Nuticafé và tâm huyết đưa văn hóa ẩm thực Việt ra thế giới
Trong tọa đàm “Đưa văn hóa ẩm thực Việt ra thế giới” với sự chủ trì của TS Trần Du Lịch, các khách mời đã thể hiện khát khao khẳng định văn hóa ẩm thực Việt trên trường quốc tế, trong đó có món cà phê sữa đá.
Tọa đàm “Đưa văn hóa ẩm thực Việt ra thế giới” diễn ra trong khuôn khổ buổi ra mắt sản phẩm Nuticafé - Cà Phê Sữa Đá Tươi của NutiFood, dưới sự chủ trì của TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng. Các khách mời tham gia tọa đàm có nhà sử học, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Thế giới Mai Hữu Tín, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam Nguyễn Quốc Kỳ và Chủ tịch HĐQT NutiFood Trần Thanh Hải.
Ẩm thực VN hoàn toàn có đủ tiềm năng cạnh tranh quốc tế
Mở đầu tọa đàm, TS Trần Du Lịch cho rằng quá trình hội nhập và cạnh tranh có 3 giác độ là cạnh tranh quốc gia, cạnh tranh doanh nghiệp và cạnh tranh sản phẩm. Sản phẩm gắn với thương hiệu còn thương hiệu gắn với quốc gia. Việt Nam đã đến lúc phát huy thế mạnh của văn hóa Việt, sản phẩm gắn với văn hóa, để đưa đất nước trong quá trình hội nhập của các thương hiệu quốc gia.
Đồng tình với ý kiến này, ông Mai Hữu Tín, người đã có cơ hội đi đến rất nhiều quốc gia, cũng khẳng định văn hóa ẩm thực VN có thể nằm trong 10 nền văn hóa ẩm thực hàng đầu thế giới, hoàn toàn có khả năng so sánh với bất kỳ nền văn hóa ẩm thực nào như Pháp, Ý, Nhật,... Theo ông Tín, có được vị thế đó, trước hết là ở sự đa dạng của ẩm thực VN, thứ hai là cách thức chế biến món ăn rất phù hợp với sức khỏe, phù hợp xu hướng sống vì sức khỏe hiện nay.
Tuy vậy, để quảng bá được văn hóa ẩm thực VN ra thế giới là một câu chuyện đầy cam go và thách thức. Theo ông Dương Trung Quốc, trong ẩm thực VN có 2 đặc trưng là trà và cà phê. Cà phê đến với chúng ta 2 thế kỷ theo chân những nhà truyền đạo, nhưng VN dừng lại ở xuất khẩu thô, còn chính các nước chế biến tinh thì lại nổi tiếng về thương hiệu cà phê. Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi tâm thế là người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, hàng VN chinh phục được thị trường VN.
Nỗ lực từ nhiều phía
Nhưng làm sao để hàng Việt chinh phục được thị trường Việt rồi đến với bạn bè quốc tế như một phần không thể không nhắc tới gắn với VN, đặc biệt là các sản phẩm văn hóa ẩm thực có thế mạnh nội tại rất tốt. Ông Nguyễn Quốc Kỳ chia sẻ con số của Bộ Kế hoạch và Đầu tư một cách đầy trăn trở. Theo đó, VN hiện có 540.000 nhà hàng ăn uống với 430.000 nhà hàng nhỏ và trên 7.000 nhà hàng thức ăn nhanh, 22.000 cửa hàng cà phê và quầy bar trong đó có 80.000 nhà hàng được đầu tư bài bản và con số này đang có xu hướng lớn hơn. Nhà hàng VN có trên 110 nước trên thế giới, với khoảng trên 170.000 nhà hàng. Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực VN đặt mục tiêu làm sao để duy trì và phát triển văn hóa ẩm thực VN, trước hết là ở các hệ thống nhà hàng quán ăn nói trên. Hiệp hội đặt ra 2 yếu tố cần tập trung là con người chế biến và nguyên liệu chế biến. Con người đang được đào tạo còn nguyên liệu đang được đưa vào những quy chuẩn nhất định.
Với bản thân mình, ông Trần Thanh Hải thấy quốc tế đã công nhận cà phê sữa đá Việt là thức uống đặc sắc và ngon, ai đến VN cũng nên thử, thế nên NutiFood mày mò “đóng gói” cà phê sữa đá vào gói cà phê hòa tan 3 trong 1, một nỗ lực đưa một phần văn hóa ẩm thực Việt ra thế giới. Mà có sản phẩm ngon còn phải làm sao để quảng bá, vậy mới có liên kết giữa NutiFood - Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực VN - Liên đoàn Vovinam Thế giới. Liên kết 3 gọng kìm giữa doanh nghiệp, hiệp hội và liên đoàn sẽ cùng nhau lan tỏa văn hóa ẩm thực, trước hết là những gói cà phê nho nhỏ mang hương vị không lẫn vào đâu được của người Việt.