Người tiêu dùng vẫn chờ điểm bán hàng Việt
Hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhằm kích thích sản xuất trong nước phát triển, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo trong năm 2016, mỗi huyện, TP xây dựng từ một đến hai điểm bán hàng Việt Nam để những năm tiếp theo nhân rộng. Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là kết thúc năm nhưng đến nay, cơ bản chưa có huyện nào xây dựng được điểm bán hàng Việt chuẩn.
Hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhằm kích thích sản xuất trong nước phát triển, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo trong năm 2016, mỗi huyện, TP xây dựng từ một đến hai điểm bán hàng Việt Nam để những năm tiếp theo nhân rộng. Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là kết thúc năm nhưng đến nay, cơ bản chưa có huyện nào xây dựng được điểm bán hàng Việt chuẩn.
Cơ chế ưu đãi, khuyến khích hỗ trợ cũng như tiêu chí đã có nhưng đến thời điểm này, tiến độ triển khai rất chậm, nhiều huyện chưa quan tâm xây dựng. Thông tin từ Sở Công thương, ngoài điểm bán hàng Việt Nam tại số 158, đường Lê Lợi (TP Bắc Giang) được hỗ trợ xây dựng từ năm 2014 bằng nguồn kinh phí của Bộ Công thương, hiện trên địa bàn TP có thêm một số điểm bán thịt lợn, rau an toàn.
Huyện Yên Dũng đang xem xét hỗ trợ biển hiệu, tủ trưng bày cho một điểm tại khu vực chùa Vĩnh Nghiêm (xã Trí Yên) chuyên bán các mặt hàng nông sản của huyện và sản phẩm truyền thống của tỉnh. Huyện Tân Yên giao cho Phòng Nông nghiệp và PTNT khảo sát và hỗ trợ Hợp tác xã sản xuất, tiêu thụ lợn sạch Tân Yên xây dựng điểm bán hàng Việt. Các huyện còn lại dự kiến sẽ triển khai vào năm… 2017!
Khảo sát cho thấy, một số Phòng Kinh tế và Hạ tầng ở các địa phương được UBND huyện giao hướng dẫn, xây dựng điểm bán hàng Việt Nam nhưng chưa quan tâm thực hiện. Thậm chí khi phóng viên liên hệ, trao đổi với lãnh đạo Phòng Kinh tế và Hạ tầng một huyện về nội dung này, vị Trưởng phòng còn chưa hề biết có chủ trương xây dựng điểm bán hàng Việt của tỉnh. Đại diện lãnh đạo Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Lục Nam nêu khó khăn do chưa quy định cụ thể quy mô cửa hàng ra sao, nguồn kinh phí hỗ trợ từ đâu và đã giao UBND thị trấn Đồi Ngô thực hiện nhưng vẫn loay hoay chọn điểm.
“Nếu chọn điểm bán hàng Việt là cửa hàng bán mỗi thịt lợn hoặc rau, củ, quả sản xuất tại địa phương thì cũng dễ chọn nhưng ý nghĩa điểm bán hàng Việt như thế mang lại không cao. Tôi nghĩ phải xây dựng cửa hàng kinh doanh tổng hợp, trong đó hàng hóa bảo đảm chất lượng, được sản xuất trong nước, ưu tiên những sản phẩm truyền thống của địa phương, có biển hiệu rõ ràng sẽ có sức lan tỏa rộng rãi, việc hỗ trợ kinh phí cho cửa hàng mới phù hợp”- ông Vũ Trí Học, Phó trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng Lục Nam chia sẻ.
Trong khi các cơ quan được giao hướng dẫn xây dựng điểm bán hàng Việt Nam chưa thực sự quan tâm hoặc đưa ra nhiều khó khăn, vướng mắc thì các chủ cửa hàng đã hoặc đang được lựa chọn làm điểm cũng băn khoăn về cam kết khi bán hàng “made in Việt Nam”. Bởi hiện nay, hàng hóa có nhiều mẫu mã, chủng loại, người bán rất khó kiểm soát chất lượng cũng như thực hiện đúng các quy định về nhãn mác hàng hóa, niêm yết giá theo quy định.
Trước những khó khăn trong xây dựng mô hình điểm, đại diện lãnh đạo Phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) đề nghị UBND các huyện, TP tích cực vào cuộc, ưu tiên dành kinh phí hỗ trợ xây dựng điểm bán hàng Việt. Đơn vị sẽ hướng dẫn về mô hình này cụ thể, rõ ràng hơn đồng thời đề xuất với Sở tham mưu cho tỉnh đưa chỉ tiêu này thành tiêu chí bắt buộc của các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH.