Người Thái mê phở Việt: Ngon thôi chưa đủ, phải đẹp nữa

Người Thái mê phở Việt: Ngon thôi chưa đủ, phải đẹp nữa

Doanh nghiệp Việt thừa nhận mẫu mã bao bì còn kém bắt mắt. NG.NG

Điểm yếu mẫu mã

Giám đốc sản xuất Babep Foods Nguyễn Việt Bách thừa nhận, không riêng gì mẫu mã bao bì của Babep, mà mẫu mã, bao bì là câu chuyện chung của nhiều sản phẩm chế biến nông sản Việt. Có hai chi tiết cần chú trọng thay đổi nếu muốn đưa sản phẩm vào Thái là thiết kế, đóng gói và trình bày của bao bì.

“Hàng Thái cao hay thấp cấp đều có bao bì rất bắt mắt, nhìn vào thấy thích và đây cũng là điểm yếu của hàng Việt. Sau khi từ “tuần hàng Việt” về, riêng nhãn hàng, chúng tôi sẽ tính toán lại gói thiết kế nhãn hàng sao cho thân thiện với môi trường hơn, tinh xảo hơn và đặc biệt giảm bớt bao bì nhựa vừa khô cứng. Giá bán tại Thái có thể tốt hơn giá bán lẻ tại Việt Nam nếu chúng ta đầu tư bao bì hiện đại và thân thiện với môi trường”, ông Bách cho biết.
 
Tương tự với hạt điều. Tuy được đựng trong chai nhựa vuông, nhưng nắp chai lại được bọc giấy mộc mạc, cổ chai cột thêm sợi dây thừng cách điệu nhìn cũng khá thân thiện, song ông Nguyễn Huỳnh Phú Lâm, Giám đốc Công ty Hải Bình Gia Lai cũng thừa nhận : Bao bì là điểm yếu của công ty. Bản thân ông vẫn chưa hài lòng với hình ảnh bên ngoài sản phẩm, còn nhiều yếu tố phải hoàn thiện nữa từ hình thức đến nội dung. Bao bì cà phê M. in bên ngoài còn lem mực. Đại diện bán hàng tại đây cho biết, đây là một trong phản hồi của khách hàng sẽ được công ty xem xét thay đổi cải tiến sau.
Người Thái mê phở Việt: Ngon thôi chưa đủ, phải đẹp nữa - ảnh 1Các doanh nghiệp lớn có cơ hội đầu tư công nghệ bao bì hơn. NG.NG
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, nhận xét: “Các trang trại, chủ cơ sở chế biến của ta chưa chú trọng công đoạn thiết kế bao bì từng sản phẩn nông nghiệp. Đa số vẫn nghĩ hàng tốt, ngon, khách nếm thử thích là mua thôi. Tư duy đó là sai lầm hoàn toàn. Hoặc có trường hợp khi đã thay đổi tư duy lại không có tiền để làm cho bài bản. Hoặc khi đã có tiền rồi cũng không biết thuê thiết kế bao bì ở đâu với mức giá vừa phải, đã có không ít đơn vị tư vấn nhảy vào giai đoạn này lại hét giá trên trời ... Như vậy, tất cả lại trở về con số 0 ban đầu”, bà Loan nhận xét.
Xây dựng ngành công nghiệp chế biến 

Theo ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu và châu Mỹ, phụ trách việc đưa hàng Việt ra nước ngoài : So với 3 năm trước, khi chưa có thương hiệu Việt nào được vào hệ thống bán lẻ lớn của Central, nay đã có một số container hàng được xuất khẩu, bán trong hệ thống và được nhiều người Thái biết đến là “thành công đáng ghi nhận của doanh nghiệp trong nỗ lực cải thiện mẫu mã, thay đổi tư duy đóng gói bao bì và khả năng cung ứng hàng hóa vào thị trường Thái”. Tuy nhiên, con đường phía trước còn dài, đặc biệt với doanh nghiệp sản xuất mô hình nhỏ.

Người Thái mê phở Việt: Ngon thôi chưa đủ, phải đẹp nữa - ảnh 2Không chỉ quan tâm chất lượng, mẫu mã bao bì sản phẩm luôn được khách hàng "soi" kỹ

Với kinh nghiệm hơn ba năm xuất khẩu sản phẩm sang các nước phát triển như: Hàn Quốc, Singapore, Pháp, Mỹ... ông Phạm Ngô Quốc Thắng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Lavifood cũng cho rằng, câu chuyện bao bì nằm trong chuỗi đầu tư công nghệ. Nếu muốn sản phẩm được thị trường thế giới chấp nhận phải đầu tư bài bản. Đó là công nghệ thật chuẩn, mô hình tốt và làm thật nghiêm túc. Phải quản lý được vùng trồng để biết cây trái đó đã sử dụng phân bón gì, thuốc trừ sâu gì, đảm bảo không còn dư lượng là hết sức quan trọng. Đầu tư, chế biến nông sản xuất khẩu bài bản không chỉ tăng được thị phần ra nước ngoài mà còn tận dụng được tối đa hàng loại 2,3 không xuất khẩu tươi được. Chẳng hạn với quả thanh long Bình Thuận, 80% sản phẩm loại 1 được xuất khẩu tươi, 20% còn lại nông dân phải đổ đống ra đường bán. Ông Thắng thông tin, nhà máy Tanifood của công ty có đầy đủ các dây chuyền sản xuất từ tươi đến cô đặc, đóng chai, đông lạnh, sấy…

Ông Lê Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ bổ sung, việc Thủ tướng mới đây đã “đặt hàng” làm thế nào để Việt Nam vào top 10 thế giới trong chế biến nông sản là một căn cứ quan trọng trong định hướng cho ngành chế biến trong thời gian tới. Ông Thành dẫn chứng: “Một số khảo sát đưa ra cho thấy, đến 2021, ngành hàng chế biến nông sản sẽ đạt 317 tỉ USD. Nếu có chiến lược tốt, rõ ràng Việt Nam có thể tham gia vào chiếc bánh này bởi điều kiện để phát triển ngành chế biến rau - củ - quả và đặc biệt dư địa để phát triển của ngành hàng này tại Việt Nam còn khá lớn”.

Bình luận của bạn