệt, kỷ luật thị trường về sản phẩm sản xuất trong nước còn rất lỏng lẻo, nhiều doanh nghiệp không thể tổ chức được thị trường tiêu thụ hàng hóa trong nước, và càng gặp khó khi xâm nhập vào chuỗi tiêu thụ của nước ngoài.

“Khi chưa xây dựng được chuỗi liên kết giữa sản xuất và phân phối nội địa cũng như xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp tự hại nhau khiến thương hiệu Việt không thể có chỗ đứng tại thị trường trong nước, nhà cung cấp muốn đưa sản phẩm vào siêu thị lại bị ép giá, chiếm dụng vốn nên việc tiếp cận với người tiêu dùng Việt càng khó khăn”, ông Phú nói.

Theo ông Phú, để hàng Việt thực sự có chỗ đứng tại thị trường nội địa, nâng cao uy tín của doanh nghiệp, ngoài việc nhà nước có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tăng cường đổi mới công nghệ, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh…trách nhiệm bảo vệ thương hiệu hàng Việt còn có trách nhiệm rất lớn thuộc về các cơ quan kiểm soát thương mại. Cần phải làm sao khống chế được hàng nhập khẩu theo đường tiểu ngạch trong điều kiện thiếu thiết bị kiểm tra chuyên ngành.

Doanh nghiệp được tạo điều kiện phát huy nội lực

Có thể thấy, các sản phẩm hàng Việt Nam đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng luôn là mục tiêu, mong muốn chung của các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Nhưng để làm được điều này, việc tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh luôn là mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã cắt giảm thủ tục hành chính nhằm giảm bớt khó khăn, góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho cộng đồng doanh nghiệp.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương - ông Đỗ Thắng Hải, với vai trò chức năng của mình, Bộ Công Thương tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của người tiêu dùng cùng với những tiêu chí phù hợp để nhà sản xuất Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm.

Cũng theo quan điểm của lãnh đạo Bộ Công Thương, để gắn thúc đẩy sản xuất trong nước và phát triển hàng hóa Việt tại thị trường nội địa, các doanh nghiệp cần tích cực và chủ động trong công tác kết nối giữa nhà phân phối và nông dân tại các vùng sản xuất nông sản, từ đó thúc đẩy tiêu dùng trong nước; mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là đối với các loại nông sản, thịt gia súc thu hoạch rộ trong khoảng thời gian ngắn.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh triển khai các chương trình xúc tiến thương mại để góp phần thúc đẩy tiêu thụ và sức mua trên thị trường. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường nội địa, thị trường miền núi, hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, đưa hàng hóa về nông thôn, vùng biên giới, hải đảo.

Đại diện Bộ Công Thương đề xuất, tham mưu cho Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm nâng cao phòng vệ thương mại, bảo vệ hàng hóa Việt Nam tại thị trường trong nước theo thông lệ quốc tế và các cam kết trong WTO.

Cùng với đó, các doanh nghiệp cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa, giá cả, thị trường trong nước, nhất là các mặt hàng thiết yếu; đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát thực hiện quy định về đăng ký giá, kê khai giá và việc chấp hành theo quy định của pháp luật về quản lý giá.

Các cơ quan chức năng cũng cần nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường, tích cực ngăn ngừa buôn lậu, gian lận thương mại, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng để bảo vệ sản phẩm sản xuất trong nước và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Theo bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, thị trường trong nước đang phải đối diện với làn sóng hàng hóa ngoại nhập ngày một mạnh mẽ, đây chính là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất kinh doanh trong nước. Chính vì thế, khi người tiêu dùng lựa chọn mua và sử dụng hàng Việt sẽ tạo ra động lực thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước tích cực đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, để hàng Việt thực sự có sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập thì chất lượng, mẫu mã là yếu tố doanh nghiệp phải chú trọng. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, đòi hỏi doanh nghiệp Việt phải liên tục đổi mới công nghệ, thiết kế bao bì đẹp nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành,... đây là những điều kiện tiên quyết để sản phẩm Việt chiếm được lòng tin và tạo được uy tín lớn đối với người tiêu dùng./.

Bình luận của bạn