Nâng tầm thương hiệu cà phê Việt

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại mặt hàng cà phê thông qua hàng loạt các sự kiện như Ngày Cà phê Việt Nam, Lễ hội Cà phê Việt Nam, đưa sản phẩm cà phê đi dự các sự kiện, hội chợ chuyên ngành trong và ngoài nước; đồng thời xây dựng một biểu tượng quốc gia cho cà phê… là giải pháp đang được các bộ ngành, Hiệp hội tích cực triển khai nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) xây dựng thương hiệu, nâng tầm giá trị sản phẩm này.

Hỗ trợ xúc tiến thương mại mặt hàng trọng điểm
Câu chuyện xây dựng thương hiệu của cà phê Trung Nguyên đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị. Từ những vạt cà phê Tây Nguyên chất lượng thấp, năm 1996, Đặng Lê Nguyên Vũ đã thành lập Trung Nguyên, một công ty sản xuất cà phê cùng một hệ thống quán cà phê.
Là chủ của Trung Nguyên, ông Vũ đã cải thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê nguyên liệu, đồng thời thiết lập một chuỗi quán cà phê, tương tự như một phần mô hình của Starbucks, nơi cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm cà phê để dùng tại nhà.

Một trong những sản phẩm đặc biệt, nổi tiếng nhất của Trung Nguyên là Cà phê Chồn (Weasel), được làm từ hạt cà phê thông qua quá trình tiêu hóa tự nhiên của những con chồn hương sau khi ăn những trái cà phê ngon nhất, cùng với bí quyết phương Đông đặc sắc của Trung Nguyên. Sản phẩm tinh tế, đẳng cấp duy nhất trên thế giới này đã được Bộ Ngoại giao chọn làm quà tặng cho các Nguyên thủ Quốc gia và chọn làm đại sứ ngoại giao văn hóa.

Kết hợp di sản văn hóa và tính hiện đại là điểm đặc sắc của Trung Nguyên, được thể hiện rõ trên bao bì, trong mô hình thiết kế, trang trí của các quán cà phê. Với slogan “Khơi nguồn sáng tạo” Trung Nguyên đã tạo cảm hứng, thúc đẩy sáng tạo cho những người thưởng thức cà phê, cũng như tạo cảm hứng xây dựng thương hiệu cho hàng loạt các DN cà phê Việt sau này. Thành công của Trung Nguyên là đã giúp thương hiệu cà phê Việt Nam không chỉ được người tiêu dùng trong nước biết đến mà còn nổi tiếng khắp thế giới.

Tại Hội nghị giao thương các DN xuất khẩu (XK) cà phê Việt Nam và các DN XK cà phê nước ngoài do Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), Bộ Công thương, UBND tỉnh Gia Lai vừa tổ chức trong khuôn khổ sự kiện Ngày Cà phê Việt Nam 2019, ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết, trong những năm gần đây, cà phê luôn nằm trong nhóm mặt hàng nông sản XK chủ lực. Hiện nay, sản lượng XK cà phê của Việt Nam bình quân đạt 1,4 - 1,6 triệu tấn/năm, kim ngạch XK luôn tăng trưởng, trong những năm qua luôn đạt trên 3 tỷ USD. Với vị trí thứ 2 về giá trị XK, cà phê Việt Nam đã có mặt tại 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Thời gian qua, Bộ Công thương đã phối hợp các bộ ngành, địa phương, hiệp hội, DN thực hiện các giải pháp phát triển ngành cà phê Việt Nam theo hướng chuỗi giá trị, tăng cường kết nối sản xuất với xúc tiến thương mại, phát triển sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu.

Cụ thể, cà phê hiện nằm trong nhóm hàng nông sản được ưu tiên hỗ trợ từ Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia. Trong suốt thời gian qua, kinh phí triển khai bình quân hàng năm chiếm từ 6 - 7% tổng kinh phí dành cho nhóm hàng nông, lâm, thủy sản. Bộ Công thương hỗ trợ định kỳ tổ chức Ngày Cà phê Việt Nam, Lễ hội Cà phê Việt Nam cũng như các hội chợ chuyên ngành lớn trong nước và quốc tế... Bộ Công thương thường xuyên chú trọng tới các hoạt động xúc tiến thương mại cà phê tại một số thị trường trọng điểm nhiều tiềm năng tăng trưởng như Trung Quốc, Liên bang Nga, ASEAN, EU, Hoa Kỳ, Bắc Phi, Nam Phi, Trung Đông...

Dù có nhiều nỗ lực song đến nay, số lượng DN cà phê xây dựng thành Công thương hiệu chưa nhiều, đặc biệt là thương hiệu trên toàn thế giới. Theo đánh giá mới đây của Bộ Công thương, mặc dù là thị trường cung cấp cà phê lớn nhất cho Hàn Quốc, nhưng rất ít người dân nước này biết đến thương hiệu cà phê Việt Nam, hoặc một số ít người tiêu dùng biết rất ít đến một vài thương hiệu cà phê Việt Nam. Chính vì vậy cần phải tích cực đẩy mạnh xây dựng, quảng bá thương hiệu cà phê Việt Nam thành sản phẩm quốc gia trên toàn cầu.

Chung tay xây dựng thương hiệu cho cà phê Việt
Đánh giá cao các hoạt động xúc tiến thương mại mặt hàng cà phê được Bộ Công thương triển khai trong suốt thời gian qua, ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Vicofa cho rằng, hoạt động xúc tiến thương mại đang giúp sản phẩm cà phê ngày càng được nhiều người biết đến.

“Trong thời đại bùng nổ thông tin và phát triển mạng xã hội, các hoạt động xúc tiến thương mại cà phê cũng được cải tiến theo hướng hiện đại chứ không đơn thuần là mang cà phê đi “chào hàng” hội chợ như trước đây. Đơn cử, khi khoảng 70 chuyên gia, DN cà phê lớn trên thế giới đến với sự kiện Ngày Cà phê Việt Nam 2019, livestream và post hình ảnh lên mạng xã hội, cơ hội để người tiêu dùng biết đến cà phê Việt Nam còn cao hơn nhiều so với việc đi dự vài hội chợ đơn thuần”, ông Tự nhấn mạnh.

Cùng với Bộ Công thương, nhiều chính sách, giải pháp của các Bộ như: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, các địa phương đã được triển khai để xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản thông qua việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Hiện nay, Việt Nam đã có hai chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm cà phê là chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột và chỉ dẫn địa lý cà phê Sơn La.

Đặc biệt, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn hiện đang phối hợp Vicofa tổ chức cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) cà phê chất lượng cao cho ba nhóm sản phẩm: cà phê nhân, cà phê rang và cà phê bột. Kỳ vọng của chương trình là xây dựng được một mẫu biểu trưng cà phê Việt Nam chất lượng cao được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, gắn với sử dụng dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc địa lý để khẳng định về chỉ dẫn nguồn gốc của các sản phẩm cà phê Việt Nam chất lượng cao trên thị trường. Sau chương trình, cà phê được kỳ vọng sẽ trở thành sản phẩm thứ ba sau gạo và cao su được xây dựng biểu trưng quốc gia.

Ông Lương Văn Tự cũng chia sẻ, ngoài hỗ trợ của các cơ quan chức năng, thời gian tới, các DN phải chủ động tham gia các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại, các hội chợ, triển lãm quốc tế ở cả trong và ngoài nước… Các DN hiện nay có thế mạnh là đón đầu tốt các xu hướng thương mại hiện đại, tận dụng hiệu quả phương pháp bán hàng qua thương mại điện tử và đang dần chú trọng đầu tư công nghệ chế biến sâu. Đây là tiền đề để phát triển thương hiệu, XK bền vững trong tương lai.

 

Bình luận của bạn