Người đưa gạo Việt vang danh thế giới
Một chiều cuối đông, tại Hà Nội chúng tôi bất ngờ và may mắn khi được gặp Anh hùng lao động, kỹ sư Hồ Quang Cua - một trong những người đã góp công lớn trong việc tạo ra giống lúa gạo được công nhận là "gạo ngon nhất thế giới". Nở nụ cười đôn hậu, ông bảo: Cả nhóm nghiên cứu, không ngờ đây lại là một sự kiện gây chú ý giới truyền thông, người tiêu dùng cũng như nông dân cả nước như vậy.
Hành trình trên 25 năm…
Không ngại quãng đường xa xôi, kỹ sư Hồ Quang Cua, đã cất công "lặn lội" từ vùng sông nước Sóc Trăng ra Hà Nội để đón nhận chứng nhận gạo ST25 là một trong 10 sự kiện khoa học và công nghệ nổi bật năm 2019. Trong hành lý của ông là những bao gạo ST25 được ông nâng niu, đóng gói cẩn thận như là "món quà" gửi tặng mọi người nhân dịp năm mới.
ST25 là giống lúa gạo do nhóm các nhà khoa học tỉnh Sóc Trăng gồm kỹ sư Hồ Quang Cua, tiến sĩ Trần Tấn Phương, kỹ sư Nguyễn Thu Hương lai tạo, phát triển. Hội nghị Thương mại gạo thế giới lần thứ 11 tổ chức tại Philippines (từ ngày 10-13/11/2019) đã công nhận ST25 là "gạo ngon nhất thế giới năm 2019".
Để tạo ra giống lúa thơm như ST25 các nhà khoa học phải thực hiện lai ghép giữa nhiều giống lúa bố mẹ để tạo ra nhiều dòng lúa phức tạp về kiểu gen, sau đó sử dụng phép lai hồi giao cải tiến với dòng ST tân tiến nhất để tạo ra sản phẩm cuối cùng. Các giống lúa ST, mà mới nhất là ST25 có các đặc tính vượt trội về phòng bệnh, kháng mặn; mang nhiều ưu điểm của giống lúa gạo thuần Việt, hạt dài, trắng, trong, khi nấu cho cơm dẻo, ráo, có mùi dứa.
Không giấu nổi niềm vui, kỹ sư Hồ Quang Cua tự hào cho biết, liên tiếp trong 3 năm gần đây, nhóm gạo ST luôn nằm trong top 3 gạo ngon nhất thế giới, nhưng chỉ riêng đến năm 2019, thì đạt đỉnh cao nhất đó là gạo ngon nhất thế giới. Đây cũng là lần đầu tiên ở Đông Nam Á, có được một giống lúa cải tiến ngắn ngày, năng suất cao lọt vào top ngon nhất thế giới.
"Những giống lúa đã đoạt giải trong 10 lần tổ chức hội nghị trước đó đều là những giống lúa mùa, dài ngày, tuy rằng thơm ngon nhưng năng suất thấp, mỗi năm chỉ trồng được 1 vụ, không đem lại hiệu quả kinh tế lớn cho người nông dân cũng như không có nhiều sản lượng để cung ứng ra thị trường" - kỹ sư Hồ Quang Cua nói và khẳng định, so với các g i ô n g g a o quốc tế, ưu điểm của ST25 là giống cao sản, có thể trồng từ 2 đến 3 vụ trong một năm. Trên cùng một diện tích/năm, ST25 có thể cung cấp lượng gạo gấp 5 lần so với giống lúa mùa của các nước xung quanh.
Theo kỹ sư Hồ Quang Cua, để đến được giải gạo ngon nhất thế giới là một quá trình rất dài, trên 25 năm. Ông tự nhận mình là một nhà khoa học nông dân nên ban đầu nhìn công việc rất đơn giản, ở trong Nam còn gọi là "làm chơi", xong dần dần thì thành thiệt. Trong hành trình đó cần sự kiên trì, chuyên tâm học hỏi, cộng với yếu tố may mắn.
Niềm tin mới cho hạt gạo
Khi khắp nơi trên cả nước biết đến giống lúa ST25, nhóm nghiên cứu đã trải qua những ngày tràn đầy niềm vui và phấn khởi, như cách nói của kỹ sư Hồ Quang Cua là "lâng lâng đến khó tả".
Khi được hỏi về kế hoạch để hạt gạo ngon ST25 có thể "phủ sóng" đến với người dân trong nước và thế giới, kỹ sư Hồ Quang Cua bày tỏ, đây là vấn đề rất lớn. Muốn phát triển thành quả này cần phải có những thể chế, chính sách, giải pháp khoa học để duy trì những phẩm chất, đặc tính ban đầu cho cây lúa không thoái hóa; ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn; xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam hay các biện pháp kiểm soát, cấp chứng chỉ và sự tham gia mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp…
"Riêng chúng tôi là nhà khoa học, sẽ cố gắng duy trì phẩm chất hạt giống cho tốt, để những thế hệ kế sau có thể giữ gìn được thành tựu rất hiếm hoi này. Tuy nhiên, cần sự chung tay của toàn xã hội, các bên liên quan để hy vọng xây dựng được một thương hiệu gạo tốt cho đất nước" - cha đẻ của "gạo ngon nhất thế giới" - bày tỏ.
Cũng theo kỹ sư Hồ Quang Cua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tuyên bố công nhận đặc cách giống ST25, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đăng ký tác quyền trên thế giới. Bên cạnh đó, có một Việt kiều Mỹ vừa liên hệ và cho biết sẽ giúp phân tích bộ gen để công bố trên thế giới bảo vệ loại gạo này.
Các tác giả tạo ra ST25 mong rằng sau khi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là giống mới, bên cạnh việc nhân rộng diện tích, xây dựng vùng trồng chuyên canh các địa phương, người nông dân cần canh tác đúng quy trình kỹ thuật để giữ chất lượng của loại gạo quý này nhằm sản xuất được gạo ngon với giá cao. Và chúng tôi tin rằng, có những nhà khoa học tâm huyết với ngành nông nghiệp nước nhà như ông, thương hiệu gạo thơm Sóc Trăng nói chung và gạo ST25 nói riêng sẽ còn vươn xa hơn trên thị trường thế giới.