Sản phẩm đường của doanh nghiệp Việt Nam SBT đã có mặt tại Mỹ
Đây là bước tiến quan trọng của ngành đường Việt Nam nói chung và SBT nói riêng. Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm 2018 kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Mỹ đạt gần 17,33 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ đạt giá trị 13,82 tỷ USD, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2017. Nhập khẩu từ Mỹ đạt 3,51 tỷ USD, tăng 16,3 so với cùng kỳ. Như vậy, Việt Nam xuất siêu sang Mỹ một lượng hàng hóa trị giá 10,31 tỷ USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, Mỹ được biết đến là một trong những thị trường khó tính nhất hiện nay. Để đưa được sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam sang thị trường Mỹ, các doanh nghiệp phải tuân thủ rất nhiều điều luật nhập khẩu cũng như thông qua nhiều bước kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt.
Hiện nay, các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đã và đang có những chiến lược khác nhau trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, cũng như kế hoạch tiếp thị nhằm đưa sản phẩm “made in Viet Nam” vào thị trường đầy tiềm năng này. Đối với ngành đường nói riêng, tính đến thời điểm hiện tại, ngoài SBT thì vẫn chưa có doanh nghiệp nào xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Mỹ.
Lô hàng đường đầu tiên của SBT xuất qua thị trường Mỹ |
“Nắm được nhu cầu Mỹ muốn tiếp cận nguồn cung cấp khác thay vì phụ thuộc vào Mexico như hiện tại, SBT đã mạnh dạn sản xuất nguồn hàng phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của thị trường này. Bên cạnh việc đạt được giấy chứng nhận FDA (đây là điều kiện bắt buộc để được vào thị trường Mỹ), các sản phẩm của SBT còn được sản xuất theo công nghệ Châu Âu, tiêu chuẩn ISO 9001 & ISO 22000. Đây là một ưu thế của SBT bên cạnh lợi thế về giá. Và để có thể xuất lô hàng đầu tiên sang thị trường Bắc Mỹ, SBT đã phải cạnh tranh với nhiều doanh nghiệp thuộc các quốc gia trong khu vực cũng như quốc tế” - Đại diện SBT cho biết.
Không chỉ riêng với SBT mà với ngành đường Việt Nam tại thời điểm này, việc khai thác được thị trường mới là điều vô cũng tích cực.
Nông trường mía của SBT |
Có thể nói, mở rộng thị trường xuất khẩu, cạnh tranh với đường lậu trong nước là một điều vô cùng cấp bách cho ngành đường Việt Nam. Việc SBT thành công bước đầu trong kế hoạch “Mỹ tiến” đã trở thành động lực mạnh mẽ, giúp ngành đường nói chung và các doanh nghiệp sản xuất đường tại Việt Nam nói riêng tiếp tục mở rộng thị trường, gia tăng xuất khẩu để có thể giải quyết được bài toán hội nhập như hiện nay.