Nhiều nhà hàng Mỹ đang tăng cường tích trữ tôm Việt Nam

Trong những ngày nghỉ hè, lượng khách hàng đến với các cửa hàng dịch vụ thực phẩm ở Mỹ đã đông hơn đáng kể. Bên cạnh đó, giá tôm giảm cũng khiến chuỗi các nhà hàng ở Mỹ tăng cường mua tôm của Việt Nam để dự trữ cho kỳ nghỉ lễ cuối năm.


ảnh minh họa

Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) ngày 27.6, xuất khẩu tôm của Việt Nam trong tháng 5.2016 đạt 241,8 triệu USD, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nhờ tăng trưởng tốt trong 4 tháng đầu năm nên lũy kế 5 tháng đầu năm nay của xuất khẩu tôm vẫn tăng 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 1,1 tỉ USD.

Bên cạnh đó, giá tôm trên thị trường thế giới đang có xu hướng nhích lên do thị trường tiền tệ ít biến động. Cụ thể, đồng yên tăng giá, đồng USD, euro và đồng tiền của các nguồn cung cạnh tranh với Việt Nam ổn định hơn nên nhu cầu từ các thị trường chính tăng hơn nhờ cung-cầu tại các thị trường này ổn định hơn và tồn kho giảm, giúp xuất khẩu tôm Việt Nam tính đến tháng 5 năm nay vẫn duy trì được đà tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, Mỹ đang đang là nước dẫn đầu trong nhập khẩu tôm của Việt Nam, chiếm 22,6% tổng xuất khẩu tôm của Việt Nam đi các thị trường. Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 249,3 triệu USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ 2015. 

Do nguồn cung tăng nên giá tôm trên thị trường Mỹ giảm đáng kể, khuyến khích nhu cầu tiêu thụ tôm trong mùa hè. Đặc biệt, trong những ngày nghỉ hè, lượng khách hàng đến với các cửa hàng dịch vụ thực phẩm ở Mỹ đông hơn đáng kể. Bên cạnh đó, giá tôm giảm cũng khiến chuỗi các nhà hàng ở Mỹ tăng cường mua tôm Việt Nam để dự trữ cho kỳ nghỉ lễ cuối năm.

Mỹ chủ yếu nhập khẩu tôm lột vỏ đông lạnh, 4 tháng đầu năm nay, lượng nhập khẩu mặt hàng này của Mỹ đạt 72.881 tấn tương ứng với trị giá 669,7 triệu USD. Trong đó, Việt Nam nằm trong top 5 thị trường cung cấp mặt hàng này cho Mỹ khi tăng 13% về khối lượng và tương đương về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện nay, Mỹ đang có xu hướng giảm nhập khẩu tôm lột vỏ đông lạnh từ Ecuador và tăng cường nhập khẩu tôm từ các nước châu Á như: Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan vì các nhà cung cấp này có thể đáp ứng nhu cầu của Mỹ về các sản phẩm tôm xiên que với giá phải chăng.

Tiếp đến, thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 2 của Việt Nam là EU, xuất khẩu tôm sang EU đạt 208,4 triệu USD trong 5 tháng đầu năm 2016; tăng 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số các thị trường đơn lẻ thuộc khối EU, Đức là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, tiếp đó lần lượt là Anh và Hà Lan. Xuất khẩu tôm sang cả 3 thị trường này đều tăng, lần lượt là 4,3%; 21,6% và 9,4% trong đó Anh tăng mạnh nhất.

Theo VASEP, nguyên nhân khiến xuất khẩu tôm sang thị trường EU liên tục tăng là do áp lực về thời gian và người tiêu dùng không biết cách chế biến tôm nên nhu cầu tôm ăn liền, tôm dễ chế biến và tôm xiên que hoặc tôm tẩm ướp gia vị trên thị trường này ngày càng tăng.

Hiện nay, giá tôm xuất khẩu đang tăng và nguồn cung giảm mạnh do ảnh hưởng khí hậu nóng và độ mặn tăng cao khiến giá tôm nguyên liệu của Việt Nam đồng loạt tăng mạnh trong tháng 5.2016. Trong quý 2/2016, nguồn nguyên liệu tôm trong nước đã khan hiếm nhưng chưa tác động ngay đến kết quả xuất khẩu, trong khi các yếu tố cung - cầu thị trường vẫn đang có lợi cho tôm Việt Nam. 

VASEP dự kiến xuất khẩu tôm quý 2 của Việt Nam sẽ đạt khoảng 780 triệu USD, tăng 10% so cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia về tôm cũng nhận định rằng, cùng với nhu cầu tôm trên thế giới rất lớn, trong khi tôm Việt Nam đã có vị trí quan trọng trên trị trường thế giới và những ưu đãi về thuế, tiềm lực về sản xuất hàng chế biến giá trị gia tăng nên dự báo xuất khẩu tôm trong năm 2016 sẽ khả quan hơn trong năm 2015.


 

Bình luận của bạn