Người đưa hạt gạo U Minh Hạ xuất ngoại

Tụi bạn cùng trang lứa nói ông là thằng khùng. Trong khi dân trí thức ai cũng muốn thoát ly nghề nông, thì ông lại tìm về vùng quê hẻo lánh trồng lúa.

Song, nhờ cái sự khùng ấy mà giờ đây, ông đã tạo nên thương hiệu lớn cho hạt gạo ở đồng đất phèn chua Cà Mau, đưa chúng "xuất ngoại" khắp năm châu, bốn biển. “Người khùng” ấy là ông Võ Minh Khải, còn gọi là “Khải gạo”, chủ nông trại gạo hữu cơ hoa sữa duy nhất ở miệt rừng U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau…

Ông Võ Minh Khải (người bên phải) giới thiệu các sản phẩm gạo sạch của nông trại Viễn Phú với chuyên gia đến từ Ô-xtrây-li-a.

Đất phèn cho đồ sạch

Nông trại của ông Khải nằm cặp khu định canh, định cư của xã Khánh An (huyện U Minh), cách UBND xã chừng 3km đường chim bay. Nơi ấy, đồng lúa hoa sữa đang vào mùa chín rộ. Dù có hẹn từ trước nhưng cánh công nhân phơi lúa nói muốn gặp ông chủ nông trại phải chạy xe ra tận đồng.

Nắng hầm hập của ngày giữa tháng hai khiến con đường đất ra khu trồng lúa đầy bụi bặm. Giữa đồng lúa chín, Khải gạo thong dong chuyện trò với mấy “ông Tây” mà không cần người phiên dịch. Họ là G.Giôn và P.Xtôn, hai chuyên gia về chế phẩm sinh học dùng cho nông nghiệp sạch, đến từ Ô-xtrây-li-a và Vương quốc Anh. Ngắt những bông lúa vừa chín ngay tại ruộng, Khải gạo cẩn thận lột vỏ bên ngoài khoe với khách, đây là bốn mặt hàng chủ lực hiện nay của nông trại. Đó là gạo hoa sữa đen, tím, trắng và đỏ. Trong đó, hoa sữa đen và tím có giá trị dinh dưỡng rất cao, hàm lượng đạm từ 10% đến 12% với 16 loại a-xít a-mi-nô, riêng lisine cao gấp 3 đến 4 lần gạo thường và rất nhiều vi-ta-min B1, B2, phốt-pho, kẽm, sắt và nhiều vi chất khác. Mấy ông Tây gật gù rồi tự lội xuống đồng lúa tham quan, chụp ảnh, ghi hình.

Ngồi bệt xuống đám cỏ chát cặp ruộng lúa, ông Khải cho hay, đến cuối tháng hai này sẽ thu hoạch xong đồng lúa, năng suất ước hơn 3,5 tấn/ha, tăng gần gấp đôi so với trước. Ngoài bốn giống chủ lực vừa nêu, hiện ông Khải còn sở hữu gần chục giống lúa hữu cơ chức năng khác đạt tiêu chuẩn gạo sạch để xuất khẩu. Theo lời ông, để có hạt gạo hữu cơ sạch thuần chủng mang đậm hương vị miệt rừng U Minh Hạ, quá trình canh tác phải bảo đảm các tiêu chuẩn: Không dùng bất cứ loại phân hóa học nào, không dùng bất cứ loại thuốc trừ sâu từ hóa học, không sử dụng loại giống biến đổi gien... “Tất cả các khâu từ gieo trồng, chăm sóc cho đến thu hoạch, chế biến thành phẩm, đóng bao… đều theo tiêu chuẩn nông nghiệp xanh của quốc tế” - ông Khải gạo tiết lộ.

Trên đường dong xe máy về trụ sở chính của nông trại, Khải gạo cho hay, nhờ chủ động được nguồn nước tốt quanh năm cho nên đồng lúa canh tác được cả vụ nghịch và trồng được nhiều loại nông sản sạch khác. Ngoài lúa, nông trại của ông hiện nuôi bảy loại cá đồng, trồng 17 loại rau, cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước theo thời vụ. Tất cả hàng hóa đều được tổ chức kiểm định của châu Âu và Hoa Kỳ chứng nhận và được phép phân phối toàn cầu. Để có được những sản phẩm sạch như ngày nay, ít ai biết Khải gạo từng “chằng ai lay khổ” một thời gian dài để tìm tòi, chinh phục đồng đất lắm phèn U Minh Hạ.

Tìm đất sạch trồng lúa

Ở cái tuổi 58 nhưng Khải gạo rất sốt sắng, hoạt bát. Ông chia sẻ rằng, là con thứ 11 trong gia đình nông dân, quê ở huyện thuần nông Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Xuất thân từ ruộng đồng, hiểu được những cơ cực của nhà nông nên cậu bé Khải luôn khát khao làm được thứ gì giúp ích cho nghề nông, để nông dân có thể làm giàu trên luống cày, thửa ruộng của mình. Bởi vậy, sau khi tốt nghiệp THPT, chàng trai trẻ Võ Minh Khải thi vào ngành cơ khí nông nghiệp. Ra trường, chàng kỹ sư trẻ ấy được nhận vào làm ở Viện Quy hoạch thiết kế trực thuộc Bộ Nông nghiệp, sau đó chuyển về Liên hiệp xuất nhập khẩu tỉnh Minh Hải. Đến năm 1993, Khải xin nghỉ việc, làm đại diện phân phối các chế phẩm sinh học về nông nghiệp và thủy sản cho nhiều nhãn hàng nổi tiếng trên thế giới.

Có cơ hội đi tham quan nhiều nơi, tiếp cận nhiều thị trường ngoài nước cho nên Khải gạo học hỏi được nhiều kinh nghiệm. Ông cũng nhận ra rằng, sản lượng hạt gạo quê nhà không thua kém nhiều nước, nhưng luôn thiệt thòi về giá, đặc biệt khó cạnh tranh để lọt vào những thị trường khắt khe về thương hiệu và chất lượng an toàn thực phẩm. Chính những trăn trở ấy đã thôi thúc ông quyết tâm tìm chỗ đứng vững chắc cho hạt gạo Việt Nam trên thương trường nhưng bảo đảm phù hợp với nhu cầu gạo sạch của thế giới. “Nước ngoài họ ăn gạo không nhiều, nhưng gạo phải bảo đảm “sạch”, cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Khi gạo bảo đảm sạch, họ mới tính tới tiêu chí ngon, bổ, có lợi cho người bệnh” - ông Khải chia sẻ.

Nắm bắt được nhu cầu ấy nên đi đến đâu, Khải gạo cũng tìm hiểu về phương thức sản xuất, kinh doanh, về nhu cầu của khách hàng các nước, nhất là về chất lượng giống lúa hữu cơ cấp cao, về thổ nhưỡng, môi trường sinh trưởng, khí hậu, thời tiết và những vấn đề khoa học có liên quan đến việc tạo ra hạt gạo dinh dưỡng… Ông bỏ công nhiều năm trời, rong ruổi khắp các đồng lúa vùng sâu, vùng xa thuộc đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và cả các tỉnh trồng lúa nước đồng bằng sông Hồng để tìm loại “đất sạch” gieo trồng được các loại lúa cho ra hạt gạo hữu cơ cao cấp. “Khi đến đồng đất U Minh Hạ, tôi mới chọn được đất sạch để trồng lúa sạch” - chìa tay ra khu đồng hoang nay đã thành đồng lúa hoa sữa chức năng, ông Khải thổ lộ và lý giải: đất U Minh nhiễm phèn quá nặng, đến con cá đồng cũng chậm lớn. Mặt ruộng chỉ có cây tràm lưa thưa, còn lại toàn cỏ năn, lau sậy. Đất hoang hóa, cằn cỗi như vậy thì không thể nào nhiễm hóa chất, nông dược.

Biết ông Khải là người có tâm huyết với hạt lúa quê hương, cho nên sau một thời gian thuyết phục, lãnh đạo tỉnh Cà Mau quyết định cho ông thuê 320 ha đất để thực hiện hoài bão: mở nông trại trồng lúa hữu cơ chức năng. Năm 2009 (một năm sau khi được giao đất), ông Khải thành lập Công ty Viễn Phú - Green Farm, chuyên trồng lúa hữu cơ hoa sữa xuất khẩu. Sau một thời gian cải tạo đồng đất lau sậy hoang hóa, năm 2010, ông tiến hành trồng các giống lúa đặc thù, để khi thu hoạch, xay xát cho ra hạt gạo tròn, gạo dài mầu đen, mầu đỏ, gạo mầu trắng đục sữa, mầu trắng trong, mầu tím cẩm… chứa nhiều dược tính sinh học quý giá. Hai năm sau đó (năm 2012), tổ chức quốc tế Control Union (Hà Lan) về sản xuất gạo hữu cơ BIO Organic đã cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn gạo hữu cơ Hoa Kỳ và châu Âu, an toàn tuyệt đối và có lợi cho sức khỏe đối với các sản phẩm của Viễn Phú - Green Farm. Đơn vị cấp chứng nhận ấy cũng khẳng định, nông trại của Khải gạo là đơn vị cung cấp sản phẩm hữu cơ đầu tiên tại Việt Nam, có giá trị rất lớn về môi trường, cân bằng hệ sinh thái trong nền sản xuất nông nghiệp bền vững.

Không để gạo Việt thiệt thòi

Đến nay, phần lớn diện tích đất được cấp (thuê có thời hạn) đã được ông Khải trồng lúa hữu cơ. Các giống lúa mà ông trồng, từ chỗ bén rễ dần thích nghi và cho năng suất cao hơn, từ khoảng 1,2 đến 2 tấn/ha nay tăng lên từ 3 đến 3,8 tấn/ha. Trong năm 2016 này, ông Khải dự kiến sẽ cho ra thị trường khoảng 700 tấn gạo hoa sữa các loại, tăng khoảng 200 tấn so với năm 2015. Ngoài gạo hoa sữa, nông trại của ông còn xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ gạo hữu cơ hoa sữa như: bánh phở, hủ tiếu, trà, bột dinh dưỡng, cốm, rượu vang...

Chia sẻ với chúng tôi, Khải gạo tiết lộ, trong điều kiện khắt khe để cho ra đời sản phẩm vừa sạch, vừa ngon, vừa bổ dưỡng như gạo hoa sữa (tên thương hiệu là Hoasuafood) và các sản phẩm khác của nông trại Viễn Phú, thì khâu gieo trồng, chăm sóc cho đến thu hoạch, chế biến thành phẩm và đóng gói đều theo tiêu chuẩn “nông nghiệp xanh”. Sở dĩ có những quy định khắt khe như vậy, theo ông Khải là nhằm làm thay đổi dần tư duy sản xuất, để nông dân trồng lúa nhận thức tốt hơn về ứng xử với môi trường, tuyệt đối không đụng đến chất hóa học, giữ cho mảnh đất mà mình canh tác một sức sống bền bỉ, để nó còn phục vụ lâu dài cho lợi ích của con người. “Khi giữ được mảnh đất “sạch” thì sản xuất ra thứ gì cũng sạch và an toàn. Như các sản phẩm Hoasuafood của nông trại, tuy năng suất còn thấp nhưng bù lại bán cao gấp 7 đến 8 lần giá gạo thông thường” - ông Khải tự tin khoe.

Với diện tích hiện tại, khả năng trong năm 2017, nông trại của Khải gạo sẽ cung ứng ra thị trường nội địa và xuất khẩu hơn 1.000 tấn gạo hữu cơ chức năng. So với nhu cầu thực phẩm sạch, an toàn của thế giới thì sản lượng ấy như hạt cát giữa biển nước. Vì vậy, ông dự kiến mở rộng chuỗi liên kết mô hình gạo sạch ra khoảng 10.000 ha tại các vùng lân cận của huyện U Minh, chủ yếu là dọc tuyến sông Cái Tàu, sông Trẹm... Khi xây dựng được chuỗi liên kết, nhà nông sẽ được tiếp nhận công nghệ gieo trồng theo quy trình “nông nghiệp xanh”, trồng các giống lúa mà Viễn Phú - Green Farm cung cấp và được bao tiêu sản phẩm. Và khi ấy, người trồng lúa sẽ có cơ hội làm giàu từ hạt gạo hoa sữa mang đậm hương rừng U Minh Hạ, không sợ đầu ra hạt gạo bấp bênh, mà môi trường đất đai lại được bảo vệ bền vững…

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của ông Khải gạo là nội lực không còn. Bởi sau khi bỏ vốn hơn 70 tỷ đồng đầu tư cho nông trại, ông “không còn pin” để xây dựng chuỗi liên kết nếu không có sự tiếp sức của Nhà nước và chính quyền địa phương. Khải gạo nói rằng, giống tốt đã có, quy trình cũng làm chủ. Còn đầu ra, Hoasuafood hiện đã xuất khẩu qua gần chục nước châu Âu, kể cả Mỹ. “Triển vọng của gạo hoa sữa không cần phải bàn cãi. Chỉ buồn là từ hồi về U Minh Hạ trồng lúa sạch tới nay, bản thân muốn làm giàu cho chính mình và nhà nông địa phương, muốn hạt gạo Việt không bị thiệt thòi… nhưng ngặt nỗi, tôi chưa vay được đồng vốn nào (cả tín chấp và thế chấp) từ các ngân hàng, kể cả hỗ trợ vốn từ Nhà nước. Trong khi, theo Nghị định 61 của Chính phủ, nông trại lúa sạch của tôi có tới 4 đến 5 tiêu chí thuộc diện ưu đãi đặc biệt” - Khải gạo buồn buồn ngó mắt về đồng lúa hoa sữa đang thu hoạch.

Mang những trăn trở của ông Khải gạo, tôi tìm gặp Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Văn Quân, và nhận được phản hồi rằng, quan điểm của lãnh đạo tỉnh là không bỏ bê bất cứ doanh nghiệp làm ăn chân chính nào. Bởi doanh nghiệp tạo ra của cải, hàng hóa, góp phần để kinh tế, xã hội của tỉnh phát triển, đi lên. Song, doanh nghiệp cần hỗ trợ cái gì cũng phải có đề xuất, thông tin để ngành chức năng báo lại với tỉnh để tỉnh đề xuất xin hỗ trợ từ Trung ương. “Nếu doanh nghiệp còn lúng túng về quy trình, thủ tục xin hỗ trợ thì tìm đến Sở Kế hoạch và Đầu tư để được hướng dẫn cụ thể"- Phó Chánh Văn phòng Nguyễn Văn Quân khẳng định.

Bình luận của bạn