Phải làm người mua tin hàng Việt
Trước những biến động của thị trường cũng như tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn còn khó kiểm soát, người tiêu dùng ngày càng quan tâm tới thông tin, nguồn gốc và độ an toàn của sản phẩm.
Do đó, để nâng cao lòng tin, tạo ra những ấn tượng tốt với người tiêu dùng, ngoài việc đảm bảo, nâng cao chất lượng, các mặt hàng, sản phẩm của Việt Nam cần có thêm những đổi mới, chú trọng minh bạch về thông tin, xuất xứ…
* Trưng bày hàng Việt còn “lép vế”
Theo kết quả khảo sát về cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trên địa bàn tỉnh năm 2018 của Ban Chỉ đạo cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tỉnh (Ban Chỉ đạo 264 tỉnh), có 40,5% ý kiến cho rằng khó khăn trong việc tìm kiếm hoặc mua sản phẩm của Việt Nam là ít có cửa hàng bán; 38,6% cho rằng các sản phẩm, hàng hóa do doanh nghiệp trong nước sản xuất còn khó tìm thông tin về sản phẩm và 20,9% ý kiến cho rằng sản phẩm Việt còn trưng bày ở chỗ khuất…
Chị Thu Hiền (phường Tân Phong, TP.Biên Hòa) chia sẻ, ở một số chợ, siêu thị, trung tâm mua sắm thì các khu vực trưng bày hàng Việt khá tốt. Ở những cửa hàng nhỏ, cửa hàng tạp hóa thì cách bố trí, sắp xếp hàng Việt vẫn chưa nổi bật so với hàng ngoại nhập cùng loại, nhất là một số sản phẩm như: sữa, mỹ phẩm, thực phẩm, nước giải khát… “Một số loại trái cây trong nước và trái cây nhập khẩu cũng còn nhập nhằng, chưa rõ ràng về thông tin nguồn gốc xuất xứ nên tôi thường mua theo cảm tính hoặc theo lời tư vấn của người bán hàng là chính” - chị Hiền chia sẻ thêm.
Một số ý kiến của người tiêu dùng khác cho rằng nhiều cửa hàng tạp hóa còn bố trí hàng Việt khá lộn xộn, lẫn với hàng ngoại, hàng không rõ nguồn gốc… Trong khi đó, theo quan sát tại các siêu thị, trung tâm mua sắm, việc bố trí sản phẩm chủ yếu vẫn theo các nhóm ngành hàng, sản phẩm. Trong đó, hàng Việt và hàng ngoại cùng loại thường bố trí gần nhau, trong cùng khu vực. Những gian hàng bố trí chuyên về hàng Việt thường là những gian hàng thời vụ, hoặc theo các chương trình ưu đãi, khuyến mại…
Ông Phạm Phước Lộc, Phó giám đốc Co.opmart Biên Hòa cho biết, hiện cách bố trí các sản phẩm tại Co.opmart Biên Hòa vẫn chủ yếu theo các nhóm hàng tiêu dùng. Riêng đối với hàng Việt sẽ được trưng bày ở nơi dễ thấy, vừa tầm mắt hơn so với các sản phẩm cùng loại ngoại nhập. Bên cạnh đó, lượng hàng Việt luôn chiếm tỷ lệ lớn tại các gian hàng.
* Cần thông tin rõ ràng hơn
Cũng theo kết quả khảo sát về cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trên địa bàn tỉnh năm 2018, các nhóm sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước được nhiều người ưa chuộng gồm: đồ gia dụng, thực phẩm, rau quả, sản phẩm dệt may; sản phẩm điện tử, điện lạnh; văn phòng phẩm, rượu bia, nước giải khát…
Đối với việc thông tin về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong nước, 68% người được khảo sát cho rằng những thông tin chất lượng sản phẩm, hàng hóa do doanh nghiệp trong nước sản xuất ở mức tương đối, trong khi đó có 11,6% cho rằng việc thông tin này chưa đầy đủ.
Nhiều người tiêu dùng mong muốn các sản phẩm Việt cần minh bạch thông tin về nguồn gốc xuất xứ, thành phần sản phẩm, hàm lượng dưỡng chất... nhất là trong bối cảnh tình trạng hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn khó kiểm soát trên thị trường như hiện nay.
Chị Nguyễn Thị Phương (phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) cho biết, hiện nay một số mặt hàng cung cấp những thông tin mang tính chất quảng cáo thái quá, trong khi những thông tin mang tính tin cậy về nguồn gốc, chất lượng, hạn sử dụng lại có phần mập mờ, gây khó khăn cho người tiêu dùng. Chị thường lựa chọn các sản phẩm ghi rõ nhãn mác, xuất xứ, có các chứng nhận kèm theo, nhất là đối với các loại mỹ phẩm, thực phẩm chức năng…
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Huỳnh Văn Tới, Trưởng ban Chỉ đạo 264 tỉnh cho biết, qua các cuộc khảo sát về hàng Việt gần đây, phần lớn người tiêu dùng quan tâm đến chất lượng sản phẩm, giá cả hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ, độ an toàn của sản phẩm đến sức khỏe của người tiêu dùng… Bên cạnh đó, còn có các yếu tố về thương hiệu, hình thức, mẫu mã sản phẩm; các chương trình khuyến mại, dịch vụ bảo hành; mức độ quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng...