Niềm tin hàng Việt!

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã trải qua tròn 10 năm, với hiệu ứng tích cực từ phía người tiêu dùng và các doanh nghiệp tham gia.

Theo Bộ Công thương, hiện tỷ lệ hàng hóa Việt Nam bày bán tại hệ thống các siêu thị trong nước như: Co.opmart, Satra, Vissan đã lên hơn 90%. Đến nay, khoảng 400 doanh nghiệp được công nhận là “thương hiệu quốc gia”, 196 doanh nghiệp đạt giải thưởng sản phẩm hàng hóa thương hiệu Việt Nam tiêu biểu…

Tại Vĩnh Long, việc chọn hàng “Made in Vietnam” sử dụng trở thành xu hướng. Tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động, cho thấy có khoảng 85% cơ quan, đơn vị chọn hàng Việt Nam sản xuất để mua sắm trang thiết bị và gần 90% người dân tin dùng.

Điều này được ghi nhận tại các phiên chợ hàng Việt Nam về nông thôn do Sở Công thương tổ chức thời gian qua đã thu hút đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm.

Hầu hết mặt hàng làm hài lòng các bà nội trợ với mẫu mã bắt mắt, giá cả hợp túi tiền. Hơn nữa, tại đây còn là nơi trao đổi về nhu cầu, thị hiếu giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng để mong muốn có được sản phẩm tốt hơn.

“Cơn lốc” hàng ngoại đang xâm nhập vào thị trường nội địa, nhất là khi Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại quốc tế. Điều này, chắc chắn cuộc cạnh tranh cũng như áp lực cho hàng Việt Nam tới đây là không nhỏ.

Nhất là gần đây xảy ra những vụ việc hàng nước ngoài gắn tem nhãn “Made in Viet Nam” mà ngành chức năng phát hiện- như hất “gáo nước lạnh” vào niềm tin của người tiêu dùng, làm phương hại đến ý nghĩa của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. 

Vì vậy, để tạo sức hút, niềm tin bền vững của khách hàng, bên cạnh các doanh nghiệp Việt phải nỗ lực tăng chất lượng, đổi mới mẫu mã sản phẩm và hạ giá thành, thì cần những căn cứ pháp luật để người tiêu dùng phân biệt được đâu là hàng nội địa, đâu là hàng thành phẩm nhập ngoại...

Đây là việc làm cấp thiết để trả lại niềm tin cho người tiêu dùng yêu chuộng hàng Việt Nam suốt thời gian qua.

Bình luận của bạn