Phát triển sâm Ngọc Linh ở Quảng Nam:Cú hích thoát khỏi đói nghèo, vươn lên làm giàu

Tỉnh nghèo Quảng Nam đã có những bước đi vững chắc: đầu tư cơ sở hạ tầng, điện lưới, giao thông, hệ thống thông tin liên lạc và trồng rừng... để phát triển hàng ngàn hecta sâm Ngọc Linh. Điều còn lại là tỉnh cần có cú hích mạnh mẽ hơn ở tầm quốc gia để cây sâm quý này cạnh tranh được với các loài nhân sâm khác của thế giới và phát triển bền vững.

Từ những hộ trồng sâm thành tỉ phú

Mười năm về trước  tại xã Trà Linh, Trà Cang, Trà Nam, hàng nghìn hộ đồng bào người Xê Đăng thấy sâm Ngọc Linh là cây thuốc quý, họ âm thầm lặng lẽ (vì nó là cây thuốc giấu)  tìm vùng rừng nguyên sinh có lớp đất mùn dày tơi xốp thích hợp, di thực sâm hoang dã về trồng tạo thành những vườn rừng sâm. Hộ trồng ít có khoảng 1 sào tương đương 500m2, có hộ trồng nhiều  tạo khu vườn rừng rộng từ 3 - 5 ha, như: ông Hồ Văn Du, ông Hồ Văn Quang, anh Nguyễn Thanh Lượng, anh Đinh Văn Dúi... Hằng năm  họ tự  gieo ươm rồi trồng cứ thế vườn rừng sâm phát triển. Lúc đó giá sâm củ tươi giá 8 - 10 triệu /1kg. Thế là nhiều hộ trồng sâm nơi này có đời sống tốt hơn những người khác, họ làm được nhà ở  kiên cố, sắm được các phương tiện nghe nhìn, nâng cao đời sống tinh thần. Hiện nay, sâm Ngọc Linh được các nhà khoa học phân tích về các hoạt chất quý của nó không thua kém, nếu không nói là còn hơn, các loại sâm quý trên thế giới: sâm Cao Ly, sâm Hàn Quốc, sâm Mỹ…, sử dụng nhiều cho việc bồi bổ sức khỏe và chăm sóc sắc đẹp nên không đủ cung cấp cho thị trường. Giá sâm củ tăng nhanh, hiện tại sâm củ tươi dao động từ 30 - 50 triệu đồng /1kg tùy theo chất lượng củ. Nhiều hộ nơi này trở thành triệu phú, tỉ phú có tổng tài sản từ vườn  sâm từ 1 tỉ  đến hàng trăm tỉ đồng. Thấy cây sâm Ngọc Linh là cây siêu lợi nhuận thoát nghèo và làm giàu nhanh, nên nhiều hộ đồng bào Xê Đăng, Ca Dong của Nam Trà My và huyện TuMơ Rông của tỉnh Kon Tum cũng vay vốn đầu tư trồng sâm, tạo nên nhiều vườn rừng sâm nằm sâu dưới tán rừng già. Hiện tại vườn sâm giống gốc Tắc Ngo của huyện Nam Trà My và vườn sâm giống Trà Linh của tỉnh Quảng Nam và vườn sâm Ngọc Linh của tỉnh Kom Tum và các vườn sâm của nhân dân cũng mới xấp xỉ 100ha, lọt thỏm giữa những khu rừng nguyên sinh bạt ngàn.

alt

Đoàn công tác huyện Nam Trà My thăm vườn sâm Ngọc Linh.

Như vậy, “cây thuốc giấu” huyền thoại được đồng bào thượng dùng để chữa bệnh nay đã lộ diện là sản phẩm đặc biệt chỉ có ở vùng Kon Tum, Quảng Nam, một thứ dược liệu quý giúp người dân thoát nghèo.

Đến tầm nhìn chiến lược để vươn lên

Năm 2015, huyện Nam Trà My và  UBND tỉnh Quảng Nam đều đặt ví trí cây sâm Ngọc Linh vào vị trí chủ lực trong các loại cây trồng cần được đầu tư kinh phí lớn từ nay đến năm 2030. Huyện Nam Trà My thông qua  “Đề án xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sâm Ngọc Linh”; xúc tiến làm mới tất cả tuyến đường xương cá, đường  nhánh ở các vùng trồng sâm trọng điểm ở các xã Trà Linh, Trà Nam, Trà Cang có tổng chiều dài hơn 110km bằng bê tông, kéo điện lưới quốc gia và hệ thống viễn thông đến nơi này. Tổng  nguồn vốn thực hiện cho việc đầu tư này khoảng 1.275 tỉ đồng. Tiếp đến, UBND tỉnh Quảng Nam cũng dành hơn 3.100 tỉ đồng xây dựng quy hoạch  gần 19.000ha rừng có độ cao từ 1.500m đến 2.300m, có độ che phủ lớn và độ ẩm  phù hợp điều kiện sinh thái của cây sâm ở 7 xã vùng cao huyện Nam Trà My thành vùng trồng sâm nguyên liệu. Mới đây, tỉnh Quảng Nam thông qua nghị quyết “Về cho thuê môi trường rừng để trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn Quảng Nam”. Theo đó, các tổ chức kinh tế  trong nước, các nhóm hộ nhân dân đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định có nhu cầu trồng và phát triển sâm Ngọc Linh đều được phép thuê. Thời gian thuê môi trường rừng là 25 năm mức giá là 200.000đồng /1ha/1 năm, thu một lần cho cả 25 năm. Từ giá trị cây sâm Ngọc Linh được  chứng minh trong thực tiển, cộng với những cơ chế chính sách mới thông thoáng của huyện và  tỉnh Quảng Nam, nên đến thời điểm này, cây sâm  Ngọc Linh đã lọt vào tầm ngắm đầu tư dài hạn của các nhà doanh nghiệp và trong suy nghĩ, hành động của người dân. Trong những ngày gần đây đã có hàng chục nhà doanh nghiệp lên tận sườn núi Ngọc Linh tìm hiểu và xin thuê môi trường rừng đầu tư trồng sâm. Có những  doanh nghiệp lớn xin thuê đến cả  nghìn ha trồng sâm và sẵn sàng xây dựng nhà máy tại Nam Trà My để chế biến thành phẩm từ sâm.

Tuy nhiên, với họ những nỗ lực của huyện Nam Trà My của tỉnh Quảng Nam  chỉ mới tạo cú hích làm  cơ sở xây dựng vùng nguyên liệu sâm Ngọc Linh quy mô lớn. Nhưng để biến những củ sâm thô thành sản phẩm cao cấp, tăng chuỗi giá trị tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ra thế giới cạnh tranh với những sản phẩm sâm Nhật Bản, sâm Mỹ, sâm Hàn Quốc…  rất cần có sự vào cuộc của các bộ ngành liên quan ở trung ương, rất cần có tầm nhìn chiến lược phát triển cấp Quốc gia  để giải quyết đầu ra  cho sản phẩm, tránh tình trạng được mùa rớt giá như các mặt hàng nông sản khác.

Chính vì vậy, lúc này đây hàng triệu người dân tộc thiểu số Xê Đăng, Ca Dong sống trên sườn núi Ngọc Linh thuộc hai tỉnh Quảng Nam và tỉnh Kom Tum và các doanh nhân đang háo hức và rất trông ngóng “Đề án Quốc gia về cây sâm Ngọc Linh” sớm được Chính phủ phê duyệt,  để giấc mơ về đời sống khá giả của hàng triệu đồng bào dân tộc thiểu số, giấc mơ về vùng đất nằm trên sườn núi Ngọc Linh có cây sâm đặc hữu qúy hiếm bậc nhất của Việt Nam và thế giới phát triển nhanh bền vững sớm thành hiện thực.

Trên hết, khi dự án trở thành hiện thực, nó là đòn bẩy kinh tế cực lớn, giúp tỉnh Quảng Nam phát triển về kinh tế, kéo theo là sự phát triển về văn hóa, giáo dục và ổn định xã hội.

Sâm Ngọc Linh củ tươi dao động từ 30 - 50 triệu đồng /1kg tùy theo chất lượng.

Nguồn: Báo Sức khỏe và Đời sống

Bình luận của bạn