Rộng cửa làm ăn với Nga

Việc đẩy mạnh kênh thanh toán trực tiếp giữa Việt Nam và Liên bang Nga sẽ góp phần khơi thông điểm nghẽn trong hoạt động xuất nhập khẩu của hai nước.

Trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Liên bang Nga mới đây, Ngân hàng (NH) TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã khai trương văn phòng đại diện tại nước này nhằm tận dụng cơ hội kinh doanh, kết nối doanh nghiệp khi Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với Liên minh kinh tế Á - Âu có hiệu lực. Dịp này, Tập đoàn TH True Milk cũng khởi công dự án tổ hợp chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa giai đoạn 1 tại Moscow.

Hàng Việt lợi thế

Bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH True Milk, cho biết dự án tổ hợp chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tại Moscow có mức đầu tư 500 triệu USD. Đây là giai đoạn đầu tiên trong dự án tổ hợp chăn nuôi bò sữa và chế biến tập trung quy mô công nghiệp và một số dự án về thực phẩm với tổng vốn đầu tư lên tới 2,7 tỉ USD tại Nga. Dự kiến giữa năm 2017, sản phẩm sữa tươi sạch TH đầu tiên sẽ ra mắt tại xứ sở Bạch Dương, chuỗi phân phối gồm 300 cửa hàng True Mart trên toàn nước Nga cũng sẽ được triển khai.

Sản phẩm sữa tươi TH sẽ ra mắt tại xứ sở Bạch Dương vào giữa năm 2017 Ảnh: TẤN THẠNH

Sản phẩm sữa tươi TH sẽ ra mắt tại xứ sở Bạch Dương vào giữa năm 2017 Ảnh: TẤN THẠNH

Trước đó, ngay sau khi FTA giữa Việt Nam với Liên minh kinh tế Á - Âu (gồm Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgizstan) được ký kết tháng 5-2015, dự kiến sẽ có hiệu lực trong năm nay, BIDV đã quyết định thành lập văn phòng đại diện tại Nga nhằm kết nối doanh nghiệp và thị trường, thúc đẩy kênh thanh toán song phương trực tiếp bằng đồng nội tệ… Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV, cho rằng FTA với liên minh kinh tế Á - Âu sẽ mở ra cơ hội hợp tác giữa hai thị trường, hướng tới kim ngạch thương mại 2 chiều đạt mức 10 tỉ USD vào năm 2020.

Dự kiến, sau khi FTA có hiệu lực, kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam với Nga sẽ tăng bình quân 18%-20%/năm, đạt khoảng 10-12 tỉ USD vào năm 2020 và xuất khẩu từ Việt Nam sang Nga có thể tăng trưởng đến 63%. Để đón đầu FTA, từ tháng 5-2015, Công ty TNHH Sản xuất thương mại Tân Quang Minh (Bidrico) đã xuất những lô hàng đầu tiên sang Nga.

Ông Trương Vĩnh Công, Trưởng Phòng Xuất nhập khẩu Bidrico, cho biết nhu cầu từ thị trường Nga rất lớn và tiềm năng. Khi FTA với Liên minh kinh tế Á - Âu có hiệu lực, sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh so với các nước khác ở thị trường này.

Theo ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, tiềm năng xuất nhập khẩu sang Nga là rất lớn bởi các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như nông - lâm - thủy sản, dệt may, da giày… đều được thị trường này ưa chuộng.

Hiện hạt tiêu và điều của Việt Nam vẫn xuất khẩu thường xuyên qua Nga. Do đồng rúp mất giá trong thời gian qua, trong khi thanh toán chủ yếu bằng USD khiến giá hàng hóa Việt Nam đến tay người tiêu dùng Nga tăng đáng kể, giảm khả năng cạnh tranh.

Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe cũng nhìn nhận có nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu hàng thủy hải sản sang Nga.

Khuyến khích thanh toán bằng nội tệ

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Nga giai đoạn 2010-2015 có dấu hiệu chững lại. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 thị trường trong 5 năm qua bình quân đạt 2,29 tỉ USD/năm, chỉ tăng trưởng 3,6% mỗi năm và con số này chưa xứng tới tiềm năng của 2 bên. Năm 2015, giá dầu thô giảm mạnh khiến kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Nga còn 2,18 tỉ USD. Trong quý I/2016, con số này cũng chỉ khoảng 600 triệu USD, quá thấp so với kỳ vọng.

Một trong những nguyên nhân kết quả hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa 2 bên chưa tương xứng tiềm năng, theo BIDV, là do việc thanh toán bằng đồng nội tệ hai nước không cải thiện, gần như 100% được thanh toán bằng các ngoại tệ mạnh như USD. Để thúc đẩy kênh thanh toán nội tệ trực tiếp giữa VNĐ và rúp, từ tháng 11-2015, BIDV, NH Ngoại thương Nga và NH Liên doanh Việt - Nga đã triển khai kênh thanh toán song phương bằng đồng nội tệ, giúp giao dịch giữa hai nước được khơi thông.

“BIDV đã cùng khách hàng tính toán lợi ích kinh tế của kênh thanh toán song phương. Dù tỉ giá rúp/VNĐ cao và biến động mạnh nhưng kết hợp với các sản phẩm mua bán kỳ hạn, bảo hiểm tỉ giá, việc chuyển tiền nhanh cộng phí chuyển rúp thấp giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí đáng kể” - đại diện BIDV phân tích.

Trong quý I/2016, BIDV đã triển khai thành công 6 giao dịch đồng rúp với hơn 1 triệu rúp. Mới đây, một doanh nghiệp đã thực hiện thành công giao dịch rúp trị giá hơn 8 triệu rúp, mở đầu cho chuỗi thanh toán định kỳ hằng tháng của hợp đồng khung nhập khẩu trị giá hơn 1 tỉ rúp đã được ký kết.

“Nhu cầu mua bán hàng hóa giữa Việt Nam và Nga là rất lớn nhưng cần phương án để ổn định giá hàng hóa xuất nhập khẩu. Nếu thanh toán trực tiếp giữa VNĐ và rúp đem lại lợi ích, doanh nghiệp sẽ tham gia” - ông Đỗ Hà Nam nhìn nhận.

 
Bình luận của bạn