Phú Thọ: Hàng Việt được ưa chuộng

Sau 7 năm triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ) tại tỉnh Phú Thọ, ý thức tiêu dùng hàng hóa Việt trên địa bàn đã lan tỏa rộng rãi từ người dân đến các doanh nghiệp (DN).

Là DN sản xuất xi măng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, để chiếm lĩnh được lòng tin của người tiêu dùng, thời gian qua, Công ty Cổ phần Xi măng Sông Thao đã nỗ lực nâng cao năng suất, cải tiến kỹ thuật, nâng dần chất lượng các sản phẩm xi măng. Cùng với việc củng cố và mở rộng hệ thống bán hàng, chú trọng triển khai chăm sóc khách hàng, kết quả sản xuất, kinh doanh của công ty tiếp tục có sự tăng trưởng ổn định với mức 20% trong năm qua. Hiện, xi măng Sông Thao đang chiếm 70% thị phần trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Song song với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, một trong những định hướng sản xuất hàng đầu của công ty là ưu tiên sử dụng nguyên vật liệu có xuất xứ trong nước. Chỉ tính riêng năm 2016, tỷ lệ sử dụng hàng Việt Nam trong mua sắm trang thiết bị, nguyên nhiên vật liệu của công ty là 91,14%; tỷ lệ sử dụng hàng Việt Nam trong mua sắm văn phòng phẩm, các vật dụng văn phòng chiếm 80%. Đánh giá của Ban giám đốc công ty cho thấy, nguyên nhiên vật liệu sản xuất trong nước có chất lượng tốt, giá phải chăng, chi phí vận chuyển thấp, phù hợp để sản xuất các sản phẩm của công ty.

Không chỉ riêng tại Công ty Cổ phần Xi măng Sông Thao, sau 7 năm triển khai, CVĐ đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ trong ý thức sử dụng hàng hóa Việt của người tiêu dùng và DN trên toàn tỉnh. Với sự vào cuộc tích cực của Ban Chỉ đạo CVĐ tỉnh Phú Thọ, các ngành, đoàn thể, nhiều hoạt động quảng bá cho hàng Việt đã được triển khai. Tất cả các tổ chức như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh… đến các cơ quan truyền thông đã có nhiều hoạt động để quảng bá hàng Việt đến người tiêu dùng. Bên cạnh tập trung vào các bản tin, bài báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, nội dung CVĐ còn được tuyên truyền mạnh mẽ thông qua các buổi sinh hoạt tập thể, phiên chợ hàng Việt, các chuyến bán hàng lưu động, đưa hàng Việt về nông thôn…

Đặc biệt, để người dân có địa chỉ mua sắm các sản phẩm hàng Việt chính hãng và có chất lượng, năm 2016, một số Điểm bán hàng Việt Nam cố định đã được mở tại tỉnh. Đáng lưu ý, các điểm bán này được mở rộng về khu vực nông thôn, miền núi của các huyện Thanh Sơn, Phù Ninh, Lâm Thao, Thanh Ba… Bên cạnh các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, nhiều sản phẩm rau, quả, thực phẩm… sản xuất tại các hợp tác xã của địa phương cũng được đưa vào bày bán nhằm cung cấp nguồn thực phẩm sạch đến tay người tiêu dùng. Ý thức tiêu dùng cải thiện đã giúp hàng hóa Việt chiếm tỷ lệ lớn từ hệ thống bán lẻ hiện đại như siêu thị đến các chợ khu vực nông thôn với khoảng 60 – 80%.

Ông Trần Phù Tiêu - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Trưởng ban đạo CVĐ tỉnh - cho hay, CVĐ đã đạt được kết quả đáng ghi nhận khi làm thay đổi căn bản nhận thức và hành động của người tiêu dùng đối với việc sử dụng hàng Việt Nam trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, để tiếp tục duy trì kết quả, các đơn vị, DN trên địa bàn cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; nâng cao ý thức sử dụng hàng Việt trong hoạt động sản xuất; nâng tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu đầu vào và sử dụng thường xuyên hàng Việt trong chuỗi sản xuất...

Bình luận của bạn