Sản phẩm Việt cho người tiêu dùng Việt
Chất lượng tốt, giá cả phải chăng, hình thức phong phú, các sản phẩm công nghiệp tiêu dùng nhanh được sản xuất trong nước như bia, sữa, giấy vở… đã và đang ngày càng khẳng định vị trí tại thị trường Việt Nam.
Chiếm lĩnh thị trường nội địa
Ra đời năm 2010 khi thị trường đã hiện hữu nhiều thương hiệu sữa, thời điểm đó, có lẽ không ít người hoài nghi về sự thành công của TH True Milk- một trong những hãng sữa mới toanh và thuần Việt. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh 92% thị phần sữa nước ở Việt Nam là sữa bột hoàn nguyên, bằng cách nhắm đúng vào phân khúc sản phẩm được khao khát nhất của người tiêu dùng là tươi và sạch, chỉ sau 5 năm thành lập, đến nay, TH true MILK đã chiếm vị trí số 1 trên thị trường sữa tươi với thị phần lên đến hơn 40. Đặc biệt, để nâng cao sức cạnh tranh trong ngành hàng tiêu dùng nhanh, Tập đoàn TH ngay từ khi ra đời đã xác định áp dụng công nghệ cao và coi đây là bước đột phá. Việc làm chủ công nghệ và sản xuất ra các sản phẩm sữa có chất lượng quốc tế đã giúp các sản phẩm TH có sức cạnh tranh mạnh mẽ với các sản phẩm cùng loại trên thị trường, kể cả hàng nhập khẩu.
TH là một trong những nhãn hàng tiêu dùng nhanh đã và đang chiếm lĩnh tốt thị trường trong nước. Nhiều nhóm mặt hàng khác như bia, nước giải khát, giấy vở… “made in Vietnam” cũng nhận được sự ưa chuộng, chiếm được lòng tin của người tiêu dùng.
Theo các chuyên gia, thu nhập bình quân đầu người ngày càng được cải thiện đã thúc đẩy ngành hàng tiêu dùng ở Việt Nam phát triển, bất chấp sự chao đảo của nền kinh tế thế giới trong những năm gần đây. Việt Nam có dân số đông thứ ba ở khu vực Đông Nam Á, với gần 70% dân số thuộc độ tuổi lao động (15- 60 tuổi). Đây là điều kiện lý tưởng để gia tăng nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Nắm bắt được nhu cầu đó, các nhãn hàng tiêu dùng trong nước đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm chiếm lĩnh thị trường. Nhiều thương hiệu Việt đã định vị tốt trong tâm trí người tiêu dùng như: Giấy vở Hồng Hà, thực phẩm Acecook, bột giặt LIX, nước rửa chén Mỹ Hảo, sữa Vinamilk, TH… Hoàn toàn không lép vế với các sản phẩm nhập khẩu, các thương hiệu Việt đều chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường, thậm chí nhiều nhãn hàng chiếm thị phần lớn nhất. Hình thức phong phú, chất lượng ngày càng được cải thiện, giá cả hợp lý, sản phẩm đáp ứng được nhu cầu và xu hướng tiêu dùng của thị trường chính là nguyên nhân chính giúp các sản phẩm tiêu dùng nhanh Việt Nam ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng.
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, giai đoạn 2014- 2015, ngành hàng tiêu dùng nhanh của nước ta đã có bước phát triển mạnh mẽ. Nhiều nhóm hàng đã chiếm lĩnh tốt thị trường trong nước với mức độ tăng trưởng đều đặn hàng năm. Trong đó, nhóm sản phẩm đồ uống (bia, nước tăng lực, nước giải khát) có mức tăng trưởng 6,7%/năm; sữa và các sản phẩm từ sữa tăng trưởng 12%/năm ở thành thị và 20%/năm ở nông thôn…
Không khó để nhận ra rằng, tại các kênh phân phối trong nước, từ thành thị đến nông thôn, từ siêu thị đến các sạp hàng truyền thống, các sản phẩm tiêu dùng nhanh được sản xuất trong nước chiếm tỷ trọng tương đối lớn. Các DN ngành hàng tiêu dùng nhanh Việt Nam đã và đang chiếm lĩnh rất tốt thị trường trong nước, đặc biệt là các dòng sản phẩm dành cho người có mức thu nhập trung bình.
Tập trung nhiều hơn cho thị trường nông thôn
Vài năm trước, thành thị là thị trường chính cho các mặt hàng tiêu dùng nhanh. Nhưng hiện nay, nông thôn đang được coi là “miền đất hứa” cho các sản phẩm này. Bởi lẽ, với dân số đông, kết cấu dân số trẻ, thu nhập ngày càng được cải thiện, sức mua lớn, nhu cầu mua sắm các sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh đang có xu hướng ngày càng tăng lên. Trong khi đó, số lượng các mặt hàng tiêu dùng nhanh đến khu vực nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa chưa nhiều, chưa đáp ứng tối đa nhu cầu của người tiêu dùng.
Nhu cầu có, tuy nhiên, phải khẳng định, để chiếm lĩnh thị trường nông thôn không hề dễ dàng. Những rào cản về khoảng cách địa lý, giao thông khó khăn, sức mua không đồng đều... đòi hỏi DN phải có quyết tâm cao, những giải pháp linh hoạt, phù hợp thực tế để có thể chiếm lĩnh thị trường nông thôn.
Là một trong những nhãn hàng bột giặt Việt Nam được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, đặc biệt ở khu vực nông thôn, bột giặt LIX là một trong những thương hiệu Việt Nam có vị thế nhất định trên thị trường bột giặt và các chất tẩy rửa với thị phần khoảng 10% (đứng thứ 3 toàn thị trường sau Unilever và P&G). Trong đó, doanh thu từ thị trường nội địa chiếm khoảng 80% (năm 2014), đến từ 2 hình thức: Bán hàng trực tiếp với nhãn hiệu LIX (doanh thu chiếm khoảng 55%) và làm gia công, làm nhãn hàng riêng cho siêu thị (doanh thu chiếm khoảng 25%). Đặc biệt, LIX đã “phủ sóng” thị trường nông thôn với lượng hàng tiêu thụ rất cao. Bí quyết của LIX đã định vị được trong nhận thức người tiêu dùng với vai trò là một sản phẩm bột giặt dành cho người tiêu dùng bình dân. Lợi thế cạnh tranh lớn nhất của LIX chính là giá.
Kinh nghiệm từ thương hiệu LIX nói riêng và nhiều thương hiệu Việt khác đã thành công ở thị trường nông thôn cho thấy, điểm mấu chốt để các sản phẩm Việt Nam chiếm lĩnh thị trường nông thôn là phải đặc biệt tập trung vào chất lượng và giá cả. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, hàng nước ngoài sẽ sớm tràn vào Việt Nam với giá cả cạnh tranh, việc định vị tốt hơn ở nhiều phân khúc thị trường, đặc biệt là thị trường nông thôn, vùng sâu, vùng xa, sẽ là “chìa khóa” để các nhãn hàng tiêu dùng nhanh của nước ta tăng trưởng và phát triển bền vững.