“Rộng cửa” để hàng Việt xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ

Việc mở rộng thị trường xuất khẩu sẽ được coi như là một chiến lược dài hạn nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực.

Với 11 nước thành viên, CPTPP là Hiệp định quan trọng, mang tới nhiều cơ hội cho Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu giảm sút, chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng gia tăng.

Trong số các quốc gia tham gia CPTPP, có 4 nước thành viên thuộc khu vực châu Mỹ bao gồm: Canada, Chile, Mexico và Peru. Trong số này, có tới 3 nước mà Việt Nam lần đầu tiên có quan hệ FTA là Canada, Mexico và Peru.

Đặc biệt, đây đều là những nước có cam kết cắt giảm tỷ lệ thuế quan cho hàng hoá Việt Nam rất cao ngay khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực: Canada (94%), Chile (95%), Peru (81%) và Mexico (77%).

Với Hiệp định CPTPP, Việt Nam có thể tăng cường hơn nữa xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh, đồng thời tìm kiếm cơ hội, đẩy mạnh xuất khẩu một số mặt hàng tiềm năng sang các thị trường này.

Canada tiếp tục theo đuổi chính sách tự do hóa thương mại và có nền kinh tế tương đối mở. Canada đa dạng hóa thị trường đầu tư và thương mại, giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Bắc Mỹ, đặc biệt là Hoa Kỳ.

Việt Nam hiện đang là nước có lợi thế lớn trong thương mại song phương với Canada. Hiệp định CPTPP có hiệu lực từ tháng 12/2018 được coi là đòn bảy thúc đẩy mạnh mẽ thương mại giữa hai nước.

Trong đó, đối với thuỷ sản, 100% kim ngạch xuất khẩu thủy sản được hưởng thuế xuất 0% từ ngày 14/01. Canada đang tiêu thụ 240 triệu USD hàng thủy sản từ Việt Nam. Thủy sản, trong đó chủ yếu là tôm, cá basa, cá ngừ đông lạnh ... hiện đã có mặt ở hầu hết các siêu thị lớn của Canada nhưng được bán qua nhà phân phối, chưa bán trực tiếp

Hiện nay, các công ty lớn của Canada có xu hướng mua trực tiếp từ nhà sản xuất để cắt giảm chi phí (Costco, Loblaw, Metro ...) nên tổ chức giới thiệu và tiếp cận với các nhà bán lẻ lớn của Canada.

Đối với đồ gỗ nội thất, thuế giảm ngay từ 9,5% xuống 0%, trừ ghế gỗ dùng trong nhà thuế giảm dần về 0% sau 6 năm. Việt Nam là nhà xuất khẩu lớn nhất về đồ gỗ phòng ngủ vào Canada (chiếm gần 30% thị phần). Canada đang tiêu thụ 166 triệu USD đồ gỗ của Việt Nam.

Canada có nhiều doanh nghiệp sản xuất và cung cấp sản phẩm đồ gỗ cho toàn bộ thị trường Bắc Mỹ và đang quan tâm nhiều đến đồ gỗ cung cấp cho khách sạn cao cấp trên toàn nước Mỹ và Canada.

Sản phẩm gỗ xuất sang Canada nên chú trọng đến chất liệu chịu được tác động của thay đổi khí hậu, thời tiết vì vào mùa đông Canada rất lạnh. Màu sắc, chất lượng hàng giao phải đúng với mẫu mã, nếu có thay đổi phải báo trước. Khi gặp hỏng hóc, gãy đổ trong quá trình vận chuyển nên nhanh chóng khắc phục.

Đối với dệt may, CPTPP xoá bỏ 100% thuế vào năm thứ 4. Mặc dù thị trường quần áo của Canada có dung lượng nhỏ nhưng nhiều công ty phân phối dệt may hàng đầu thế giới có trụ sở tại Canada và đa số các công ty đều phân phối thị trường Mỹ và các nước khác.

Khi Hiệp định CPTPP được thông qua và có hiệu lực trong thời gian tới, thuế nhập khẩu vào Canada sẽ giảm từ 17%-18% xuống còn 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực (khoảng 50% mặt hàng xuất khẩu) hoặc sau 3 năm nếu đáp ứng được quy tăc xuất xứ từ sợi trở đi. Mức chênh lệch thuế nhập khẩu sẽ là động lực thúc đẩy dệt may xuất khẩu sang thị trường Canada.

Bên cạnh đó, chè, hạt tiêu, hạt điều đều hưởng thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Trong nhóm này, điều là mặt hàng chiếm giá trị lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu khoảng 108 triệu USD. Hạt tiêu chỉ đạt khoảng 10 triệu USD;

Với giày dép, 78% kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang Canada hưởng thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực hoặc được hưởng mức cắt giảm 75% so với mức hiện tại.

Trong thời gian gần đây Mexico tiếp tục chiến lược mở cửa của mình. Cùng với việc củng cố mối quan hệ thương mại với các đối tác truyền thống, Mexico tìm kiếm các thị trường mới như Mỹ Latinh và Châu Á – Thái Bình Dương nhằm tránh phụ thuộc quá nhiều vào các đối tác chính như Mỹ.

Để hỗ trợ cho chính sách mở cửa, trong những năm qua Mexico đã thực hiện nhiều điều chỉnh quan trọng trong luật hải quan như: đơn giản hóa thủ tục thông quan hàng hóa, áp dụng cửa sổ điện tử nhằm tự động hóa nhiều thủ tục ngoại thương.

Đối với các biện pháp vệ sinh an toàn động thực vật, để thuận tiện Mexico đã xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử để các bên liên quan có thể tiếp cận các yêu cầu về vệ sinh an toàn động thực vật.

Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đạt 2,24 tỷ USD. Các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam sang Mexico là điện thoại, giày dép, máy tính, hàng dệt may.

Với CPTPP, Mexico cam kết xóa bỏ 77% số dòng thuế ngay từ 14/1, tương đương 36.5% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam và sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 98% số dòng thuế vào năm thứ 10 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Cá tra, cá basa, cá ngừ là những mặt hàng thủy sản ta xuất khẩu lớn sang Mexico được hưởng thuế suất 0% kể từ năm thứ 3. Mặt hàng cá đông lạnh hiện Việt Nam đang là nước xuất khẩu lớn thứ 2 sau Trung Quốc. Mexico là một thị trường dễ tính với dân số đông, sức tiêu thụ mạnh. Yếu tố về giá mang tính quyết định, Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được yếu tố này do đây là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực.

Đặc biệt, Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới. Mexico hiện phải nhập khẩu khoảng 900 nghìn tấn/năm. Nếu gạo Việt Nam cạnh tranh được về giá so với gạo của các đối thủ và đảm bảo chất lượng, Việt Nam sẽ tận dụng được nhiều tiềm năng từ thị trường Mexico.

Bên cạnh đó, với dệt may, CPTPP đã xóa bỏ thuế theo lộ trình và về 0% vào năm thứ 16. Trong những năm qua, Việt Nam xuất khẩu sang Mexico trên 100 triệu USD hàng dệt may, đứng thứ 4 sau Trung Quốc, Mỹ, Bangladesh, Ấn Độ. Kể từ sau khi trở thành thành viên của Hiệp định CPTPP, nhiều nhà nhập khẩu mới của Mexico quan tâm tìm hiểu nhà cung cấp của Việt Nam.

Đây là một cơ hội để gia tăng thị phần tại thị trường này. Cần nhấn mạnh hàng năm Mexico nhập khẩu khoảng 1,8 tỷ USD hàng dệt may và 1,1 tỷ USD hàng giày dép.

Peru được đánh giá là thị trường tiềm năng và là thị trường tương đối phù hợp với trình độ và quy mô cũng như cách tiếp cận của ta bởi 75% các công ty xuất – nhập khẩu của Peru là vừa và nhỏ, hàng hóa sản phẩm dễ thâm nhập, cạnh tranh và có thể đi vào các nước láng giềng như Ecuador, Colombia, Bolivia và Brazil. Hiện trao đổi hàng hóa giữa Việt Nam và Peru còn khá khiêm tốn. Năm 2018, xuất khẩu của ta sang thị trường này đạt 250 triệu USD.

Đây cũng là lần đầu tiên hai nước có quan hệ FTA và ta cần nắm bắt các cơ hội mà Hiệp định mang lại để đẩy mạnh xuất khẩu một số loại hàng hóa mà ta có thế mạnh.

Cụ thể, đồ gỗ ngoại thất sang Peru sẽ được hưởng mức thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực; Hạt điều, chè, hạt tiêu, rau củ quả, một số loại cà phê: thuế suất về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực; Với dệt may, giày dép, thuế suất giảm theo lộ trình và về 0% vào năm thứ 16.

Chile là thị trường tích cực mở cửa cho hàng hóa Việt Nam trong những năm qua kể từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Chile chính thức có hiệu lực vào năm 2014. Trong bối cảnh Hiệp định CPTPP dự kiến được thông qua tại Chile vào quý II/2019, Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội để tăng cường xuất khẩu sang thị trường này.

FTA Việt Nam - Chile có 1.118 sản phẩm nằm trong danh sách loại trừ. Do đó, với việc thực thi CPTPP một số lượng sản phẩm tiếp cận thị trường sẽ nhiều hơn, thời gian giảm thuế của CPTPP cũng nhanh hơn so với FTA song phương.

Tiềm năng tại thị trường Chile đối với với một số mặt hàng chủ lực của Việt Nam là rất lớn.

Các mặt hàng ưu tiên thúc đẩy xuất khẩu sang Chile có thể kể tới là: Hạt tiêu, hạt điều, chè, cà phê, mật ong: thuế suất sẽ giảm về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực; Nông sản, thủy sản: thuế suất về 0% ngay khi Hiệp định định có hiệu lực; Gỗ và sản phẩm từ gỗ: thuế suất về 0% đối với hầu hết các sản phẩm; Giày dép, cao su: thuế được xóa bỏ vào năm thứ 4; Dệt may: thuế được xóa bỏ vào năm thứ 8;

Ngoài ra, việc Phòng Thương mại Việt Nam – Chile được thành lập từ giữa năm 2018 cũng tạo ra kênh hợp tác mới, tạo cơ hội gắn bó hơn cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước, đặc biệt trong bối cảnh ta cần tích cực tận dụng các cơ hội mà CPTPP mang lại để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa.

 

Bình luận của bạn