Nước mắm Phú Quốc: Gian nan giữ thương hiệu Kỳ II: Doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo

Quá trình đăng ký, hoàn tất thủ tục để có thể được xác nhận quyền sở hữu chỉ dẫn địa lý là quá trình lâu dài và tốn nhiều công sức. Riêng với sản phẩm nước mắm Phú Quốc, quá trình này đã kéo dài 10 năm. Do vậy, bảo hộ quyền sở hữu chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm này là điều không thể bị xem nhẹ.

Nhận biết nước mắm Phú Quốc được bảo hộ bằng tem chỉ dẫn địa lý

Doanh nghiệp là nòng cốt

Ông Bùi Huy Sơn - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) - Giám đốc Dự án EU - Mutrap (đơn vị đã giúp Việt Nam cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho nước mắm Phú Quốc) - cho biết, trong quá trình triển khai công tác cấp và bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho nước mắm Phú Quốc, chúng tôi phát hiện một thực tế là ở cả thị trường trong nước cũng như nước ngoài, không ít sản phẩm đang sử dụng tên gọi nước mắm Phú Quốc nhưng không phải là sản phẩm đáp ứng các tiêu chí và được chính thức cấp phép sử dụng thương hiệu nước mắm Phú Quốc.

Ông Bùi Huy Sơn cho rằng, trước hết, trách nhiệm bảo vệ nước mắm Phú Quốc thuộc về các đơn vị sản xuất, sử dụng thương hiệu này. Các DN phải hết sức nghiêm túc, tìm hiểu kỹ các quy định về quy trình sản xuất, khai thác nguyên vật liệu, ướp, chạp, đóng gói và bảo quản để bảo đảm đúng quy trình đã đăng ký với Liên minh châu Âu. Như vậy mới có thể bảo đảm chất lượng, uy tín, thương hiệu của sản phẩm nước mắm Phú Quốc.

Với những sản phẩm đã đáp ứng yêu cầu chất lượng thì không thể đơn giản là ngồi chờ khách hàng đến, mà phải tăng cường hơn nữa công tác tiếp thị, quảng bá hình ảnh và chất lượng sản phẩm, chủ động tham gia hệ thống phân phối để người tiêu dùng trong và ngoài nước tiếp xúc nhiều và quen dần với những sản phẩm chính hãng.

Đồng ý kiến, bà Nguyễn Thị Tịnh - Chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc - cho hay: “Các DN cần đồng hành với người tiêu dùng, cơ quan quản lý nhà nước để thông tin, quảng bá, vận động và tìm cách phối hợp để đấu tranh hiệu quả với các hành vi vi phạm về sở hữu trí tuệ (SHTT) với nước mắm Phú Quốc”.

Xem xét nâng mức xử phạt

Song song với nỗ lực của DN, bà Nguyễn Thị Tịnh cho rằng, Hội nước mắm Phú Quốc rất mong sự vào cuộc của các cơ quan nhà nước một cách mạnh mẽ hơn để bảo vệ sản phẩm đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý và cả người tiêu dùng.

Cụ thể, UBND tỉnh Kiên Giang và các đơn vị có thẩm quyền cấp và xử lý các vi phạm về sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm nước mắm Phú Quốc cần phải mạnh tay hơn với các trường hợp vi phạm quyền SHTT khi sử dụng trái phép thương hiệu nước mắm Phú Quốc. Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và môi trường cũng cần đồng hành để bảo vệ lợi ích chính đáng của DN đang đáp ứng chất lượng, quy trình và được quyền khai thác hợp pháp nhãn hiệu nước mắm Phú Quốc.

Với các quốc gia khác trên thế giới, vi phạm quyền SHTT sẽ bị phạt rất nặng, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên ở nước ta, vi phạm này mới chỉ bị phạt hành chính. Một số chuyên gia cho rằng, nên tăng hình thức xử phạt để răn đe, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho DN, đồng thời bảo vệ cho sản phẩm nông sản chế biến đầu tiên được EU công nhận chỉ dẫn địa lý. Đây sẽ là một trong những bước chuẩn bị quan trọng cho hàng loạt những loại nông sản khác, khi cơ hội hội nhập đang đến rất gần.

Bình luận của bạn