Những nông dân đưa nông sản Việt vươn xa
Dù không có điều kiện được học hành bài bản, nhưng với khát khao nâng cao giá trị của nông sản, nhiều người nông dân đã không ngừng trau dồi kiến thức, tìm kiếm đối tác. Với cách nhìn xa, trông rộng, họ xây dựng được thương hiệu cho trái cây, đưa nông sản Việt xâm nhập thị trường thế giới.
Xoài “xuất ngoại”
Năm 1990, ông Nguyễn Thế Bảo từ Đồng Tháp đến xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai lập nghiệp. Sau khi tìm hiểu điều kiện thổ nhưỡng, ông Bảo quyết định kêu gọi mọi người chung vốn mua 10 ha đất trồng xoài. Qua 7 năm, xoài phát triển xanh tốt nhưng lại… không ra trái. Trong khó khăn, thay vì chặt bỏ cây xoài, ông Bảo nghĩ ra cách trồng xen chuối giữa vườn xoài để có thu nhập. Ngoài ra, ông Bảo dành nhiều thời gian đi các địa phương khác tìm hiểu về kỹ thuật chăm sóc xoài.
Nhờ học hỏi, áp dụng đúng kỹ thuật nên đến năm thứ 8, 10 ha xoài đã cho thu hoạch vụ đầu tiên, năng suất đạt 20 tấn/ha. Đến cuối những năm 2000, khi sản lượng xoài tại Xuân Hưng lên đến hàng trăm tấn/vụ, ông Bảo bắt đầu tính việc lo đầu ra lâu dài cho sản phẩm. Để làm được điều này, ông vận động mọi người thành lập Hợp tác xã xoài Suối Lớn. Xoài ở Xuân Hưng từ đây có thương hiệu, được các đối tác đánh giá cao, có mặt ở thị trường miền Bắc, miền Trung. Với mong muốn đưa xoài Suối Lớn xuất ngoại, ông Bảo thuyết phục các xã viên thực hiện chương trình VietGAP và GlobalGAP cho cây xoài. Sau nhiều nỗ lực, đến nay, Hợp tác xã xoài Suối Lớn đã có gần 30 ha xoài được cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP.
Ông Bảo tâm sự: “Hợp tác xã xoài Suối Lớn nay đã có 210 ha xoài với hàng chục hội viên. Mong muốn của tôi là tìm được những thị trường mới, giúp người trồng xoài có đầu ra ổn định, nâng cao thu nhập”. Năm 2011, thông qua một doanh nghiệp trong nước, Hợp tác xã xoài Suối Lớn đã xuất chuyến hàng khối lượng trên 3 tấn sang thị trường Trung Đông. Một năm sau, xoài Suối Lớn có đơn hàng xuất khẩu vào một một số nước châu Âu. Tuy nhiên, do vận chuyển bằng đường hàng không, chi phí cao nên sau hai tháng việc xuất khẩu tạm ngưng. Năm 2013, một container xoài Suối Lớn cũng lên đường đến thị trường Ukraine , nhưng do công nghệ bảo quản kém, xoài bị sốc nhiệt, nên hư hỏng trên đường vận chuyển, việc đưa xoài qua Ukraine vì thế thất bại. Những hợp đồng xuất khẩu dù không mang lại kết quả như mong đợi song đã mở nhiều cơ hội mới cho cho xoài Suối Lớn.
“Năm 2015, xoài cát Chu của Việt Nam được xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, đây là tín hiệu vui đối với người trồng xoài vì Nhật là thị trường rất tiềm năng. Hiện Hợp tác xã xoài Suối Lớn đang vận động xã viên chuyển đổi từ xoài Ba mùa mưa sang xoài cát Chu, quá trình này chỉ mất thời gian khoảng một năm. Để tận dụng được cơ hội trên, ngoài cố gắng của nông dân, Nhà nước cần có những chiến lược cụ thể, định hướng rõ ràng; giúp nông dân làm công nghệ bảo quản xoài”, ông Bảo đề xuất.
Xuất khẩu chôm chôm sang Pháp
Cũng là người có cùng chí hướng như ông Bảo, ông Phùng Thanh Tâm, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp, Dịch vụ, Thương mại Bình Lộc (xã Bình Lộc, thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) dù năm nay đã ngoài 60 tuổi song ở đâu mở lớp bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh là ông Tâm lại tham gia. Ông quan niệm, già đi học, thầy dạy 10, mình chỉ hiểu được một, hai nhưng biết được cái gì hay cái đó.
Ông Tâm cho biết: Xã Bình Lộc là nơi trồng chôm chôm lớn nhất ở Đồng Nai. Chôm chôm Bình Lộc nổi tiếng cả nước, tuy nhiên, lâu nay, loại trái cây này vẫn không có đầu ra ổn định, giá bấp bênh. Tôi làm chủ nhiệm hợp tác xã - là nông dân, tôi thiếu thông tin, thiếu kỹ năng đàm phán, thuyết phục đối tác mua hàng. Tôi tham gia các lớp học kế toán, kỹ năng bán hàng để vận dụng vào việc phát triển thị trường, tìm đầu ra ổn định cho trái chôm chôm.
Ngoài tham dự các lớp học, ông Tâm còn đi TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng gặp gỡ các doanh nghiệp để giới thiệu sản phẩm chôm chôm của hợp tác xã. Nhờ cố gắng của ông, từ năm 2011, chôm chôm Bình Lộc đã vào được nhiều siêu thị lớn trong nước. Có thị trường tiêu thụ ổn định, chôm chôm Bình Lộc thoát cảnh bị ép giá, thu nhập của các thành viên trong hợp tác xã mỗi năm đạt trên dưới 400 triệu đồng.
Ông Tâm phấn khởi chia sẻ, tháng 9/2015, Hợp tác xã Bình Lộc đã ký được hợp đồng với một đối tác xuất khẩu 2 tấn chôm chôm Java (chôm chôm tróc) sấy khô sang Pháp với giá cao gần gấp đôi so với tiêu thụ trong nước. Sau chuyến hàng này, đối tác đến từ Pháp đã cử một đoàn đến làm việc với Hợp tác xã Bình Lộc. Đoàn chuyên gia đã tiến hành lấy mẫu đất, nước tại các khu vực trồng chôm chôm của hợp tác xã đưa về Pháp phân tích. Ngoài ra, phía đối tác cam kết, nếu kết quả phân tích mẫu đất, nước đạt yêu cầu, năm 2016, họ sẽ hỗ trợ hợp tác xã phát triển diện tích chôm chôm Java theo tiêu chuẩn GlobalGap để đưa vào thị trường Pháp tiêu thụ.
Thực tế từ ông Nguyễn Thế Bảo và Phùng Thanh Tâm cho thấy, nông dân ngày này có nhiều cơ hội tiếp thu kiến thức, tiếp cận thị trường. Đặc biệt với sự chủ động giới thiệu, quảng bá sản phẩm của mình làm ra, chính người nông dân đã xây dựng thương hiệu, đưa trái cây vươn xa.