Saigon Co.op: Thành công khi đưa hàng Việt đến Singapore

Singapore, một quốc gia dù chỉ có gần 6 triệu người nhưng hằng năm đón tới 12 triệu lượt du khách. Đặc biệt, đất nước này nhập khẩu toàn bộ các mặt hàng tiêu dùng, nông sản thực phẩm mà những mặt hàng này đang là thế mạnh của ngành xuất khẩu Việt Nam.

Bên cạnh đó, do vị trí địa lý gần kề nên việc lưu thông hàng hóa tại các cảng biển của Singpore rất thuận lợi, rút ngắn thời gian và giảm chi phí vận chuyển so với những quốc gia xa xôi khác. Hay với đại đa số dân số là người Hoa nên các sở thích, khẩu vị của người tiêu dùng ở đây cũng tương đồng với những mặt hàng tiêu dùng của Việt Nam. Đây chính là những ưu thế để hàng hóa Việt Nam có mặt tại thị trường Singapore.

Theo ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc thường trực Saigon Co.op, Saigon Co.op nhận định Singapore là một thị trường cực kỳ tiềm năng cho xuất khẩu các ngành hàng tiêu dùng của Việt Nam.

Đánh giá được thị trường này là hướng đi mới để Saigon Co.op phát triển bền vững trở thành nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam. Vì vậy, ngay từ tháng 5/2013, Saigon Co.op đã liên kết với hệ thống siêu thị FairPrice-hệ thống siêu thị do Công đoàn toàn quốc Singapore (National Trade Union Congress-NTUC) thành lập vào năm 1973. Đến nay, FairPrice đã trở thành chuỗi bán lẻ lớn nhất Singapore với gần 60% thị phần, 140 chuỗi siêu thị lớn và 160 cửa hàng tiện ích. FairPrice hiện cũng là đối tác của Saigon Co.op, có giấy phép liên doanh kinh doanh thương mại tại Việt Nam để đầu tư và vận hành hệ thống đại siêu thị với thương hiệu Co.opXtra trên phạm vi cả nước

Tính đến nay, Saigon Co.op và FairPrice đã phát triển thành công 3 đại siêu thị Co.opXtra tại TPHCM và hơn 12 cửa hàng Cheers tại các quận nội thành của TPHCM.

Điều ý nghĩa hơn cả là từ mối “nhân duyên” đó đã giúp Saigon Co.op xuất khẩu thành công nhiều nông sản, đồ dùng chất lượng cao sang thị trường Singapore.

Cụ thể, qua 4 lần tổ chức hội chợ hằng năm tại thị trường quốc tế này, Saigon Co.op đã đưa được hàng trăm container mỗi lần, từ đó đưa hàng trăm mặt hàng của Việt Nam tham gia tại hội chợ. Đáng chú ý, qua những lần hội chợ, người dân của Singapope không chỉ nhận diện, làm quen mà bắt đầu yêu thích và ưa dùng những mặt hàng tiêu dùng, nông thủy sản của Việt Nam.

Đánh giá về hàng hóa của Việt Nam, ông Gerry Lee Kian Hup, Phó Tổng Giám đốc FairPrice cho rằng,  hàng hóa Việt Nam nhất là trái cây rất tươi ngon và hợp khẩu vị với người dân Singapore. Đó chính là lý do mà hiện nay, các mặt hàng như trái cây Việt Nam, cà phê, gạo, trái cây sấy, thủy hải sản được người tiêu dùng lựa chọn nhiều hơn.

Cụ thể, trong năm 2018, bên cạnh gần 700 mặt hàng đã được đưa vào hệ thống siêu thị của Singapore, để chuẩn bị cho hội chợ hàng Việt tại Singapore đợt trung tuần tháng 11/2018, Tập đoàn NTUC FairPrice đã đưa hơn 20 mặt hàng mới của Việt Nam vào hệ thống bán lẻ, trong đó có những mặt hàng mang tính đột phá như: Tôm organic, cá organic, sữa organic, bánh tráng organic, phở organic, bún organic. Trong đó, 3 loại trái cây của Việt Nam là hồng xiêm, bưởi Năm Roi, thanh long ruột đỏ đã được giới thiệu đến người tiêu dùng, góp phần quảng bá cho trái cây Việt Nam đến các thị trường có yêu cầu cao như Singapore.

Cần có sự hợp tác từ nhiều phía

Tuy nhiên theo ông Nguyễn Anh Đức, để hàng hóa Việt Nam có cơ hội vươn rộng ra các thị trường khác trong khu vực và quốc tế bên cạnh sự nỗ lực của các doanh nghiệp, cần có sự liên kết chặt chẽ và sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng.

Trong thời gian vừa qua, với sự nỗ lực của Chính phủ trong quá trình thỏa thuận và thống nhất được các hiệp định kinh tế đa phương, song phương đã mở cánh cửa thông thoáng và công bằng cho hàng hóa Việt tới thị trường quốc tế và tạo sức bật cho hàng hóa Việt vươn rộng. Đáng nói hơn cả hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã hưởng lợi từ những hiệp định này như đã xóa đi rào cản về thuế, hải quan....

Song song với những nỗ lực của Chính phủ, ông Nguyễn Anh Đức cho rằng cũng rất cần đến sự hỗ trợ của các cơ quan đại diện của Nhà nước, bộ ngành, hiệp hội tại các nước sở tại. Bởi chính họ mới là người hiểu rõ, hiểu thấu đáo nhất những sở thích, xu hướng của người tiêu dùng nói riêng và cả thị trường ở nước sở tại nói chung từ đó giúp cho các doanh nghiệp định hướng đầu tư, kinh doanh.

Bên cạnh đó, để xâm nhập vào các thị trường nước ngoài, các doanh nghiệp nội trước tiên phải đánh giá, tìm hiểu thị trường và là những người tự “làm mới mình”, “làm mới hàng hóa” của mình theo xu hướng: “Bán những gì thị trường cần, chứ không phải bán những gì tôi có”.

Là một doanh nghiệp có thâm niên hơn 5 năm tham gia xuất khẩu hàng hóa ra các thị trường phát triển, ông Nguyễn Anh Đức chia sẻ, dù đa dạng về chủng loại và có chất lượng tốt nhưng các sản phẩm của Việt đang còn thô sơ, gần như mới sơ chế và chưa có độ chế biến cao; mẫu mã về bao bì thực sự chưa hút khách vì còn khá đơn giản. Bên cạnh đó, tính đồng bộ trong chế biến, phân loại chưa cao bởi vì ở những thị trường phát triển cao, ngoài chất lượng từng sản phẩm, yêu cầu về sự đồng bộ sản phẩm, đồng nhất về hương vị đang được người tiêu dùng chú trọng.

Đơn cử, như trái xoài Việt Nam, theo thói quen của thị trường, người Việt hay bán theo kg nên không tính đến sự đồng bộ của từng quả. Trong khi thị trường Singapore lại bán theo từng quả nên đòi hỏi từng quả phải có trọng lượng, màu sắc, hương vị gần giống nhau (dung sai từng quả có thể cộng trừ 10 gr). Đây chính là một yếu tố tuy nhỏ nhưng lại quan trọng trong bán lẻ hiện đại mà các doanh nghiệp Việt cần lưu ý khi xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài.

Ngoài ra, rất cần sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và liên kết giữa doanh nghiệp nội và ngoại cũng là bàn đạp để hàng hóa xuất khẩu tăng mạnh.

Đối với các doanh nghiệp nội, khi đã có định hướng của các cơ quan chủ quản, chức năng về thị trường nước ngoài, nếu chúng ta biết liên kết với nhau để phân công hàng hóa, phân chia lĩnh vực, thị trường một cách hài hòa và hợp lý thì mới phát huy được điểm mạnh, ưu thế của từng doanh nghiệp nội.

Ngoài ra, cần tăng cường liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp ngoại để tạo thế cùng thắng cho cả hai bên. Ví dụ minh chứng rõ nhất cho mối liên kết này của Saigon Co.op là trong việc hợp tác với FairPrice. Chính từ quá trình hợp tác cùng với chủ trương, định hướng mà Saigon Co.op đã vạch ra đã giúp tỉ lệ tăng trưởng hàng hóa Việt tại thị trường bán lẻ hiện đại của Singapore là 20%/năm. Đồng thời hàng Việt đã đứng thứ 4 trong khu vực châu Á tại FairPrice, một con số đầy ý nghĩa đối với nỗ lực đưa hàng Việt ra thị trường thế giới của Saigon Co.op.

Bình luận của bạn