Quảng Ninh: Điểm sáng lan tỏa hàng Việt
Năm 2016 và những năm sắp tới, định hướng của tỉnh Quảng Ninh là đưa Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ) vào chiều sâu bằng hàng loạt những giải pháp bảo vệ hàng hóa chính hãng, xây dựng hệ thống phân phối đến các khu vực vùng sâu, vùng xa...
Đa dạng hoạt động
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo CVĐ tỉnh Quảng Ninh, sau hơn 6 năm thực hiện CVĐ, nhiều hoạt động đã được triển khai và thu được kết quả tích cực. Cụ thể, công tác thông tin, tuyên truyền về CVĐ tiếp tục được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức phong phú. Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã in và phát 22.000 tờ tuyên truyền, khuyến cáo, cung cấp số điện thoại đường dây nóng; Báo Quảng Ninh đã đăng tải hơn 500 tin, bài phản ánh về CVĐ…
Cùng với công tác thông tin tuyên truyền, nhiều hội chợ đã được tổ chức nhằm đẩy mạnh quảng bá về CVĐ. Các hội chợ đã thực sự tạo ra sự tương tác hai chiều giữa doanh nghiệp (DN) và người dân, nhất là người dân khu vực nông thôn, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong thói quen tiêu dùng. Đơn cử như chỉ sau 5 ngày hoạt động (từ 29/1 - 2/2), hội chợ “Mỗi xã phường một sản phẩm” (OCOP) Quảng Ninh Xuân 2016 đã thu hút trên 60.200 lượt khách tới tham quan, mua sắm với tổng doanh thu trên 6,8 tỷ đồng.
Các hội chợ được tổ chức thường xuyên cũng chính là cơ hội để các DN sản xuất nắm bắt được nhu cầu của người dân, quảng bá sản phẩm. Ông Trần Thiện Danh - chủ cơ sở ép dầu nguyên chất Hải Yến (Uông Bí) - cho hay, trước đây, cơ sở tiêu thụ khoảng 6.000 lít dầu/tháng, chủ yếu tại thị trường Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Thái Bình. Thế nhưng, sau các kỳ hội chợ OCOP, sản phẩm đã được người dân trong tỉnh biết đến, lựa chọn sử dụng. Hiện, cơ sở đã đầu tư lắp đặt thêm máy ép dầu; dự trữ nguyên liệu lạc, đỗ tương, vừng; huy động nhân công... để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Nhờ sự vào cuộc của các cấp quản lý, các DN và đông đảo người dân, đến nay, hàng Việt Nam đang ngày càng chiếm lĩnh được lòng tin của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Lượng hàng hóa có nguồn gốc trong nước lưu thông trên thị trường tỉnh Quảng Ninh đang chiếm trên 60% và có sức tiêu thụ khá tốt. Có thể nói Quảng Ninh là điểm sáng trong việc phát huy các chính sách thúc đẩy lan tỏa hàng Việt.
Tiếp tục phát huy hiệu quả CVĐ
Song song với những kết quả tích cực mà CVĐ đã đạt được, Ban chỉ đạo CVĐ tỉnh Quảng Ninh cũng thẳng thắn thừa nhận, vẫn còn tồn tại một vài khó khăn trong quá trình thực hiện CVĐ như thiếu tính ổn định, bền vững trong sản xuất, phát triển hàng hóa; còn tồn tại nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng kém chất lượng; một bộ phận người tiêu dùng có xu hướng sính hàng ngoại...
Ông Phạm Ngọc Thủy - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh - cho hay, dù các phiên chợ, hội chợ hàng Việt đã mang lại hiệu quả đáng ghi nhận nhưng thực tế, số lượng các DN hưởng ứng các phiên chợ còn ít. Kinh phí đầu tư cho công tác tuyên truyền còn hạn hẹp… Ngoài ra, là tỉnh biên giới, hàng hóa Trung Quốc dễ thâm nhập vào thị trường nội địa, cạnh tranh trực tiếp với hàng Việt.
Để CVĐ đạt được những kết quả tốt hơn, Ban chỉ đạo CVĐ tỉnh khẳng định: Trong những năm tiếp theo, công tác tuyên truyền sẽ được thực hiện đồng bộ, thường xuyên và sâu rộng hơn bằng nhiều hình thức. Song song với đó, tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ sản xuất, nâng cao chất lượng các sản phẩm sản xuất trong nước thông qua ứng dụng khoa học công nghệ, chuyên nghiệp hóa hình thức, mẫu mã, bao bì sản phẩm... Ngoài ra, tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thị trường, chú trọng đưa hàng Việt về nông thôn. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát về thị trường hàng hóa, giá cả, an toàn vệ sinh thực phẩm..., xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm. Thường xuyên giám sát cách thức để CVĐ thực sự đi vào thực tiễn.