Rộng đường đưa hàng Việt vào Canada
Q uan hệ thương mại giữa Việt Nam và Canada luôn giữ được tốc độ tăng trưởng ổn định, trung bình 12,45% giai đoạn 2013-2018. Tuy nhiên, với bước đột phá đến từ việc Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực kể từ ngày 14.1.2019 và gần như ngay lập tức, thuế quan của hầu hết các mặt hàng xuất khẩu vào thị trường Canada được cắt giảm về 0%. Đây có thể được xem là cơ hội vàng để hàng Việt Nam thâm nhập thị trường cực kỳ tiềm năng này, cạnh tranh sòng phẳng với các nước khác như Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ...
Thủy hải sản rộng bước
Với Hiệp định CPTPP có hiệu lực, dự kiến kể từ năm 2019, xuất khẩu thủy hải sản của Việt Nam sang thị trường Canada sẽ có những bước tiến khả quan. Mức thuế các mặt hàng thủy hải sản xuất khẩu chính như tôm đông lạnh, tôm chế biến, cá tra, cá ngừ… từ Việt Nam đều ngay lập tức giảm về 0%.
Canada là nước nhập khẩu tôm lớn thứ 13 trên thế giới và những năm gần đây, nhu cầu nhập khẩu tôm nước ấm từ các nước châu Á có xu hướng gia tăng do trữ lượng tôm sinh khối tại nước này giảm mạnh. Với thị trường Canada, Việt Nam là nguồn xuất khẩu tôm lớn nhất với tỉ trọng gần 30% tổng giá trị, Ấn Độ đứng ở vị trí thứ 2, Trung Quốc và Thái Lan lần lượt chiếm 2 vị trí sau cùng.
Với thị trường lớn và ưa chuộng sản phẩm tôm nước ấm, bên cạnh việc hầu như không có rào cản xuất khẩu đáng kể, cơ hội rộng mở cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn của Việt Nam như Công ty Thủy sản Minh Phú (MPC), Công ty Thực phẩm Sao Ta (FMC).
Theo lời Chủ tịch Công ty Thủy sản Minh Phú, năm 2018 Công ty nắm giữ gần 5% thị phần tôm thế giới, xét theo sản lượng. Cơ cấu thị trường xuất khẩu chính của Minh Phú bao gồm 40% tại thị trường Mỹ, 20% tại Nhật, 10% ở EU, 9% ở Canada và 8% ở Hàn Quốc. Năm 2019, Minh Phú đặt kế hoạch tổng sản lượng xuất khẩu 77.400 tấn (tăng trưởng 14,67%), kim ngạch 850 triệu USD, lợi nhuận trước thuế 2.000 tỉ đồng.
Bên cạnh Minh Phú, Công ty Thực phẩm Sao Ta cũng đã đặt kế hoạch tiêu thụ 16.000 tấn tôm và 1.450 tấn nông sản, doanh số tiêu thụ dự kiến đạt 185 triệu USD (tăng 13%) trong năm 2019. Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn như Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC), Công ty Cổ phần Nam Việt (ANV) hay Công ty Thủy sản Biển Đông cũng có cơ hội không nhỏ nếu tập trung khai thác thị trường tiềm năng này.
Dệt may ngập ngừng
Khác với thủy hải sản, hàng dệt may Việt Nam chỉ mới chiếm khoảng 7% tổng nhập khẩu của Canada. Mặc dù, thuế nhập khẩu vào Canada sẽ giảm xuống còn 0% ngay khi CPTPP có hiệu lực hoặc sau 3 năm nếu đáp ứng quy tắc xuất xứ. Tuy nhiên, những quy định về quy tắc xuất xứ mà đặc biệt là “xuất xứ từ sợi” đang là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp ngành may Việt Nam (yêu cầu về nguyên tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan theo CPTPP là từ sợi trở đi và đối với Hiệp định EVFTA là từ vải trở đi). Hiện tại, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang phải nhập phần lớn nguyên phụ liệu để phục vụ sản xuất, xuất khẩu với gần 99% bông, 1,3 triệu tấn xơ sợi, 80% vải...
Tuy nhiên, với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, bên cạnh việc hưởng lợi từ thuế quan, triển vọng xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam vẫn rất sáng sủa. Hưởng lợi nhất có thể kể đến là các doanh nghiệp dệt may lớn như Dệt May Thành Công (TCM), Công ty Đầu tư và Thương mại TNG (TNG), May Sông Hồng (MSH) và gián tiếp hưởng lợi là Sợi Thế Kỷ (STK) khi nhu cầu sợi trong nước tăng để cung ứng nguyên liệu cho hàng may mặc xuất khẩu.
Đồ gỗ tận dụng thời cơ
Canada đang tiêu thụ 166 triệu USD đồ gỗ của Việt Nam. Với đồ gỗ nội thất, CPTPP có hiệu lực khiến thuế giảm ngay từ 9,5% xuống 0%. Đây là tin vui cho các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ nội thất xuất khẩu lớn của Việt Nam như Công ty Chế biến xuất khẩu Lâm sản Nam Định, Woodsland, Kim Huy, Hòa Bình, Tavico, An Cường, Scanviwood, Tiến Đạt, Phú Tài… Với những điều kiện thuận lợi, các doanh nghiệp này rất tự tin vào sự phát triển tích cực trong thời gian tới.
Chẳng hạn, năm 2019, Công ty Phú Tài (PTB) đưa ra kế hoạch doanh thu hợp nhất 5.650 tỉ đồng, tăng 20% và lợi nhuận trước thuế 555 tỉ đồng. Đại diện Phú Tài cho biết Công ty đã nhận được khoảng 80% đơn hàng gỗ cho năm 2019, phần còn lại đang đàm phán với nhiều đơn vị khác vì muốn chọn mức giá cao hơn. Hiện tại, trong cơ cấu doanh thu Phú Tài, gỗ đang là sản phẩm mang lại doanh thu chủ lực.
Các sản phẩm gỗ xuất khẩu sang Canada cần được chú trọng đến chất liệu, chịu được tác động của thay đổi khí hậu, thời tiết. Màu sắc, chất lượng hàng giao phải đúng với yêu cầu; hàng hóa cần sửa chữa, điều chỉnh ngay khi có vấn đề xảy ra trong quá trình vận chuyển.