Nikkei lý giải vì sao chuỗi cà phê Việt thắng Starbucks
Theo Nikkei, hiện có hàng chục chuỗi cửa hàng cà phê Việt nhanh chóng mở rộng mạng lưới. Các nhà phân tích thị trường giải thích rằng những thương hiệu địa phương kinh doanh ngành hàng này hiểu rõ người tiêu dùng hơn so với các tên tuổi quốc tế.
Trung bình mở 10 cửa hàng mỗi tháng
Nhìn về thực trạng các công ty khởi nghiệp cà phê ở Việt Nam, Nikkei đánh giá The Coffee House là thương hiệu phát triển nhanh chóng nhất. Hiện chuỗi cà phê có trụ sở tại TP.HCM này đã có hơn 100 cửa hàng.
Trả lời Nikkei, nhà sáng lập và CEO The Coffee House, Nguyễn Hải Ninh, cho biết công ty có ý định mở 700 cửa hàng trên khắp Việt Nam trong 5 năm tới, với trung bình mỗi tháng có 10 điểm kinh doanh mới ra đời.
The Coffee House, chuỗi cà phê phát triển mạnh nhất hiện nay với hơn 100 cửa hàng. |
Ngoài ra, Cộng cà phê cũng là một thương hiệu Việt khá mạnh. Chuỗi cửa hàng này thu hút khách bởi phong cách trang trí độc đáo.
Từ khi ra mắt năm 2007 đến nay, Cộng cà phê đã có hơn 50 cửa hàng. Chuỗi này dự kiến tiếp tục mở rộng 1-2 cửa hàng mỗi tháng đến năm 2020. Không chỉ phát triển trong nước, Cộng cà phê đã có một cửa hàng tại Seoul (Hàn Quốc) vào tháng trước và đang lên kế hoạch cho 2 điểm kinh doanh khác ở nước này.
Nhắm vào khách hàng trẻ tuổi với phong cách phương Tây, Highlands Coffee cũng là thương hiệu cà phê đáng chú ý ở thị trường Việt Nam. Thương hiệu được thành lập năm 2002 bởi một người Mỹ gốc Việt. Năm 2012, Highlands Coffee được mua lại bởi một tập đoàn nhà hàng tại Philippines, là Jollibee Foods. Chỉ sau vài năm, thương hiệu này đã có hơn 200 cửa hàng, chủ yếu nằm trong các trung tâm mua sắm.
Ngoài những tên tuổi lâu đời, các chuỗi mới vừa ra mắt trong 10 năm qua như Thức, Urban Coffee Station hay Phúc Long cũng đang có tăng trưởng doanh thu khoảng 7%/năm.
Thắng thế vì có giá thành rẻ
Trong khi các chuỗi cà phê Việt đang ngày càng mở rộng nhanh chóng cửa hàng, thậm chí có mặt tại các quốc gia khác, thì gã khổng lồ trên thế giới Starbucks dường như đang đi với tốc độ chậm hơn dự kiến, Nikkei đánh giá.
Sau 5 năm gia nhập Việt Nam, số lượng cửa hàng Starbucks chỉ dừng ở 38. |
Sau 5 năm gia nhập Việt Nam, hiện số lượng cửa hàng Starbucks chỉ dừng lại ở mức 38. Trong khi đó, tại thị phần Thái Lan, ông lớn này có hơn 330 điểm kinh doanh, Indonesia là 320 và Malaysia hơn 190. Như vậy, so với các nước trong khu vực, Starbucks đang bị “chững” lại khi tiếp cận với người tiêu dùng Việt.
Thời gian qua, nhiều thương hiệu ngoại như NYDC, Gloria Jean's Coffees thuộc sở hữu của Australia và Caffe Bene có trụ sở tại Hàn Quốc, cũng đã và đang thu hẹp, thậm chí đóng cửa doanh nghiệp.
Giải thích về sự phát triển của các thương hiệu Việt trong khi các ông lớn lại gặp khó khăn trong kinh doanh cà phê, Phuong Nguyen, một nhà nghiên cứu thị trường ở TP.HCM, cho biết các chuỗi nội hiểu biết tốt về văn hóa và người tiêu dùng Việt Nam.
Theo chị, các công ty này đặt mục tiêu rõ ràng cho nhóm khách hàng mục tiêu, phát triển không gian độc đáo hướng tới người tiêu dùng trẻ. Đồng thời, thực đơn đồ uống đa dạng với giá cả phải chăng phù hợp sinh viên và người trẻ tuổi.
“Khách hàng cũng có thể sử dụng Internet trong nhiều giờ mà không bị gián đoạn như các chuỗi cà phê lớn. Những đặc điểm này cho phép các chuỗi mới của Việt Nam cạnh tranh mạnh mẽ với các thương hiệu nước ngoài, nơi vốn được quản lý và dịch vụ tốt hơn”, Phuong nói.
Chị cũng cho rằng nhiều thương hiệu lâu đời hiện khá chậm trong việc thay đổi mô hình kinh doanh, để thích ứng với thị hiếu khách hàng. Trong khi đó, khẩu vị khách hàng trong kinh doanh lại rất quan trọng và vốn thay đổi liên tục.
Ngoài chi phí hoạt động, chi phí mặt bằng quá cao cũng đang là một trở ngại với các công ty ngoại mở cửa hàng kinh doanh cà phê.
Theo tính toán của chủ một chuỗi cà phê trong nước, một cửa hàng Starbucks rộng 200 m2 ở TP.HCM đòi hỏi phải đầu tư khoảng 215.000 USD, trong khi đó, một cửa hàng The Coffee House chỉ cần khoảng 86.000 USD.