Phát triển hàng Việt Nam tại thị trường nội địa

 Sau 10 năm triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hàng hóa nội địa đã được người tiêu dùng (NTD) ưu tiên lựa chọn; đồng thời tạo động lực lớn cho các doanh nghiệp (DN) nâng cao chất lượng sản phẩm.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới, sức ép và sự cạnh tranh trên thị trường nội địa ngày càng quyết liệt hơn, điều này đòi hỏi sự linh hoạt hơn nữa của DN và cơ quan quản lý.

Hàng Việt được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn

Theo số liệu của Bộ Công Thương, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ của nước ta liên tục tăng trưởng trong những năm gần đây với mức tăng trưởng khoảng 10% mỗi năm (đặc biệt năm 2018 đạt 11,7%). Năm 2018, tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước luôn duy trì ở mức cao, từ 80% đến 95%. Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ hơn 60%. Cùng với sự phát triển của hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các điểm bán hàng bình ổn thị trường đã đưa hàng Việt Nam tiếp cận NTD ngày càng nhiều.

Theo ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam: Cuộc vận động đã tạo ra hiệu ứng rất tích cực cho NTD ưu tiên tìm kiếm hàng Việt Nam. Tuy nhiên, hàng Việt Nam vẫn gặp phải nhiều khó khăn, thách thức. Áp lực cạnh tranh ngay trên thị trường trong nước với hàng hóa nhập ngoại và hàng hóa do các DN FDI sản xuất, trong đó chủ yếu là khối DN nhỏ và vừa. Các hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ của Việt Nam còn hạn chế về vốn, thương hiệu, chưa có khả năng bảo vệ mình trước những vi phạm về thương mại. Một số hàng Việt Nam chưa đủ năng lực cạnh tranh về chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm, dịch vụ hậu mãi... Một số DN Việt còn gian lận thương mại, sản xuất hàng giả gây mất uy tín hàng hóa thương hiệu Việt. Hạ tầng thương mại chậm phát triển, đặc biệt là các chợ chưa hỗ trợ cho sự phát triển, phân phối hàng Việt Nam. Chợ chưa thực sự là đầu ra cho các DN Việt Nam. Kết nối cung cầu giữa các chủ thể về sản xuất, kinh doanh chưa mạnh, nhất là kết nối hàng hóa của các DN vừa và nhỏ; sản phẩm, dịch vụ của các DN, hợp tác xã, hộ nông dân, tại khu vực nông thôn và hệ thống phân phối hiện đại còn khó khăn.

Đa dạng hóa các kênh phân phối

Trên thực tế, để kích cầu tiêu thụ các sản phẩm “made in Vietnam” tại thị trường nội địa cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN Việt Nam và hàng Việt Nam thông qua các khóa đào tạo, tư vấn kỹ năng cho DN, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ để NTD Việt Nam tự hào sử dụng hàng Việt. Theo Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh: Các doanh nghiệp cần nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm trong việc nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa dịch vụ, thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi NTD, xây dựng thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm hàng hóa... 

Bên cạnh đó, hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định và bền vững cũng được chú trọng phát triển với đa dạng hóa các kênh phân phối, xây dựng cơ sở dữ liệu, nhất là việc cập nhật mạng lưới phân phối hàng Việt trên cả nước. Góp ý vấn đề này, ông Lê Tiến Trường cho rằng: “Tiềm lực thị trường nội địa của nước ta muốn phát triển hơn nữa phải mở rộng kênh phân phối. Trước đây ta tập trung vào các đô thị, thị trấn thì nay phải tiếp tục lan tỏa đến khu vực nông thôn. Mặt khác, việc thiết kế những sản phẩm phù hợp với khu vực mà có số lượng dân cư đông, sức tiêu thụ cao cũng cần được chú trọng hơn”.

Phó tổng giám đốc Tập đoàn Big C Việt Nam, Tập đoàn Central Group Việt Nam bà Nguyễn Thị Phương chia sẻ: "Big C đã có nhiều chương trình hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, quảng bá giá trị nông sản Việt Nam. Điển hình như các chương trình Tuần hàng nông đặc sản Việt Nam; thu mua hàng hóa từ các hộ nông dân, hợp tác xã với chiết khấu 0%; đồng hành cùng DN vừa và nhỏ. Qua những chương trình như vậy, một số sản phẩm Việt đã lọt vào danh sách những sản phẩm bán chạy nhất trong hệ thống siêu thị Big C".

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, sức ép và sự cạnh tranh trên thị trường nội địa sẽ ngày càng quyết liệt hơn. Do vậy, để triển khai hiệu quả cuộc vận động, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung vào các giải pháp xúc tiến thương mại trong nước; lành mạnh hóa mạng lưới phân phối; ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn hàng hóa phù hợp với cam kết quốc tế nhằm từng bước kiểm soát nhập khẩu và trật tự thị trường. Cùng với đó, phát triển đa dạng các loại hình DN trong phân phối, lưu thông, khuyến khích DN, hợp tác xã thương mại, hộ kinh doanh đổi mới phương thức hoạt động theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp; tăng cường phát triển hệ thống phân phối trong nước, khuyến khích đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực phân phối có khả năng kết nối với DN. Cùng với đó, khuyến khích thành lập các hiệp hội bán buôn, bán lẻ tại các vùng miền và theo mặt hàng; khuyến khích các DN, hợp tác xã, hộ gia đình liên kết hình thành mạng lưới kinh doanh dịch vụ thương mại, tạo thành các chuỗi giá trị hàng hóa thương hiệu Việt.

Bình luận của bạn