Rau, quả Việt Nam chiếm lĩnh thị trường nội địa

Nhiều loại trái cây, rau củ trong nước đang vào mùa, lượng cung cấp ra thị trường phong phú và dồi dào. Người tiêu dùng trong nước cũng ưa sử dụng rau, củ, quả “nội”. Tuy nhiên, mối lo lớn nhất của người tiêu dùng hiện nay vẫn là nạn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan, trong đó có hóa chất bảo quản trái cây.

Dồi dào rau quả Việt

Những ngày này, khắp các chợ dân sinh, phố phường Hà Nội, nhiều loại quả như nhãn, chôm chôm, xoài, thanh long... được bày bán rất phong phú. Ngoài ra, các loại rau, củ cho bữa ăn hàng ngày cũng khá dồi dào. Giá cả của các loại trái cây, rau củ cũng phải chăng, phù hợp với túi tiền của phần đông người tiêu dùng. Giá quả nhãn hiện đang được bán từ 30.000-50.000 đồng/kg, tùy loại; dưa hấu từ 12.000-15.000 đồng/kg, thanh long ruột trắng từ 20.000-25.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ từ 25.000-35.000 đồng/kg…  

Phần lớn người tiêu dùng đều hào hứng với các loại rau, củ quả trong nước, vì giá cả phải chăng, nguồn gốc rõ ràng. Nhưng điều mà hầu hết người tiêu dùng lo lắng, băn khoăn là quy trình sử dụng thuốc trừ sâu cũng như các loại hóa chất bảo quản nông sản. Chị Nguyễn Tuyết Nhi ở phố Bùi Thị Xuân (Hà Nội) cho biết: “Ăn hoa quả “nội” an tâm hơn hàng Trung Quốc, dù gì cũng là sản xuất trong nước, do người dân mình tự trồng, biết là loại gì, trồng ở đâu…”. 

Cùng chung quan điểm này, chị Đào Hạnh Nguyên ở Lò Đúc (Hà Nội)  bày tỏ: “Nếu trái cây, rau củ trong nước mùa nào cũng dồi dào như vụ hè thì người dân sử dụng cũng yên tâm hơn, không sợ mua  phải những loại nông sản không rõ nguồn gốc, chất lượng. Ngày nào nhà tôi cũng mua trái cây trong nước như nhãn, xoài, dưa hấu, duy có băn khoăn về việc người nông dân sử dụng thuốc trừ sâu, không biết có đảm bảo không?”.

alt

Rau, củ nội tràn ngập thị trường

Khó quản lý việc sử dụng thuốc

Về mối lo của người tiêu dùng, trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đánh giá, việc lạm dụng hoặc sử dụng không đúng thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp hiện là vấn đề bức xúc nhất, trực tiếp gây ra nguy cơ mất ATTP, giảm khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế. “Quản lý sử dụng thuốc BVTV hiện gặp nhiều khó khăn do nông dân sản xuất nhỏ, hiểu biết còn hạn chế, vai trò của chính quyền địa phương cơ sở chưa được phát huy…”, ông Nguyễn Xuân Hồng nhìn nhận. 

Gần đây, hành lang pháp lý để quản lý thuốc BVTV đã chặt chẽ hơn khi Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật có hiệu lực từ ngày 1-1-2015. Các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành đã quy định rõ trách nhiệm của người sử dụng thuốc BVTV, chế tài xử phạt và trách nhiệm của các cơ quan quản lý. Sản xuất, buôn bán thuốc BVTV là loại hình kinh doanh có điều kiện, phải được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, buôn bán; chịu sự thanh tra, kiểm tra đột xuất, định kỳ của các cơ quan quản lý Nhà nước. 

Liên quan đến việc sử dụng thuốc BVTV để bảo quản nông sản, lãnh đạo Cục BVTV khẳng định, nhiều nước trên thế giới cho phép sử dụng các loại thuốc bảo quản nông sản hoặc ủ chín trái cây. Những loại thuốc này là an toàn nếu sử dụng đúng cách. “Cục BVTV đã hướng dẫn các doanh nghiệp đăng ký một số hoạt chất đang được ưu tiên khảo nghiệm, chính thức đưa vào danh mục quản lý trong thời gian tới để nông dân mua và sử dụng”, ông Nguyễn Xuân Hồng thông tin.

Theo http://anninhthudo.vn/

Bình luận của bạn