Nhãn hàng riêng: Thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ hàng Việt

Hàng nghìn nhãn hàng riêng đang được các siêu thị tung ra với chất lượng tốt, giá ưu đãi. Không chỉ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng (NTD) mà còn kích thích sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phát triển.  

“Nở rộ” nhãn hàng riêng siêu thị

Nhằm mở rộng sản xuất, cung ứng cho NTD sản phẩm phù hợp với nhu cầu và giá cả phải chăng, nhiều năm qua, Liên hiệp Hợp tác xã (HTX) Thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đã tham gia đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ. Đầu tháng 5/2017, Saigon Co.op chính thức giới thiệu thương hiệu Co.op Organic ra thị trường Việt Nam 4 nhóm thực phẩm hữu cơ, gồm: Gạo Jasmine, Japonica; dưa leo, bí đao, cà chua; cải ngọt, cải xanh, rau muống; phi lê cá basa và tôm sú đạt tiêu chuẩn hữu cơ Hoa Kỳ - USDA và châu Âu – EU. Cụ thể, sản phẩm không phân bón hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật, không chất kích thích tăng trưởng, không chất bảo quản và không thành phần biến đổi gen. Theo Saigon Co.op, nhãn hàng riêng là “nam châm” giúp hệ thống siêu thị Co.opmart nói riêng và Saigon Co.op nói chung tăng cường sức hút đối với NTD và tăng lợi thế cạnh tranh nhờ chính sách chất lượng đảm bảo, ổn định và giá cả phù hợp.

Nhằm mục tiêu xây dựng thương hiệu riêng cho các sản phẩm của mình, năm 2015, Tập đoàn VinGroup tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với thương hiệu VinEco. Các nông trường sản xuất nông sản của VinEco được xây dựng trên các cánh đồng mẫu lớn và được quy hoạch thiết kế một cách khoa học gồm: Khu sản xuất đồng ruộng, khu nhà kính, khu sơ chế, đóng gói tự động, khu bảo quản lạnh,… nhằm đảm bảo quy trình sản xuất theo đúng tiêu chuẩn của VietGAP và tiến tới đạt chuẩn Global GAP. Đặc biệt, VinEco xây dựng nhà sản xuất nấm sạch hiện đại theo công nghệ nhập khẩu 100% của Hàn Quốc tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Đến nay, VinEco đã cung cấp cho thị trường hàng ngàn tấn nông sản sạch, với hơn 200 chủng loại sản phẩm phong phú gồm rau ăn lá, rau ăn quả, rau ăn củ, rau gia vị, trái cây,… được phân phối rộng khắp cả nước qua đại siêu thị VinMart, cửa hàng VinMart+ và trang thương mại điện tử Adayroi.

Là thương hiệu độc quyền của LOTTE Mart ra mắt thị trường Việt Nam vào tháng 5/2016, sản phẩm thương hiệu Choice L đang nhận được sự quan tâm đặc biệt củaNTD. Đến nay, LOTTE Mart đã phát triển danh mục sản phẩm nhãn hàng riêng Choice L lên tới hơn 1.000 mặt hàng từ thực phẩm, đồ gia dụng, thời trang, điện máy... Với sự đầu tư bài bản và quy mô, Choice L được định vị là dòng sản phẩm dành cho gia đình chất lượng cao, không những đáp ứng nhu cầu nội địa mà còn mở rộng ra thị trường xuất khẩu.

Đó là một vài DN phân phối đã đầu tư cho các sản phẩm nhãn hàng riêng và đạt kết quả. Theo đánh giá của các DN, nhãn hàng riêng đã thu hút được sự quan tâm của NTD bởi không chịu nhiều khoản khác như chi phí quảng cáo, phân phối, đầu tư tiếp thị cho sản phẩm, nên giá thường rẻ hơn so với giá sản phẩm cùng loại từ 5% - 20% mà chất lượng tương đương.

Bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, không chỉ NTD được hưởng nhiều ưu đãi khi sử dụng nhãn hàng riêng vì giá rẻ, chất lượng tốt mà các nhãn hàng này còn giúp các DN sản xuất có thêm đơn hàng. Do đó, việc phát triển các nhãn hàng riêng giúp mang lại hiệu quả kép.

Chưa kể, ở khía cạnh xây dựng thương hiệu, thì nhiều người trong ngành cho rằng nhãn hiệu riêng sẽ là phép thử với các nhà sản xuất và cũng là thước đo để biết được thương hiệu của DN đã thực sự là thương hiệu khó thay thế hay chưa. Cách duy nhất mà cách nhà sản xuất có thể duy trì sự cạnh tranh là phải liên tục cải tiến, nâng cao chất lượng và bổ sung tính năng mới cho sản phẩm để hấp dẫn NTD. Cao hơn nữa là phải tạo ra những sản phẩm độc đáo, riêng biệt để tạo lợi thế, đồng thời cần đẩy mạnh đầu tư cho việc tiếp thị, mở rộng kênh phân phối, bán hàng.

Xu thế tất yếu

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra nhãn hàng riêng là xu thế tất yếu đối với sự phát triển của kênh bán lẻ hiện đại. Tại các thị trường phát triển, thị phần của sản phẩm hàng nhãn riêng đang chiếm khoảng 20%, đặc biệt tại châu Âu lên đến 30%. Thậm chí tại một số nước, độ phủ nhãn hàng riêng trong siêu thị chiếm đến 80%-90% lượng hàng.

Trong khi ở Việt Nam, tỉ lệ này chỉ mới hơn 3% trên tổng số các mặt hàng kinh doanh tại hệ thống bán lẻ. Theo các chuyên gia, để tăng thêm sức hút của nhãn hàng riêng đối với khách hàng, các siêu thị cần thực sự tôn trọng quyền lợi của NTD, cam kết thực sự về chất lượng đạt tiêu chuẩn; Tạo dựng niềm tin của khách hàng về chất lượng, đảm bảo duy trì được lợi thế của nhãn hàng riêng.

Bên cạnh đó, DN cần tăng cường diện tích trưng bày, nghệ thuật marketing, bán hàng trực tiếp tại quầy hàng trong siêu thị cho các sản phẩm nhãn hiệu riêng; Tăng cường lợi thế đặc trưng về am hiểu văn hóa mua sắm, tiêu dùng của người Việt Nam để cạnh tranh với các siêu thị nước ngoài; Tạo ra không gian mua sắm riêng biệt đối với các nhãn hàng riêng trong siêu thị cùng với các hoạt động truyền thông nổi bật cho nhãn hàng riêng thông qua các kênh website chính thức, email, tin nhắn, bản tin giấy về chương trình bán hàng nhãn hàng riêng. Từ đó, tạo ra thói quen mua sắm trung thành của khách hàng đối với siêu thị và đối với các sản phẩm mang nhãn hiệu riêng của siêu thị Việt Nam.

Các siêu thị cũng tập trung phát triển nhãn hiệu nhà phân phối cho các sản phẩm vùng miền, các sản phẩm mùa, vụ, các sản phẩm truyền thống, sản phẩm tươi sống đặc trưng tiêu dùng mang đậm văn hóa Việt cũng là một giải pháp có lợi thế cạnh tranh cao của các chuỗi siêu thị Việt Nam.

 

Bình luận của bạn