Nông sản Việt nhanh chóng thích ứng với thị trường chính ngạch

Trung Quốc - một trong những thị trường lớn và truyền thống, chiếm trên 20% tổng kim ngạch xuất nông lâm thủy sản Việt Nam, giờ không còn là thị trường dễ tính.

Vụ vải năm 2019, vụ đầu tiên Việt Nam phải áp dụng theo các điều kiện nhập khẩu khắt khe của Trung Quốc. Nông dân, doanh nghiệp đã nhanh chóng thay đổi phương thức sản xuất và thích ứng với các quy định của thị trường nhập khẩu. 

Không chỉ quả vải, các loại nông, thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ đều phải đáp ứng được các điều kiện, quy định và tiêu chuẩn của thị trường này, bởi Việt Nam và Trung Quốc đã thống nhất quản lý xuất nhập khẩu theo hướng chính ngạch.

Cùng với việc nỗ lực mở cửa cho từng mặt hàng, các ngành chức năng đang tích cực hướng dẫn địa phương, nông dân sản xuất đáp ứng được các điều kiện xuất khẩu. 

Hiện Việt Nam có 9 loại quả tươi được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc gồm: thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt. Trung Quốc cho phép trên 700 doanh nghiệp thủy sản; trên 20 doanh nghiệp gạo... của Việt Nam được phép xuất khẩu vào thị trường của họ. 

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), yêu cầu về chất lượng hàng hóa nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc ngày càng nâng lên và đòi hỏi quy định chặt chẽ hơn. 

Đó là quản lý và đánh giá rủi ro cho một số loại hàng hóa lần đầu tiên nhập khẩu và chưa có trong danh mục; giấy chứng nhận chất lượng, xuất xứ hàng hóa; thông tin truy xuất nguồn gốc, nhãn mác, bao bì; danh mục hàng hóa thực phẩm và danh sách cơ sở được phép xuất khẩu; chỉ định cửa khẩu nhập... 

Đây cũng là xu hướng chung trên thị trường thế giới mà các nước xuất khẩu nói chung và Việt Nam nói riêng cần có giải pháp để đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu, tăng cường xuất khẩu theo hướng chính ngạch, giữ vững thị trường. 

“Chúng ta phải làm quen với một thị trường chính ngạch, tạo tập quán canh tác sản xuất theo hướng hội nhập, tạo giá trị cho nông sản sang thị trường lớn. Một chu trình sản xuất từ giống, canh tác, thu hoạch, chế biến và xuất khẩu đã và đang từng bước có sự thay đổi”, ông Nguyễn Quốc Toản cho hay. 



Trung Quốc - một trong những thị trường lớn và truyền thống, chiếm trên 20% tổng kim ngạch xuất nông lâm thủy sản Việt Nam, giờ không còn là thị trường dễ tính. Điển hình, trái cây xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và quy định về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật; phải đăng ký mã số vùng, địa danh của nông sản với Hải quan Trung Quốc.

Sản phẩm phải bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật bao gói, điều kiện vệ sinh, không nhiễm côn trùng hại… và phải khai báo rõ ràng xuất xứ nguồn gốc. Đối với các mặt hàng thủy sản, nông sản khác, Trung Quốc cũng siết chặt kiểm soát chất lượng. 

Trước những yêu cầu của thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo các đơn vị chức năng và các địa phương chú trọng phát triển sản xuất, liên kết phát triển các vùng nguyên liệu tập trung quy mô hàng hóa, cấp mã số vùng trồng, nuôi đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm. Đã có trên 1.200 mã số vùng trồng và 564 nhà đóng gói được cấp và tiếp tục cập nhật theo yêu cầu của các địa phương. 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị chức năng và địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm, bao bì bao gói, nhãn mác sản phẩm đáp ứng với quy định và thị hiếu của thị trường Trung Quốc. 

Với các nông sản chưa được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc đòi hỏi phải thúc đẩy tiêu thụ trong nước bằng chuỗi phân phối hoặc chế biến để vượt qua những rào cản trong xuất khẩu tươi. Chế biến là con đường giải quyết những nút thắt về rào cản. Do đó, nông sản Việt cần phải áp dụng công nghệ bảo quản, công nghệ chế biến. 

Điển hình như vụ na năm nay, đây là loại quả chưa được phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc. Với 1/3 sản lượng na của Chi Lăng (Lạng Sơn) hàng năm được tiêu thụ tại Trung Quốc nên sẽ là thách thức không nhỏ với người dân trồng na. 

Nhận thức rõ khó khăn trên, ông Lương Thành Chung – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng cho biết, năm nay huyện tập trung ưu tiên phát triển tại thị trường trong nước, quảng bá, đưa sản phẩm na đến các thị trường lớn như Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng… 

Để giảm áp lực tiêu thụ, huyện Chi Lăng đã sớm khuyến cáo bà con ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để na ra trái rải vụ. Năm 2018, vụ na chỉ kéo dài khoảng 2 tháng thì nay bà con rải vụ có thể lên tới 3 - 4 tháng. Do đó, áp lực tiêu thụ sẽ giảm đi rất nhiều. Việc xuất khẩu sang Trung Quốc khó khăn nhưng cũng không ảnh hưởng nhiều đến tình hình tiêu thụ na Chi Lăng trên địa bàn. 

Ông Lương Thành Chung kiến nghị UBND tỉnh Lạng Sơn đề xuất với các bộ, ngành tích cực đàm phán với phía Trung Quốc để cho trái na sớm được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này. Hiện nay, na Chi Lăng đã được áp dụng sản xuất na an toàn và truy xuất nguồn gốc. Khi được xuất khẩu chính ngạch, na Chi Lăng có thể thực hiện được ngay. 

Ông Nguyễn Quốc Toản cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang đề nghị phía Trung Quốc thúc đẩy nhanh tiến trình đàm phán mở cửa thị trường cho các loại quả theo thứ tự ưu tiên như: sầu riêng, chanh leo, bơ, bưởi, dừa, na, roi; sản phẩm tổ yến, khoai lang. Việt Nam đã gửi các bộ hồ sơ kỹ thuật để phía Trung Quốc xem xét cấp phép chính thức cho sản phẩm hoa quả được xuất khẩu vào thị trường mình. 

Cùng với việc khẩn trương triển khai việc cấp mã số vùng nuôi tôm, ông Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, đơn vị cũng đang phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tiếp tục đăng ký bổ sung các mặt hàng thủy sản để đề nghị phía Trung Quốc cho phép bổ sung vào danh mục được phép xuất khẩu sang nước này. 

Tổng cục Thủy sản sẽ quyết liệt phối hợp với các địa phương nhằm chấn chỉnh tình trạng phá vỡ các hợp đồng liên kết trong sản xuất và chế biến; siết chặt việc tổ chức sản xuất, giám sát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc đối với các mặt hàng này, nhất là các vùng nuôi, các doanh nghiệp, cơ sở chế biến nuôi trồng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. 

Bên cạnh các giải pháp kỹ thuật, ông Trần Công Thắng, Phó Viện trưởng, phụ trách Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, các đơn vị cần thường xuyên cập nhật với hệ thống hải quan của Trung Quốc để tạo thuận lợi cho xuất khẩu; thúc đẩy kết nối giữa các doanh nghiệp, địa phương với các nhà phân phối nông sản lớn của Trung Quốc. Đặc biệt là cải thiện hệ thống logistics phục vụ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, nhất là tại các tỉnh giáp biên giới với Trung Quốc. 

Để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng lợi thế từ việc Trung Quốc công bố chính thức phê duyệt 33 mặt hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc các ngành liên quan xem xét miễn thuế nhập khẩu trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA); trong đó nhiều mặt hàng thủy sản thế mạnh của Việt Nam như: tôm hùm, tôm sú, tôm biển, cá basa, cá nục gai, cá ngừ đại dương, bạch tuộc... 

Đối với một số mặt hàng dự báo nhu cầu của thị trường Trung Quốc đang giảm, ông Trần Công Thắng cho rằng các bộ ngành cần hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, tìm kiếm cơ hội xuất khẩu sang các nước trong khu vực ASEAN, thị trường Trung Đông và châu Phi. Doanh nghiệp cũng cần tận dụng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU vừa có hiệu lực, đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm thủy sản, gạo, rau quả chất lượng cao sang thị trường này./. 

Bình luận của bạn