Nhãn muộn Hà Nội tìm đường sang Mỹ

Cuối năm nay, lô hàng nhãn chín muộn đầu tiên của huyện Hoài Đức sẽ tiếp cận thị trường Mỹ - một trong những thị trường khó tính nhất về trái cây hiện nay. Nếu thành công, chuyến hàng này sẽ mở ra nhiều triển vọng cho phát triển cây ăn quả đặc sản của Thủ đô.

alt

Thu hoạch nhãn chín muộn tại xã Song Phương, huyện Hoài Đức. Ảnh: Quang Thiện

Hồi hộp chờ tin vui

Từ nhiều năm nay, mô hình trồng nhãn chín muộn trên địa bàn các xã An Thượng, Song Phương của huyện Hoài Đức đã được quy hoạch thành vùng sản sản xuất tập trung, quy mô lớn. Đồng thời, Hội Sản xuất và Kinh doanh nhãn chín muộn Hoài Đức ra đời từ cuối năm 2011 đã trở thành tác nhân quan trọng gắn kết các hộ nông dân để cùng hỗ trợ nhau trong sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm. Ông Triệu Tiến Ích - Chủ tịch Hội cho biết, hiện nay, Hội có 60 hội viên với diện tích vườn nhãn đạt 50ha, sản lượng thu hoạch mỗi năm từ 300 - 400 tấn. Điều đáng mừng là những năm gần đây, được sự hỗ trợ của các đơn vị thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội, các hộ trồng nhãn đã chuyển sang canh tác theo quy trình VietGAP, đảm bảo chất lượng ATTP.

Với những nỗ lực xây dựng vùng sản xuất an toàn, tháng 9/2012, sản phẩm nhãn chín muộn Hoài Đức đã được cấp chứng nhận VietGAP. Tiếp đó, năm 2014 nhãn hiệu tập thể “Nhãn chín muộn Hoài Đức” đã được xây dựng thành công và đến nay, huyện Hoài Đức đã được công nhận 2 mã vùng chỉ dẫn địa lý, nhận diện sản phẩm nhãn chín muộn là xã Song Phương và An Thượng. Đây là điều kiện thuận lợi cho trái cây đặc sản này tiếp cận các thị trường khó tính. Ông Ích cho biết, hiện nay đã có DN về đặt hàng xuất khẩu nhãn muộn Hoài Đức sang Mỹ. Khoảng cuối năm nay, một container nhãn muộn đầu tiên sẽ được đưa vào Bình Dương chiếu xạ để đảm bảo đủ điều kiện xuất sang Mỹ. “Những năm trước, giá bán nhãn tại vườn là 30.000 - 45.000 đồng/kg, nhưng nếu tiếp cận thành công thị trường Mỹ, giá bán có thể cao gấp 9 - 10 lần” - ông Ích chia sẻ.

Thông tin nhãn muộn Hoài Đức có cơ hội xuất ngoại đang khiến cho nhiều người trồng nhãn trên địa bàn huyện nức lòng mong đợi. Như vậy, sau lô nhãn tươi đầu tiên có trọng lượng 900kg của Công ty TNHH Ánh Dương Sao (TP Hồ Chí Minh) chính thức được xuất khẩu sang thị trường Mỹ bằng đường hàng không vào tháng 12/2014 với giá 20 - 25 USD/kg, việc nhãn muộn Hoài Đức tiếp cận thị trường khó tính này được đánh giá là một tín hiệu đáng mừng của ngành nông nghiệp Thủ đô.


Nhạy bén nắm bắt thị trường

Theo các hộ nông dân, năm nay thời tiết khá thuận lợi nên tỷ lệ đậu quả của nhãn muộn cao hơn năm ngoái, báo hiệu một vụ mùa bội thu. Thời gian thu hoạch nhãn muộn dự kiến bắt đầu từ tháng 9. Ông Trần Văn Bảy, thôn Ba Lương, xã Song Phương ước tính, với diện tích trồng 2ha nhãn chín muộn, bình quân sản lượng nhãn thu được của gia đình đạt 25 - 30 tấn. Theo ông Bảy, đầu ra của nhãn muộn khá thuận lợi vì không bị cạnh tranh của nhãn chính vụ và thương lái tìm đến tận vườn để thu mua. Tuy nhiên, mức giá thu mua thường không ổn định trong vụ thu hoạch, cuối vụ cao hơn đầu vụ song khi đó sản lượng nhãn không còn nhiều.

Nhãn chín muộn là một trong 4 loại cây ăn quả đã được quy hoạch ưu tiên phát triển trong Đề án phát triển một số cây ăn quả có giá trị kinh tế cao TP Hà Nội giai đoạn 2012 - 2016 cùng với bưởi, cam và chuối. Hai giống nhãn muộn HTM1, HTM2 cũng đã được Bộ NN&PTNT công nhận là giống quốc gia. Điều kiện và quy trình sản xuất nhãn đến nay đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu ATTP. Tuy nhiên, kỹ năng về xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường của người nông dân còn hạn chế. Do đó, theo ông Nguyễn Văn Chí - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội, việc thử nghiệm đưa nhãn muộn Hà Nội vào “thăm dò” thị trường Mỹ như một liều thuốc mạnh để tác động trở lại sản xuất và tư duy làm kinh tế của người nông dân, nhất là trong bối cảnh hội nhập.

Và để đáp ứng yêu cầu đó, mới đây, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội đã tổ chức lớp tập huấn về kỹ năng nắm bắt thị trường và xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm cho hơn 50 hội viên thuộc Hội Sản xuất và Kinh doanh nhãn muộn Hoài Đức. Hoạt động này nhằm giúp cho người nông dân biết cách tiếp cận từng đối tượng khách hàng, sản xuất theo nhu cầu của thị trường, bao gồm cả những thị trường khó tính nhất, từ đó nâng cao sức cạnh tranh và giá trị cho nông sản.

Nguồn: Báo Kinh tế đô thị

Bình luận của bạn