Phủ sóng hàng Việt ở Campuchia
Đưa hàng Việt vào thị trường Campuchia đang là một hướng đi mang lại nhiều lợi ích cho thương mại 2 nước. Tuy nhiên, để bám sâu vào thị trường này, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam cần phải kiên trì quảng bá thương hiệu và nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ.
Nhiều tiềm năng
Những năm gần đây, Campuchia được đánh giá là một trong những thị trường tiềm năng cho hoạt động đầu tư và xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Bởi lẽ, phần lớn hàng hóa tiêu dùng của Campuchia phải nhập khẩu và các yêu cầu về giá cả, mẫu mã, chất lượng của người tiêu dùng nước này cũng phù hợp với các dòng sản phẩm của Việt Nam.
Theo ông Vũ Thịnh Cường, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Campuchia, năm 2011, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 nước đạt 2,8 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất siêu khoảng 2 tỷ USD. Những tháng đầu năm 2012, Việt Nam cũng đã tăng cường quan hệ thương mại với Campuchia và dự kiến kim ngạch xuất khẩu cả năm 2012 sang thị trường này sẽ đạt khoảng 3,5 tỷ USD và có nhiều tiềm năng cho hàng tiêu dùng phát triển.
Theo đại diện Công ty Sữa Ba Vì, đầu năm nay, đơn vị này đã tiến hành thử nghiệm đưa hàng vào siêu thị Vinamart chuyên bán hàng Việt tại Campuchia. Kết quả thu được khiến Công ty Sữa Ba Vì phải tăng tốc đưa hàng với số lượng lớn vào thị trường này vì hàng bán rất chạy.
Ông Tăng Quang Trọng, Giám đốc Kinh doanh khu vực Đông Dương của CTCP Nhựa Đại Đồng Tiến, cho biết nhu cầu tiêu thụ hàng tiêu dùng ở Campuchia rất lớn và nhiều mặt hàng của Việt Nam đã chiếm được ưu thế, riêng nhóm hàng nhựa gia dụng, sản phẩm của Việt Nam đã vượt mặt hàng Thái Lan, chiếm giữ 80% thị phần. Trong năm 2011, doanh thu của Đại Đồng Tiến tại thị trường này đạt đến 20 tỷ đồng. Với đà tăng trưởng đó, Đại Đồng Tiến đã tiến đến xây dựng tổng kho tại Campuchia để có thể phủ sóng mạnh hơn.
Với sự tăng trưởng không ngừng của hàng tiêu dùng Việt, thị trường Campuchia đang mở ra nhiều cơ hội kinh doanh cho các nhà bán lẻ Việt Nam. Cuối năm 2010, siêu thị Việt Nam đầu tiên tại Campuchia đã đi vào hoạt động, do Công ty Z38, thành viên của Hội DN Việt Nam tại Campuchia, đầu tư với tổng vốn hơn 3 triệu USD. Siêu thị này đã giúp hàng Việt mở rộng thêm cơ hội tiếp cận với người tiêu dùng.
Để thiết lập thêm kênh phân phối hàng Việt tại thị trường này, Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM (Saigon Co.op) đã đưa vào hoạt động trung tâm thương mại tại thủ đô Phnôm Pênh. Theo bà Nguyễn Thị Hạnh, Tổng giám đốc Saigon Co.op, mô hình bán lẻ hiện đại tại Campuchia vẫn còn rất ít, do đó các nhà bán lẻ còn nhiều dư địa để khai thác.
Tuy nhiên khi xây dựng hệ thống bán lẻ, các DN nên liên kết với một công ty tại Campuchia để được hỗ trợ thêm. Hiện các nhà sản xuất như CTCP Saigon Food, Công ty Vissan đang đẩy mạnh xúc tiến bán hàng, thành lập các văn phòng đại diện và mở đại lý bán lẻ ở các tỉnh, thành để phục vụ người tiêu dùng Campuchia. Công ty bánh kẹo ABC sau một thời gian ngắn gia nhập thị trường cũng đã mở 4 cửa hàng, doanh số mỗi năm tăng khoảng 40% và đang lên kế hoạch mở thêm 10 cửa hàng nữa để đi sâu vào các vùng dân cư.
Cần bài bản
Mặc dù là một thị trường dễ tính, song các DN đi trước cũng khuyến cáo muốn thành công khi bán hàng ở đây cần có sự kiên trì, nhẫn nại. Dù đã có mặt tại thị trường này khá lâu, mở nhiều đại lý tại một số tỉnh, doanh thu tăng đều nhưng hàng năm, CTCP Mỹ phẩm Sài Gòn vẫn phải đều đặn đăng ký tham gia các chương trình hội chợ quảng bá thương hiệu để hỗ trợ các kênh phân phối tại Campuchia.
Bởi hàng Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản cũng có mặt và cạnh tranh gay gắt, nếu không làm thương hiệu tốt, sản phẩm có thể bị loại khỏi thị trường. Ông Đoàn Xuân Nghị, Trưởng Văn phòng đại diện của CTCP Thiên Long tại Campuchia, chia sẻ để đạt được doanh thu khoảng 1 triệu USD/năm như hiện nay, Thiên Long đã phải kiên trì tham gia quảng bá sản phẩm suốt 9 năm ròng.
Người tiêu dùng Campuchia tuy dễ tính nhưng không phải hàng gì cũng mua. Nếu công ty nào làm ăn thiếu bài bản, mang tâm lý bán xả hàng hoặc xem thường người mua sẽ khó trụ được lâu.
Theo đánh giá chung của các DN, hiện nay, hoạt động thương mại giữa 2 nước đang diễn ra hết sức sôi động, các DN đã chuyển từ thương mại thuần túy mua bán sang liên kết, liên doanh để đưa hàng vào thị trường này.
Hơn nữa, Campuchia cho phép các DN nước ngoài được thành lập công ty, chi nhánh, trung tâm thương mại, siêu thị, đại lý với quyền lợi và nghĩa vụ hoạt động tương đương với DN trong nước. Đây là một điều kiện rất thuận lợi cho DN Việt Nam. Lượng hàng hóa từ Việt Nam sang Campuchia đang ngày càng phong phú, đa chủng loại, chất lượng và giá cả hợp lý.
Tại nhiều phiên hội chợ, hàng Việt chỉ trưng bày khoảng 3 giờ đã “cháy hàng”, phải gấp rút gọi nguồn hàng chi viện thêm vì mức tiêu thụ cao ngoài mong đợi. Tuy nhiên, các DN cần hết sức lưu ý vì Campuchia là một thị trường mở, hàng hóa các nước dễ dàng thâm nhập nên tính cạnh tranh rất cao. Do vậy, DN cần đẩy mạnh đầu tư chuyên nghiệp và bài bản, nắm bắt thị hiếu, thay đổi mẫu mã, bao bì, chú trọng làm thương hiệu để cạnh tranh với hàng hóa các nước khác.
VnCharm
Nguồn:
Báo Sài Gòn Đầu Tư