Sản phẩm nhựa gia dụng thương hiệu Việt: Dần lấy lại thị phần

Nếu như cách đây 5 - 7 năm, sản phẩm nhựa gia dụng xuất xứ từ Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia… chiếm lĩnh thị trường thì hiện nay, với những nỗ lực của DN trong nước, hàng nội ở phân khúc này đã từng bước đánh bật hàng nhập khẩu.

Hàng nội chiếm lĩnh thị trường bình dân

Ông Hồ Quốc Nguyên - Giám đốc Quan hệ công chúng Hệ thống siêu thị Big C cho biết: Hiện tại, sản phẩm nhựa gia dụng do DN trong nước sản xuất chiếm đến 85 - 90% ngành hàng này trong Big C. Đặc biệt, một số dòng sản phẩm như rổ rá, thùng đựng rác, chậu đựng nước, ống đũa.... chiếm thị phần gần như tuyệt đối.

Tại hệ thống chợ truyền thống, sản phẩm nhựa gia dụng của DN trong nước sản xuất cũng chiếm ưu thế. Một số tiểu thương cho biết “Trước kia, cửa hàng chủ yếu bán các sản phẩm nhựa gia dụng ngoại nhập, nhưng hiện khoảng 90% sản phẩm nhựa bán tại cửa hàng là sản phẩm đã được người tiêu dùng bình chọn “Hàng Việt Nam chất lượng cao” như Đại Đồng Tiến, Duy Tân, Rạng Đông, Song Long, Vĩ Hưng, Tân Lập Thành…

Thực tế, qua việc tập trung nắm bắt nhu cầu thị trường trong nước, nhiều DN sản xuất hàng nhựa gia dụng trong nước đã có những chuyển biến tích cực trong việc cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm. Không thua kém hàng ngoại nhập nhưng giá bán luôn thấp hơn từ 20 - 30%. Bên cạnh đó, DN cũng tích cực quảng bá thương hiệu, sản phẩm Việt tới người tiêu dùng thông qua việc tham gia các chương trình quảng bá hàng Việt. Ngoài ra, DN cũng chuyên nghiệp hơn trong khâu hậu mãi, ghi nhận ý kiến phản hồi từ phía khách hàng, nên khi hàng hóa lưu thông trên thị trường gặp sự cố đều được DN kịp thời giải quyết.

Đẩy mạnh đầu tư

Thông tin từ Hiệp hội Nhựa Việt Nam, giai đoạn 2010 – 2015, ngành nhựa là một trong những ngành công nghiệp có tăng trưởng cao nhất Việt Nam với mức tăng hàng năm từ 16 - 18% (chỉ sau ngành viễn thông và dệt may). Để có được tốc độ tăng trưởng mạnh như vậy, đa số DN nhựa đã tận dụng các chính sách hỗ trợ vay vốn, qua đó tiếp cận công nghệ, mở rộng đầu tư sản xuất, không sử dụng nguyên liệu tái chế gây nguy hại cho người dùng. Cùng với đó, nhiều DN đã chú trọng tìm phân khúc thị trường phù hợp với năng lực sản xuất, mở rộng thêm kênh phân phối.

Thời gian qua, cũng có không ít DN đẩy mạnh đầu tư. Điển hình, Công ty Nhựa Song Long với xuất phát điểm là HTX sản xuất manh mún, thiết bị lạc hậu đã mạnh dạn thế chấp nhà xưởng vay tiền mua trang thiết bị, máy móc hiện đại, tổ chức lại sản xuất…, từ đó tung ra hàng loạt sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Đến nay đã có hơn 500 mặt hàng mang nhãn hiệu Song Long được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam, Lào và Trung Quốc. Để mở rộng kênh phân phối, Công ty đã xây dựng khoảng 55 tổng đại lý bán hàng trên cả nước.

Tương tự, Công ty CP Nhựa Đại Đồng Tiến đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển để tung ra những dòng sản phẩm mới, chất lượng và giá thành hợp lý, đồng thời xây dựng mạng lưới hơn 700 đại lý trên toàn quốc, đưa sản phẩm vào các hệ thống siêu thị lớn như Big C, Co.opmart, Vinmart…

Mặc dù nhiều DN sản xuất nhựa đã đẩy mạnh đầu tư sản xuất, phát triển thị trường nhưng mới dừng lại ở lại phân khúc thị trường bình dân, trong khi phân khúc hàng cao cấp vẫn là các thương hiệu ngoại chiếm lĩnh, như Lock&Lock (Hàn Quốc) hoặc DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) như Biokips (Công ty Komax Việt Nam), BioZone (Công ty TNHH HomeTech).

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, không nên quá lo lắng vì đó sẽ là động lực để các DN nội đẩy mạnh đầu tư đưa ra được các dòng sản phẩm nhựa cao cấp, từ đó rút ngắn khoảng cách với đối thủ ngoại. Song để làm được điều này, bên cạnh sự nỗ lực của chính bản thân DN cũng rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước về mặt hành lang pháp lý, nghiên cứu công nghệ, hỗ trợ tín dụng... Từ đó tạo điều kiện để sản phẩm nhựa gia dụng không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong nước mà còn tăng kim ngạch xuất khẩu trong quá trình Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế.
 

Bình luận của bạn