Phú Yên: Hàng Việt tiếp tục khẳng định ưu thế
Hiện nay, hàng Việt Nam đã tạo uy tín và luôn là sự lựa chọn của người tiêu dùng mỗi khi mua sắm. Tuy nhiên, để hàng Việt tiếp tục chiếm ưu thế trên thị trường, ngoài sự nỗ lực của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần có sự hỗ trợ của các ngành, địa phương.
Hàng Việt tràn ngập thị trường
Hơn 1 năm nay, cửa hàng tạp hóa Ưng Xanh (chợ Tuy Hòa) được người tiêu dùng biết đến vì chuyên bán hàng Việt Nam. Hầu hết những ai muốn mua hàng Việt ở chợ Tuy Hòa thường ghé vào cửa hàng này để chọn được sản phẩm do doanh nghiệp trong nước sản xuất. Theo bà Phạm Thị Thu Ưng, chủ cửa hàng này, trước đây, bà vừa bán hàng ngoại lẫn hàng Việt nhưng khi thấy nhiều người mua hàng Việt nên bà chuyển sang bày bán hàng Việt. Cửa hàng bà được cơ quan chức năng hỗ trợ tuyên truyền, trang trí thành điểm bán hàng Việt chuyên biệt nên có rất đông người mua. Hiện cửa tiệm bán được rất nhiều hàng, nếu tính lượng hàng bán lẻ thì tăng trên 15%, còn bán sỉ cho các điểm bán ở miền núi thì tăng 50%. Còn bà Phạm Thị Hằng Vy, chủ Siêu thị V’Mart (đường Hùng Vương, TP Tuy Hòa), cho biết: Những ngày đầu khai trương, hàng Việt được giới thiệu tại siêu thị khoảng 70%. Ngoài hàng chế biến sẵn, chúng tôi cũng tập trung nhiều rau, củ, thịt tươi sống… theo đúng tiêu chuẩn hàng sạch. Doanh thu bán hàng Việt trong 1 tháng tại siêu thị đạt 1 tỉ đồng, đặc biệt là trong dịp tết vừa qua, lượng hàng Việt tiêu thụ rất mạnh. Do đó, tôi đang tính đến việc tăng lượng hàng; đồng thời tiếp tục quảng bá, giới thiệu hàng Việt cho người dân.
Theo nhiều người, hàng Việt ngày càng tạo niềm tin đối với người tiêu dùng bởi chất lượng tốt. Ông Lương Văn Thịnh ở xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa, bày tỏ: Lâu nay, hàng Việt Nam được quảng bá rất nhiều. Tôi cũng thường lựa chọn hàng Việt. Cũng thời điểm này năm ngoái, tôi mua 1 chiếc đèn pin do một công ty trong nước sản xuất có giá 85.000 đồng ở chợ Tuy Hòa và sử dụng cho đến nay. Trước đây, gia đình tôi thường mua các loại hàng gia dụng của Trung Quốc và những sản phẩm này rất mau hỏng. Đầu năm ngoái, tôi mua 1 quạt máy do Việt Nam sản xuất có mẫu mã đẹp, giá cả cũng rất phải chăng và sử dụng ổn định suốt thời gian qua. Tôi thấy hàng Việt Nam, đặc biệt là hàng gia dụng và điện tử… đều dùng rất tốt, bền. Theo tôi, chỉ cần các doanh nghiệp cải tiến về mẫu mã và hạ thêm giá thành thì mức tiêu thụ sẽ tăng. Chúng tôi cũng không cần mua hàng ngoại.
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo cuộc vận động tỉnh, từ khi triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đến nay, nhiều chủng loại hàng Việt Nam được bày bán ở các điểm bán và chợ truyền thống, chiếm gần 90%. Các mặt hàng đã có thương hiệu, chất lượng cao như hàng công nghiệp, thủ công mỹ nghệ, may mặc, giày da, thực phẩm, sản phẩm làng nghề truyền thống, đặc trưng vùng miền… luôn chiếm số lượng lớn và được người tiêu dùng quan tâm. Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, thành viên Ban chỉ đạo cuộc vận động tỉnh, cho biết: Đơn vị đã tổ chức điều tra dư luận xã hội với nội dung liên quan đến cuộc vận động này. Kết quả, trên 80% phiếu đánh giá là quan tâm đến cuộc vận động, nhất là khu vực nông thôn, miền núi. Xu hướng lựa chọn hàng Việt chất lượng cao chiếm 68%, 60% người tiêu dùng cho rằng hàng Việt đã thay thế hàng ngoại.
Người tiêu dùng chọn lựa hàng Việt Nam tại Siêu thị Gmart (Sông Hinh) - Ảnh: VÕ PHÊ |
Doanh nghiệp cần được hỗ trợ
Cũng theo Ban chỉ đạo cuộc vận động tỉnh, hiện nay, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã tập trung đầu tư mới dây chuyền sản xuất, nâng cấp thiết bị máy móc, nhà xưởng, chất lượng hàng hóa. Bà Lê Thị Nhuận, một hộ làm bánh tráng ở làng nghề bánh tráng Long Bình (thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân), cho biết: Gia đình tôi làm bánh tráng thủ công nên sản phẩm làm ra không bắt mắt. Mới đây, làng nghề được ngành chức năng hỗ trợ chi phí để ứng dụng máy móc hiện đại vào sản xuất. Bánh tráng làm bằng máy đạt hiệu quả hơn nhiều, sản phẩm đẹp, chất lượng và được tiêu thụ nhiều hơn trước đây. Với đà này, nhiều hộ làm bánh tráng ở làng nghề sẽ đầu tư thiết bị để phát triển sản xuất.
Bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết: Hiện nhiều doanh nghiệp thiếu kinh nghiệm, kỹ năng bán hàng, quảng bá sản phẩm nên hiệu quả xúc tiến thương mại chưa cao. Thời gian qua, sở đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất, bao bì, nhãn mác, đào tạo nghề cho lao động, kết nối cung cầu hàng hóa, đưa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ… với tổng kinh phí trên 1,1 tỉ đồng (kinh phí khuyến công địa phương). Đơn vị đã xây dựng được điểm bán hàng Việt Nam cố định ở các địa phương và tiếp tục đẩy mạnh công tác này. Ngoài Siêu thị Co.opMart Tuy Hòa - điểm phân phối 95% hàng Việt Nam, chúng tôi đang hướng đến hỗ trợ các cửa hàng tiện lợi để họ có điều kiện giới thiệu hàng Việt đến người dân. Sở Công thương sẽ cố gắng vận động, khuyến khích các doanh nghiệp, cửa hàng xây dựng điểm bán hàng Việt, tạo chuỗi bán hàng thực phẩm sạch, an toàn.
Theo ông Nguyễn Hồng Thái, Phó Ban chỉ đạo cuộc vận động tỉnh, để hàng Việt Nam tiếp tục là sự ưu tiên lựa chọn của người tiêu dùng, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của các ngành, địa phương như tuyên truyền, học tập kinh nghiệm sản xuất... Ban chỉ đạo đã đề nghị các ngành, hội đoàn thể tập trung công tác này, tích cực hưởng ứng tiêu dùng hàng Việt. Các sở, ngành cần tham mưu cho tỉnh ban hành một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, nâng cao công nghệ sản xuất, mở rộng phạm vi bán hàng… Doanh nghiệp, nhà sản xuất cũng phải gắn kết với người tiêu dùng để sản xuất sản phẩm đa dạng, đẹp về mẫu mã, chất lượng tốt.