Đó là thông tin được ông Nguyễn Anh Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Indonesia cho biết tại hội thảo “Tiếp cận thị trường Indonesia trong giai đoạn hội nhập 2015” do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp với Tổng lãnh sự quán Indonesia tại TP.HCM tổ chức ngày 8-5.
Được biết, Việt Nam hiện đang nhập khẩu (NK) từ Indonesia các sản phẩm như thiết bị điện, sản phẩm giấy, cao su và sản phẩn và cao su, nhiên liệu khoáng, sản phẩm từ chưng cất, sản phẩm plastic, thuỷ sản, gỗ và sản phẩm gỗ, bánh kẹo, ngũ cốc...
Theo ông Hồ Xuân Lâm, Phó Giám đốc ITPC, thời gian qua, trong quá trình thúc đẩy tự do hoá thương mại và hội nhập, doanh nghiệp (DN) Việt Nam và Indonesia đã có nhiều nỗ lực trong việc thúc đẩy mối quan hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước.
Indonesia hiện có 253 triệu dân nên nhu cầu tiêu dùng trong nước cao. Trong đó, thuỷ hải sản, gạo, thức ăn gia súc là các mặt hàng thị trường này có nhu cầu lớn. Việt Nam đứng vị trí thứ 7 trong nhóm quốc gia cung cấp nhóm hàng ngũ cốc của Indonesia.
Ngoài ra, từ năm 2013, Chính phủ Indonesia đã bãi bỏ quy định hạn ngạch NK đối với 38 loại rau củ quả để ổn định giá cả trên thị trường, đây là cơ hội cho DN Việt Nam XK rau củ quả vào thị trường này. Đồng thời, Indonesia là thị trường tiêu thụ thực phẩm tươi đứng thứ 5 trên thế giới, đây cũng sẽ là cơ hội cho các DN ngành thực phẩm.
Trong năm 2014, kim ngạch thương mại giữa 2 nước đạt gần 5,39 tỷ USD, tăng gần 11,5% so với năm 2013. Nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác, chính phủ hai nước đã thống nhất nâng tầm quan hệ lên mức “đối tác chiến lược” với mục tiêu kim ngạch hai chiều đến năm 2018 là 10 tỉ USD.
Về cán cân thương mại, nếu như trước năm 2010, Việt Nam nhập siêu từ Indonesia nhưng từ 2011 trở lại đây thì Việt Nam lại xuất siêu. Từ năm 2010 đến nay, kim ngạch XK của Việt Nam sang Indonesia tăng đều qua từng năm. Cụ thể, năm 2010 là 1,43 tỉ USD; năm 2011: 2,35 tỉ USD; năm 2012: 2,35 tỉ USD; năm 2013: 2,45 tỉ USD và năm 2014 là 2,89 tỉ USD.
Có tiềm năng lớn, tuy nhiên, theo các chuyên gia, các quy định về ghi nhãn, thuế suất tại thị trường này còn khá phức tạp. Thu nhập của người dân Indonesia không cao nên sức tiêu thụ hàng hoá còn yếu, hàng hoá NK vào thị trường phải cạnh tranh về giá. Vì vậy, XK vào thị trường này các DN cần phân chia thị trường thành nhiều phân khúc nhỏ lẻ khác nhau để khai thác.
Bên cạnh đó, các DN cũng cần kết nối với hệ thống phân phối bán lẻ, các kênh buôn bán tại địa phương để đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm hàng hóa.
Nguồn: Báo Hải quan