Ngày hội tôn vinh mận Mộc Châu

Ngày hội hái quả Mộc Châu lần thứ 3-2016, tổ chức từ ngày 29 đến 30-5, tại khu Nà Ka, bản Pa Khen 1, thị trấn Nông trường Mộc Châu (Sơn La). Đây là ngày hội vinh danh người trồng mận tiêu biểu và giới thiệu, quảng bá mận Mộc Châu đến du khách trong và ngoài nước.

Chúng tôi về Mộc Châu (Sơn La) để tham gia ngày hội, được hòa mình trong thung lũng mận hậu rộng hơn 100 ha, tận hưởng không khí trong lành mát mẻ của cao nguyên Mộc Châu. Ngày hội năm nay có nhiều hoạt động truyền thống, gồm: Thi hái quả, giới thiệu và tìm hiểu về quả mận hậu Mộc Châu; tổ chức vinh danh người trồng mận tiêu biểu. Ngoài ra, còn có các hoạt động văn hóa thể thao dân tộc, trò chơi dân gian như: Thi kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ… và giao lưu văn nghệ giữa các đội, nhằm cổ vũ, động viên, khích lệ tinh thần cho bà con, tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi, cuốn hút du khách đến với cao nguyên Mộc Châu.

Hòa chung không khí ngày hội, từ trung tâm thị trấn Nông trường Mộc Châu, chúng tôi đi vào xã vùng sâu Tân Lập, gặp chị Lò Thị Biên, dân tộc Thái ở bản Nà Tân, cùng con trai đeo gùi trên lưng lên đồi trẩy mận, phấn khởi cho biết:

“Mận năm nay được mùa, được giá, mỗi ngày, người dân thu hoạch hàng trăm tấn mận hậu để phục vụ nhu cầu du khách tham quan và xuất đi các tỉnh, thành phố trong nước. Bà con nơi đây mừng lắm, có tiền chăm sóc con ăn học đàng hoàng và còn sắm sửa tiện nghi sinh hoạt trong gia đình nữa...”.

Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu Phạm Đức Chính cho biết: “Ngày hội hái quả Mộc Châu không chỉ là dịp giới thiệu, quảng bá nông sản nổi tiếng của vùng là quả mận hậu mà còn tạo cơ hội để người dân giao lưu, học hỏi kinh nghiệm chăm sóc, nâng cao năng suất, chất lượng mận… Ngoài ra, còn là dịp để giới thiệu cho du khách trong và ngoài nước biết đến Khu du lịch quốc gia Mộc Châu. Thời gian tới, huyện sẽ kết hợp và phát triển các loại hình du lịch theo hướng khai thác tiềm năng, thế mạnh đặc trưng của địa phương để tạo ra bước đột phá về kinh tế, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân”. Đến nay, Mộc Châu trở thành khu vực trồng mận hậu lớn nhất tỉnh Sơn La, với diện tích hơn 3.000 ha. UBND huyện tiếp tục lựa chọn những giống mận tốt để đưa vào trồng, mang lại năng suất cao hơn và mong rằng sẽ có các nhà đầu tư đến để xây dựng nhà máy chế biến, tiêu thụ mận cho người dân...

Cây mận đã gắn bó với mảnh đất Mộc Châu từ những năm 80 của thế kỷ 20, trải qua nhiều thăng trầm khi “được mùa thì mất giá, khi được giá lại mất mùa”, nhưng cây mận hậu vẫn đứng vững và đang chứng tỏ là một cây trồng chủ lực góp phần xóa đói, giảm nghèo và tăng thu nhập cho đồng bào các dân tộc trong huyện. Hiện nay, toàn huyện có hơn 3.000 ha mận hậu; cây mận mang lại giá trị kinh tế cao, cho năng suất trung bình đạt 90 tạ/ha; nhiều hộ gia đình đã có thu nhập từ 500 đến 600 triệu đồng/năm, góp phần xóa đói, giảm nghèo nhanh, bền vững cho bà con các dân tộc trên cao nguyên Mộc Châu.

Bình luận của bạn