Ninh Bình: Đẩy mạnh xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ
Những năm gần đây, công nghiệp, thương mại tỉnh Ninh Bình có bước phát triển ổn định; lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa tăng hàng năm, giá trị xuất khẩu nâng cao, với sự đóng góp của mặt hàng mỹ nghệ từ các làng nghề truyền thống.
Theo thông tin của Sở Công Thương Ninh Bình, ước tính đến hết năm 2015 kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 900.000 nghìn USD, tăng 8,9% so với năm 2014 và vượt so với kế hoạch năm 2015 là 70.000 nghìn USD.Trong các kết quả nổi bật của nền kinh tế Ninh Bình những năm gần đây, xuất khẩu luôn là một điểm sáng. Địa phương đã tạo dựng được các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: May mặc, thêu, nông sản và nông sản đông lạnh, xi măng clanhke, camera và linh kiện điện thoại, giày dép…; đặc biệt sự “góp sức” quan trọng của mặt hàng thủ công mỹ nghệ (TCMN).
TCMN là mặt hàng xuất khẩu tăng khá mạnh cả về số lượng và chất lượng, mang lại giá trị xuất khẩu cao. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này ước đạt cả năm 5.844 nghìn USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Những mặt hàng chủ yếu như: Thêu ren ước đạt 3.744 nghìn USD, tăng 17,5% so với năm 2014; thảm trang trí, trải sàn ước đạt 1.103,1 nghìn USD, tăng hơn 8 lần so với cùng kỳ; lúa rơm ước đạt 1.117,3 nghìn USD, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ. Thị trường xuất khẩu chủ yếu của mặt hàng TCMN là Mỹ, Đài Loan, Anh, Nhật Bản, Tây Ban Nha…Ninh Bình có rất nhiều thuận lợi để phát triển xuất khẩu hàng TCMN: Nguồn lao động dồi dào, trong đó có đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi để truyền nghề và mở rộng sản xuất; hàng TCMN được sản xuất chủ yếu bằng nguyên liệu sẵn có trong tỉnh và một số tỉnh lân cận; các cơ sở được bố trí gần nguồn nguyên liệu…
Bên cạnh đó, lợi thế về truyền thống văn hóa, các di tích lịch sử và phát triển du lịch của tỉnh cũng tạo cho Ninh Bình đẩy mạnh phát triển xuất khẩu hàng TCMN. Điển hình như nghề thêu ren, có cách đây trên 700 năm. Nghề thêu ren tập trung chủ yếu ở thôn Văn Lâm (huyện Hoa Lư) và một số tập trung tại huyện Nho Quan, Gia Viễn và Yên Mô. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu sang các nước Hồng Kông, Thụy Sỹ, Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc… và phục vụ khách du lịch đến tham quan khu du lịch Tràng An, Bái Đính Tam Cốc - Bích Động. Các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu hàng TCMN trong tỉnh đã tích cực đẩy mạnh sản xuất, tìm kiếm thị trường, bạn hàng, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, từng bước đưa các sản phẩm hàng hóa nói chung cũng như hàng TCMN nói riêng của tỉnh thâm nhập và khẳng định vị trí trên thị trường nước ngoài. Cùng với đó, Ninh Bình đã ban hành nhiều chính sách để phát triển sản xuất và xuất khẩu hàng TCMN…
Để tiếp tục duy trì và phát triển xuất khẩu hàng TCMN trên địa bàn, thời gian tới, ngành Công Thương Ninh Bình sẽ phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với các sở, ngành, địa phương nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư, doanh nghiệp, khai thác tối đa năng lực hiện có, tạo điều kiện để các doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu. Theo đó, tập trung thực hiện các giải pháp chính sách thúc đẩy sản xuất các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp như: Cói, thêu ren, gỗ mỹ nghệ…