Những sáng kiến “Made in Việt Nam”

Những sản phẩm mang thương hiệu “Made in Việt Nam” do những kỹ sư trẻ và nông dân “chân lấm tay bùn” ở vùng Đông Nam bộ tạo ra, đã được thị trường tin tưởng đón nhận.

“Kỹ sư làng”

Chúng tôi có dịp gặp anh Trần Đức Vận (44 tuổi) ở khu phố Long Điền 1, phường Long Phước, thị xã Phước Long (tỉnh Bình Phước) vào một ngày cuối tháng 6. Trong không gian chật hẹp của cơ sở hàn tiện gia đình ước chừng 20m², đậm mùi khói hàn lẫn tiếng khoan, đục chát chúa của máy tiện, máy cắt thép và cái nóng hầm hập của tiết trời mùa hè, anh Vận vẫn cặm cụi làm việc không ngơi tay. Nhìn vẻ chân chất của anh, chúng tôi không thể tưởng tượng được rằng anh Vận chính là người đã tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ hoạt động sản xuất của bà con nông dân thị xã Phước Long, các huyện Bù Đốp, Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước). Trong đó, có máy bóc tách hạt điều, sản phẩm đầu tay của anh Trần Đức Vận.

Ở cái thị xã nhỏ miền sơn cước này, hệ thống máy bóc tách hạt điều đã không còn xa lạ gì với một số doanh nghiệp và tiểu thương kinh doanh hạt điều. Trước đây, họ phải mua máy từ các công ty trong nước với giá khá cao. Vậy nên, khi máy bóc hạt điều của anh Vận ra đời đã được người dân chào đón. Mặc dù không phải sản phẩm mới, nhưng đó là sự thành công thực sự của một “kỹ sư làng”. Chia sẻ về những thành công của mình, anh khiêm tốn: “Không biết người khác thì sao, chứ với tôi thì bất kể làm việc gì đều phải đam mê và hứng thú, đặc biệt là nghề cơ khí. Để có cái máy bóc tách hạt điều, tôi cũng trải qua nhiều thất bại. Làm cái đầu tiên, thấy không ưng ý thì bỏ. Thế nhưng, tôi không nản lòng, tiếp tục nghiên cứu làm lại, đến khi nào thành công mới thôi. Một hệ thống máy bóc tách như tôi vừa làm ra có thể giải phóng sức lao động cho gần 50 nông dân làm việc cả ngày”.

alt

Trần Đức Vận với máy bóc tách hạt điều do anh sáng chế

Ý tưởng chế tạo ra máy bóc tách hạt điều của anh Trần Đức Vận đã có từ 3 năm trước. Sau một thời gian dài mày mò nghiên cứu, cuối tháng 11-2014, anh hoàn thành chiếc máy đầu tiên, nhưng máy vận hành không đúng kỹ thuật, tỷ lệ hạt bể nhiều, độ nhiễm dầu cao... Tuy vậy, anh vẫn không bỏ cuộc và lại tiếp tục mày mò. Tháng 5-2015, chiếc máy mới ra lò, đáp ứng việc bóc tách đạt yêu cầu khoảng 80%. Toàn bộ hệ thống máy được anh bán với giá 440 triệu đồng. Đến thời điểm này, máy bóc tách hạt điều do anh chế tạo được các doanh nghiệp đánh giá cao và so sánh ngang hàng với một số máy của các hãng như Khuân Việt, Ngọc Châu, Bình Định...

Người hùng thầm lặng

Cuối tháng 2-2014, sự cố cúp điện xảy ra đúng lúc lễ ra mắt thành phố mới Bình Dương (thuộc địa bàn TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) đang được truyền hình trực tiếp. Vì thế, ban tổ chức phải chuyển qua máy phát điện dự phòng để tiếp tục sự kiện. Liên tục những ngày sau đó, trong khi chờ cơ quan chức năng khắc phục sự cố, tòa cao ốc Trung tâm Hành chính tập trung tỉnh Bình Dương phải dùng máy phát điện dự phòng. Và “người hùng thầm lặng” giúp giải quyết sự cố trên là máy phát điện mang nhãn hiệu SBMPOWER công suất 2.500 KVA của Công ty CP Sáng Ban Mai, do ông Trần Thành Trọng làm Tổng giám đốc. Sau sự kiện này, tiếng tăm của Sáng Ban Mai nổi như cồn và lần lượt, Trung tâm Hành chính tỉnh Lâm Đồng đặt mua 2 máy phát điện công suất 1.500 KVA; Công ty CP Đầu tư Văn Phú (Hà Nội) đặt mua 5 máy loại công suất 1.000 KVA…

Ông Trần Thành Trọng tốt nghiệp ngành điện tại Đại học Bách khoa TPHCM vào năm 1996. Ngay từ khi khởi nghiệp, ông cùng các cộng sự đã tự bỏ tiền túi mua một chiếc máy phát điện về tháo ra mày mò nghiên cứu và thấy rằng, có thể mua thiết bị về sản xuất được loại máy này, không nhất thiết phải nhập khẩu. Năm 2001, ông được Công ty Ban Mai thuê làm giám đốc. Sau đó, ông chủ công ty này đã bán lại doanh nghiệp cho ông Trọng và được đổi tên thành Công ty CP Sáng Ban Mai và hoạch định chiến lược kinh doanh là tập trung vào khách hàng tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

alt

Máy phát điện “made in Viet Nam” của doanh nhân Trần Thành Trọng

Đến thời điểm năm 2007-2009, ngành chăn nuôi ở Việt Nam phát triển mạnh nên rất cần máy phát điện. Lúc đó, thế mạnh của Công ty CP Sáng Ban Mai là sản phẩm rẻ hơn từ 20% - 30% so với máy nhập khẩu (nhờ công ty đã nội địa hóa sản phẩm được 40%). Cùng với đó, công ty áp dụng chính sách bảo hành “không giống ai” là: bán 1 máy kèm theo 1 máy dự phòng để phòng khi máy trục trặc, chủ trang trại có máy thay thế. Ban đầu, chủ các trang trại chăn nuôi chưa tin, họ lên tận nhà máy của công ty ở Khu công nghiệp Mỹ Phước 2 (thị xã Bến Cát, Bình Dương) kiểm tra quy trình lắp ráp, yêu cầu chạy thử máy xem công suất có đúng như thiết kế hay không… Đến khi tận mắt chứng kiến mọi thứ đúng như cam kết, nông dân mới yên tâm mua máy và họ truyền tai nhau, người này giới thiệu người kia… Kết quả mỗi năm, công ty bán ra 300 máy phát điện công nghiệp cho nông dân với nhãn hiệu hàng Việt Nam, thu về trên 10 tỷ đồng/năm. Song song đó, công ty cũng thành công với chiến lược cung cấp máy phát điện cho khu vực sản xuất hàng xuất khẩu, bởi với các chủ đầu tư người nước ngoài, cứ hàng tốt, đảm bảo được chất lượng và giá phải chăng là họ chấp nhận.

Mặc dù đã chinh phục được dòng máy phát điện công suất lớn nhất thế giới ở thời điểm này, song doanh nhân Trần Thành Trọng đang tiếp tục trăn trở với một kế hoạch mới, đó là nghiên cứu ra dòng sản phẩm máy phát điện dùng nhiên liệu sinh học. Bởi hiện nay, biogas - nguồn nhiên liệu cho loại máy này đang rất dồi dào, khi Việt Nam đang phát triển trang trại và các nhà máy chế biến tinh bột mì. “Chúng tôi đang nghiên cứu cho ra sản phẩm này. Các nhà máy tinh bột mì đang đặt hàng chúng tôi nghiên cứu. Hiện đã xong phần thiết kế loại máy 500 KVA, có thể phát điện đủ cho nhà máy hoạt động không cần dùng điện lưới quốc gia. Năm 2015, chúng tôi sẽ xong mẫu máy này. Nếu cứ đà thành công này, trong vài tháng nữa, máy phát điện của Sáng Ban Mai sẽ phủ sóng ở Campuchia và Myanmar”, ông Trọng cho biết.

Theo báo Sài Gòn Giải Phóng

Bình luận của bạn