Nông nghiệp công nghệ cao: Làm 'hồ sơ điện tử' cho rau
Mỗi bó rau sạch xuất đi từ nông trại RASA có gắn mã số riêng giúp người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc bằng phần mềm quản lý lưu trữ đầy đủ thông tin về từng loại rau.
Rau sạch RASA trồng trong màng bọc và nhà kính ở cao nguyên Mộc Châu
Nông trại RASA rộng hơn 6 ha tọa lạc trên cao nguyên Mộc Châu (Sơn La) mỗi ngày cung cấp cho thị trường trên 40 loại rau, củ, quả. Đây là thành quả của nhóm bạn trẻ: Đặng Quang Hưng, Lê Như Phúc, Nguyễn Văn Sơn và Đức Thọ, những kỹ sư công nghệ thông tin và xây dựng, có việc làm ổn định ở thủ đô nhưng đã bỏ lên núi làm nông dân.
Vận chuyển bằng máy bay
Sản xuất rau sạch tiêu chuẩn VietGap, nông trại RASA được đánh giá là mô hình nông nghiệp hiện đại. Đặc biệt, hệ thống tưới nước phun mưa, tưới nhỏ giọt dẫn nước đến từng luống rau, gốc rau. Công nghệ màng bọc trên bề mặt luống rau ngoài ngăn ngừa cỏ dại, hiện tượng bốc hơi làm thất thoát nước, phân bón còn giữ cho cây rau luôn sạch từ lúc gieo hạt cho đến ngày thu hoạch.
Ứng dụng khoa học, công nghệ giúp RASA có nhiều điểm khác biệt so với trang trại trồng rau sạch truyền thống khi có thể sản xuất nhiều loại rau trái mùa vụ, bán với giá cao. Gần đây nhất, các thành viên RASA nghiên cứu, thử nghiệm trồng thành công loại cà chua trái vụ khi lai ghép giữa 2 loại giống cà chua, trồng trên 2 vùng đất khác nhau. Phó giám đốc RASA Đặng Quang Hưng cho biết loại cà chua này canh tác theo quy trình kỹ thuật cao, tốn kém về chi phí. Giống cà chua DOFU do Hà Lan sản xuất chỉ phù hợp canh tác ở vùng khí hậu Đà Lạt (Lâm Đồng) nhưng thổ nhưỡng ở Mộc Châu cũng có thể trồng được loại quả này, dù không phải mùa vụ. Ban đầu, RASA thuê công ty chuyên về giống gieo hạt, chờ cây non phát triển đến một giai đoạn nhất định sẽ cắt toàn bộ phần ngọn của giống DOFU đem ghép với gốc cà chua giống khác bằng khớp nối. Chờ khi cây ghép sinh trưởng thì chuyển cây từ Đà Lạt về trồng ở Mộc Châu.
“Cây không thể chuyển bằng ô tô, đi mất nhiều thời gian sẽ bị ảnh hưởng. Trong khoảng 6 tiếng, toàn bộ cà chua ghép được đưa lên máy bay chuyển Hà Nội rồi đưa thẳng về Mộc Châu canh tác. Giống cà chua ghép có chất lượng tinh bột cao, ăn ngon và năng suất cao”, anh Hưng nói.
Quản lý bằng phần mềm
Có kiến thức về công nghệ thông tin, các thành viên RASA bắt tay viết phần mềm để quản lý. Cụ thể, mỗi loại rau có quy định mã số riêng. Ở nông trại, các lô đất được chia ô và được đánh dấu bằng các con số. Ngay từ ngày gieo hạt, liều lượng nước, bón phân, thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trong mỗi đợt đều được nông dân nhập vào máy tính. Sau đó, nhóm tiếp tục xử lý đưa vào phần mềm để truy xuất nguồn gốc rau sạch. Khi mỗi bó rau chuyển đến người tiêu dùng đã có sẵn hồ sơ điện tử, lưu trữ tất cả thông tin. Trên bao bì hoặc hóa đơn gửi đến khách hàng có in kèm mã số, nếu nhập vào phần mềm trên trang web của RASA, khách hàng dễ dàng tiếp cận hồ sơ điện tử, có đầy đủ thông tin về bó rau đã mua.
Các sản phẩm của RASA ngày càng quen thuộc với người tiêu dùng tại thủ đô khi có bán ở 32 cửa hàng kinh doanh rau sạch, siêu thị, đại lý do RASA ủy nhiệm. Ngoài ra, rau sạch RASA cũng có trong các bữa ăn tập thể của các doanh nghiệp lớn, thực đơn của các nhà hàng, khách sạn và cộng đồng người Nhật Bản tại VN thông qua doanh nghiệp trung gian. RASA đang phối hợp với nông dân các vùng chuyên canh trọng điểm trồng rau sạch tiêu chuẩn VietGap nhưng tuân thủ quy trình đang áp dụng tại RASA Mộc Châu, đầu tư thêm nông trại ở Đà Lạt. Dự kiến tháng 6 năm nay, các sản phẩm rau sạch trồng tại Đà Lạt được đưa ra thị trường.
Bắt đầu có doanh thu bạc tỉ mỗi năm, gây dựng thành công chuỗi khép kín từ sản xuất đến mạng lưới tiêu thụ, mô hình nông trại của RASA còn góp phần giải quyết việc làm thu nhập cao cho vài chục nông dân ở Mộc Châu.