Nông sản Việt chinh phục hàng loạt thị trường khó tính

Thương hiệu nông sản Việt Nam đã có mặt tại 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Ảnh: Dân trí 
Thương hiệu nông sản Việt Nam đã có mặt tại 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Ảnh: Dân trí

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong năm 2017, Bộ đã tăng cường chỉ đạo các địa phương tổ chức sản xuất tập trung, quy mô lớn, kiểm soát (ATTP) ngay từ các yếu tố đầu vào và liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm thực phẩm an toàn.

Hầu hết các địa phương đã triển khai vận động, hỗ trợ sản xuất nông lâm thủy sản theo VietGAP. Tính đến nay đã có 1.406 cơ sở trồng trọt được chứng nhận VietGAP với diện tích khoảng 18,2 nghìn ha, trong đó rau là 3.443 ha; quả là hơn 11.813 ha; khoảng 500 cơ sở nuôi trồng thủy sản với diện tích nuôi trồng là 2.618 ha được cấp chứng nhận VietGAP.

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Nguyễn Như Tiệp cho biết, tính đến đầu năm 2018, trên cả nước đã có 63/63 tỉnh, TP xây dựng thành công được 746 mô hình điểm chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn, trong đó có 382 chuỗi đã được giám sát, xác nhận sản phẩm kiểm soát ATTP theo chuỗi.

Nhờ các hoạt động trên, cả năm 2017 đã không có sự cố lớn về ATTP xảy ra, góp phần quan trọng vào tăng trưởng nông nghiệp với kim ngạch xuất khẩu đạt 36,37 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2016. Nông sản Việt Nam đã xuất khẩu đến 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, đồng thời mở rộng xuất khẩu sang một số thị trường khó tính như xuất khẩu thịt gà sang Nhật; vải, nhãn, xoài sang Úc; vú sữa sang Hoa Kỳ. Đặc biệt là thị trường EU đã giảm tần suất kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật từ 20% xuống còn 10% đối với thanh long nhập khẩu của Việt Nam.

Trong 5 năm qua, xuất khẩu hàng nông sản vẫn tăng trưởng trung bình 2,4%/năm. Riêng 10 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu nông lâm thủy sản đã đạt 29,76 tỷ USD. Trong đó nông sản chiếm quá nửa tổng giá trị.

Về giải pháp nhằm xây dựng thương hiệu mạnh cho hàng hóa sản phẩm đặc biệt là nông sản, thực phẩm của Việt Nam, nhiều chuyên gia cho rằng cùng với việc tìm kiếm các thị trường mới thì Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc vẫn là các thị trường xuất khẩu lớn và là các đối tác quan trọng của Việt Nam. Vì vậy, các trong nước cần tập trung nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các mặt hàng, đáp ứng các yêu cầu cao về tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu tại các thị trường này

Liên quan tới vấn đề này, bà Miriam Garcia-Ferrer, Tham tán thứ nhất của Phái đoàn EU tại Việt Nam cho rằng thời gian tới, để xuất khẩu tốt sang thị trường EU, các doanh nghiệp nông sản, thực phẩm của Việt Nam cần xác định thuế suất ưu đãi và các quy tắc xuất xứ từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), sẽ có hiệu lực từ năm 2018. Hơn nữa, các doanh nghiệp cần đảm bảo tuân thủ mọi yêu cầu về các biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS) của EU cũng như nên thực hiện các yêu cầu kỹ thuật, đóng gói, ghi nhãn… nhất là những quy tắc chung về vật liệu tiếp xúc với thực phẩm.



 

Bình luận của bạn