Nón lá Mỹ Trạch: Khẳng định thương hiệu Việt
Trải qua bao thăng trầm lịch sử cùng sự cạnh tranh khốc liệt của cơ chế thị trường, nhiều làng nghề trên địa bàn tỉnh đã bị mai một. Bên cạnh những làng nghề không thể bám trụ được, nhiều làng nghề đã nỗ lực tổ chức lại sản xuất theo hình thức mới để phát triển bền vững. Trong đó, HTX nón lá Mỹ Trạch, huyện Bố Trạch đã quyết tâm “giữ lửa” cho làng nghề truyền thống của địa phương.
HTX nón lá Mỹ Trạch bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2009. Sau nhiều năm chật vật trong công tác quản lý và xây dựng thương hiệu sản phẩm, đến nay, cơ sở đã dần có được chỗ đứng trên thị trường. Hiện, HTX nón lá Mỹ Trạch có gần 800 lao động, sản lượng bình quân mỗi năm đạt khoảng 30.000 sản phẩm, gồm 5-6 mẫu hàng với 2 chủng loại, chủ yếu là nón lá nón và nón lá dừa. Một trong những yếu tố quyết định sự tồn tại, thành công và phát triển của HTX nón lá Mỹ Trạch là HTX vừa tập trung vào khâu thu mua, tiêu thụ sản phẩm cho người dân vừa cung ứng nguyên vật liệu đầu vào cho bà con xã viên sản xuất.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, công đoạn làm vành nón không còn thực hiện bằng phương pháp thủ công nữa mà được thực hiện bằng máy tại Huế và Đà Nẵng, vì thế, chất lượng bảo đảm, đẹp đều và giá cả hợp lý. Cơ chế quản lý sản phẩm của HTX nón Mỹ Trạch theo phương thức: chỉ thu mua nón của xã viên dưới dạng bán thành phẩm (mới hoàn thành khâu chằm nón).
Bởi công đoạn hoàn thiện, gồm: cặp, làm nài, thêu, chải dầu..., hay còn gọi khâu “chuốt mã”, không phải xã viên nào cũng làm tốt, nên sau khi thu mua nón, Ban Quản trị HTX giao cho những người khéo tay thực hiện. Nhờ vậy, nón vừa đều, đẹp và ít lỗi, đáp ứng được yêu cầu của khách hàng.
Chị Nguyễn Thị Vân, Giám đốc HTX nón lá Mỹ Trạch cho biết thêm: “Việc chuyên môn hóa sản xuất nón thành từng công đoạn như trên giúp cho người lao động tận dụng tối đa năng lực của mình, ai giỏi phần nào làm phần đó. Nhìn qua thì thấy đơn giản, nhưng nghề này mang tính xã hội và nhân văn cao, tạo điều kiện cho người người khuyết tật cũng có thể tham gia những khâu phù hợp để có thêm thu nhập.
Mặc khác, việc thường xuyên thực hiện thao tác một số khâu trong quy trình sản xuất là điều kiện để người thợ rèn luyện tay nghề, nâng cao kỹ thuật và tăng năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa. Khi cung ứng vật liệu, xã viên được nợ tiền nhưng khi thu mua nón, HTX trả tiền đầy đủ, kịp thời, nên rất được bà con nhiệt tình, trách nhiệm với nghề. Chính vì thế, mỗi sản phẩm của HTX nón Mỹ Trạch “ra lò” đều nhận được sự ưa chuộng từ khách hàng và các đại lý”.
Những năm gần đây, phần lớn nón của HTX tiêu thụ tại Nghệ An, Quảng Trị, thành phố Huế, thậm chí được xuất khẩu sang nước bạn Lào và Thái Lan (thông qua các đại lý). Ngoài ra, với chất lượng cao và ổn định, sản phẩm nón của HTX cũng được tham gia nhiều hội chợ giới thiệu sản phẩm trong và ngoài tỉnh.
Đi đôi với việc nỗ lực khẳng định thương hiệu sản phẩm nón lá của tỉnh, HTX nón lá Mỹ Trạch còn giúp nhiều hộ dân có từ thu nhập từ 500.000-1.500.000 đồng/hộ, góp phần tích cực xóa đói giảm nghèo của địa phương.
Cùng với việc giúp bà con trên địa bàn xã Mỹ Trạch phát triển kinh tế, HTX còn thông qua đại lý thu gom nón của các xã Hạ Trạch, Bắc Trạch (Bố Trạch) và một số địa phương của thị xã Ba Đồn đưa đi tiêu thụ, giải quyết khó khăn cho bà con. Được biết, theo mô hình tổ chức HTX kiểu mới, sắp tới HTX nón lá Mỹ Trạch sẽ tiến tới hoạt động như một doanh nghiệp. Đó là điều kiện để HTX làm tốt hơn vai trò “bà đỡ” cho làng nghề truyền thống ở địa phương và là điểm hẹn của các sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao.