Sản phẩm nông thôn vào siêu thị: Cửa rộng nhưng…

Mặc dù cánh cửa vào hệ thống phân phối vẫn luôn để ngỏ, song các nhà sản xuất sản phẩm công nghiệp nông thôn vẫn rất khó đi qua cánh cổng các cửa hàng, siêu thị để rồi đến tay người tiêu dùng.

Sản phẩm nông thôn vào siêu thị: Cửa rộng nhưng…

Dù là mặt hàng đang dần khẳng định được thương hiệu nhưng tỏi Lý Sơn vẫn rất khó khăn khi muốn xuất hiện rộng rãi hơn trong các hệ thống siêu thị hiện đại.

Cửa rộng mở
 
Đó là những gì toát lên từ các tuyên bố của đại diện những chuỗi phân phối lớn ở Việt Nam tại Hội nghị “Kết nối cung - cầu hàng hóa giữa các cơ sở công nghiệp nông thôn với hệ thống phân phối khu vực phía Bắc 2015” diễn ra ở Hà Nội.
 
Ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), rất hoan nghênh các nhà sản xuất đã thay đổi từ thế bị động như trước kia (tức là chỉ chờ người đến thu mua) sang chủ động kết nối với siêu thị, và cam kết sẽ mang các đơn vị thành viên đến kết nối với những đơn vị cung ứng đảm bảo cả về số lượng và chất lượng. Hay bà Nguyễn Thị Hậu - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Nhất Nam - cũng khẳng định chuỗi siêu thị Fivimart luôn ưu tiên các nhà cung cấp của Việt Nam.
 
Không chỉ siêu thị trong nước, tại Hội nghị, ông Sébastien Lestang, Giám đốc điều hành Hệ thống siêu thị BigC khu vực phía Bắc, phát biểu: “BigC đặt mục tiêu tập trung kinh doanh hàng Việt Nam và trở thành cầu nối đưa hàng Việt Nam ra thị trường thế giới.” Do đó, chính sách thu mua của Big C là “ưu tiên hàng nội.” Ông khẳng định, 95% hàng hóa trong siêu thị được sản xuất tại Việt Nam và “Big C luôn chào đón doanh nghiệp sản xuất trong nước.”
 
alt

Ông Sébastien Lestang - Giám đốc điều hành Hệ thống siêu thị BigC khu vực phía Bắc
 
Ông Naohisa Saeki - Giám đốc phụ trách mua hàng của Công ty AEON Việt Nam - cũng đưa ra tỷ lệ tương tự: Trên 90% giá trị hàng hóa được mua từ các nhà cung cấp của Việt Nam. Trong tương lai, chuỗi bán lẻ này muốn mua từ các doanh nghiệp Việt những sản phẩm an toàn, đảm bảo chất lượng như rau hữu cơ, sản phẩm tươi sống như cá và hải sản, thực phẩm đông lạnh cho các gia đình bận rộn có thể nấu các món ăn ngon và nhanh chóng, thực phẩm chức năng, chăm sóc sức khỏe, đồ dùng nhựa, các sản phẩm trang trí nội thất, quần áo…
 
Nhưng vẫn “kẹt”
 
Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận rằng hàng công nghiệp nông thôn Việt Nam vẫn xuất hiện một cách khiêm tốn trên hệ thống phân phối chuyên nghiệp.
Chẳng hạn như thương hiệu tỏi Lý Sơn rất được ưa thích, nhưng mới chỉ có mặt trong chuỗi siêu thị Big C. Nhiều sản phẩm mang đến kết nối tại Hội nghị thực chất mới chỉ dành cho xuất khẩu mà chưa có mặt thực sự trên thị trường nội địa, đặc biệt sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống với độ tinh xảo cao là món đồ yêu thích của người nước ngoài, nhưng lại chẳng có mấy trong các ngôi nhà Việt.
 
Các bên đều đã đưa ra những lý giải khác nhau cho hiện tượng trên từ trên góc độ của mình.
 
alt

Anh Nguyễn Văn Định - Phó Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và tiêu thụ hành tỏi Lý Sơn, hay còn được biết đến dưới danh hiệu “Vua tỏi Lý Sơn”
 
Với doanh nghiệp sản xuất, họ cảm thấy rằng rất khó thuyết phục các nhà phân phối. Anh Nguyễn Văn Định - Phó Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và tiêu thụ hành tỏi Lý Sơn, hay còn được biết đến dưới danh hiệu “Vua tỏi Lý Sơn” - cho biết sản phẩm quê anh rất tốt, chất lượng, an toàn đều được đảm bảo, cũng nhiều người biết đến, nhưng anh lại gặp vấn đề trong khâu thuyết phục các đối tác. Điều này cũng được ông Vũ Trọng Nghĩa - Chủ tịch HĐQT Công ty CP chế biến thực phẩm nông sản xuất khẩu Nam Định - chia sẻ trong cuộc phỏng vấn bên lề Hội nghị “Kết nối các doanh nghiệp sản xuất - phân phối thực phẩm Việt Nam an toàn và chất lượng”.
 
Ông Nguyễn Văn Hạnh - Giám đốc Công ty TNHH nhà máy Curcumin Bắc Hà - cho rằng việc chứng nhận sản phẩm đang làm khó doanh nghiệp. Khi ông muốn chứng thực sản phẩm curcumin nano của công ty ông là tinh khiết thì Việt Nam chưa có cơ sở kiểm nghiệm có thể xác minh được, bởi họ chưa có đường mẫu chuẩn, quy trình còn sơ sài. Do đó, ông phải gửi ra nước ngoài, thời gian chờ đợi lâu và tốn kém.
Ông Phạm Hồng Vũ - Giám đốc Công ty TNHH sản xuất XNK hàng thủ công mỹ nghệ và thương mại Thu Nguyệt - cho biết: cái khó khi đánh vào thị trường nội địa là sức mua chưa nhiều, công tác quảng bá giới thiệu sản phẩm còn hạn chế, trong khi đó lại phụ thuộc lớn nguồn nguyên liệu nước ngoài với hợp đồng thường kéo dài mấy năm nên không theo kịp biến động giá trên thị trường.

alt

  Ông Nguyễn Văn Hạnh - Giám đốc Công ty TNHH nhà máy Curcumin Bắc Hà (phải) – đang giới thiệu sản phẩm do ông tự làm ra trên công nghệ ông tự chế tạo
Nguyễn Hồ Nguyên - Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản Lenger Việt Nam - thì kiến nghị các siêu thị, hệ thống phân phối “vặn tốc độ” khâu kiểm tra, bởi với sản phẩm đông lạnh có thời hạn thường ngắn, khi khâu kiểm tra quá dài dòng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiêu thụ sản phẩm.
 
Đồng tình quan điểm với ông Phạm Hồng Vũ, ông Nguyên cũng thừa nhận rằng doanh nghiệp vừa và nhỏ thường yếu kém về mặt tuyên truyền quảng bá sản phẩm, gây dựng thương hiệu trên thị trường. Do đó, ông kỳ vọng các siêu thị cũng như các nhà quản lý, báo đài, truyền hình có thể hỗ trợ những đơn vị như của ông trong công tác làm thị trường, để người tiêu dùng biết đến sản phẩm nhiều hơn, cũng như có sự bảo hộ bản quyền một cách thích đáng.
 
alt
 
Còn về phía các nhà bán lẻ, ông Nguyễn Tiến Vượng cho biết một trong những khó khăn của các doanh nghiệp phân phối hiện nay là các cơ sở sản xuất nông nghiệp quy mô còn nhỏ, chất lượng không ổn định, không đáp ứng được tiêu chuẩn để đưa vào hệ thống thương mại hiện đại. Đó là nguyên nhân vì sao nhiều hợp đồng đã được ký kết, nhưng sau đó lại bị hủy do nhà sản xuất không đáp ứng được số lượng hay chất lượng đồng bộ như yêu cầu.
 
Bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam - chia sẻ rằng: Đúng là tiềm năng sản phẩm công nghiệp nông thôn rất lớn, đa dạng, nhưng thông tin giữa các bên chưa ổn. Hiện nay chúng ta mới chỉ “trả lời” được những câu hỏi đơn giản như “Có những sản phẩm gì?”, “Sản phẩm được phân thành các nhóm nào?”… mà chưa trả lời được câu hỏi sâu hơn và quyết định đến sự thành bại khi xây dựng thương hiệu và làm thị trường: “Sản phẩm nào, nhóm nào có khả năng cạnh tranh cao nhất, để đáp ứng cầu thị trường?”
 
alt
 
Có thể thấy, khâu làm thị trường quan trọng này đã bị nhỡ nhàng từ lâu, và sẽ không còn kịp nếu không bắt tay ngay từ bây giờ. Bởi với thành công từ đàm phán Hiệp định TPP mới đạt được hôm 5/9 hay các cam kết FTA được mở rộng, thì như TS. Nguyễn Ngọc Hòa, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, chỉ ra trong cuộc phỏng vấn trên Báo Đầu tư rằng vấn đề cốt tử là “phải “cắm sâu” vào thị trường và gần gũi với người tiêu dùng”, bởi “hàng rào thuế quan bị vô hiệu hóa, thì bức tranh sẽ khác xa so với bây giờ.”
 
Đó cũng là những gì mà Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ lo ngại, khi bày tỏ rằng: Không thể trông đợi vào thói quen yêu thích sản phẩm truyền thống của người tiêu dùng, khi thế hệ tiêu dùng mới nay đã khác.
 
Rõ ràng, kết nối thì không khó, nhưng chất lượng mối nối đó ra sao thì sự nỗ lực không thể chỉ từ một phía, và cũng không thể chỉ trong một sớm một chiều.
 

Theo Sống Mới

Bình luận của bạn