Sâu sát với cuộc vận động hàng Việt

Hiện nay, tại tỉnh Bắc Giang, hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại tỷ lệ hàng hóa sản xuất trong nước chiếm trên 70%, tại các chợ truyền thống, cửa hàng bán buôn, bán lẻ tỷ lệ hàng hóa sản xuất trong nước chiếm 60%. Nhờ đó, người dân dễ dàng mua sắm các sản phẩm hàng Việt có chất lượng.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Giang Giáp Ngọc Giang, Bắc Giang hiện là một trong số ít tỉnh, thành phố trên cả nước có Ban Chỉ đạo cuộc vận động ở tất cả 10/10 huyện, thành phố. Nhiều huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo đến cấp xã. “Từ đó, nhiều sản phẩm có thế mạnh của các địa phương như: Gà đồi Yên Thế, chè xanh Bản Ven, chè sạch Xuân Lương, mật ong hoa rừng, rượu Lộc Sơn... được người tiêu dùng trong nước biết đến, lựa chọn. Các mô hình trồng cây ăn quả sản xuất theo quy trình VietGAP được nhân rộng, đem lại hiệu quả cao cho người dân”- ông Giáp Ngọc Giang cho biết.

Nhằm tạo điều kiện cho người dân được mua sắm hàng hóa chính hãng đồng thời giúp doanh nghiệp có được điểm phân phối hàng Việt hiệu quả, tỉnh Bắc Giang đã triển khai xây dựng thành công 20 điểm bán hàng Việt Nam trên địa bàn, một con số khá cao so với các địa phương khác trên cả nước. Hệ thống phân phối trên địa bàn tỉnh phát triển với 4 trung tâm thương mại, 5 siêu thị, 133 chợ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt Nam chiếm trên 60% ở chợ truyền thống và 70% ở siêu thị và trung tâm thương mại. Nhờ đó, người dân dễ dàng mua sắm các sản phẩm hàng Việt có chất lượng.

Để có cơ sở làm tốt công tác tuyên truyền, vận động thực hiện Cuộc vận động, BCĐ tỉnh đã biên soạn, phát hành 3.000 cuốn tài liệu tuyên truyền đến 2.494 khu dân cư trong toàn tỉnh và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh và Ban Chỉ đạo các huyện, thành phổ tổ chức thực hiện nghiêm túc kế hoạch “Triển khai các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2017 - 2020”, “Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc bán hàng đa cấp, trực tiếp và hàng giả, kém chất lượng trên địa bàn tỉnh” và xây dựng, nhân rộng mô hình “Điểm bán hàng Việt Nam”,...

Với chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, đến nay bà con đã có ý thức ưu tiên sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước, nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước đã ý thức hơn trong việc nâng cao uy tín, chất lượng sản phẩm và quan tâm nhiều hơn đến thị trường tiêu dùng khu vực nông thôn.

Có thể nói, với nhiều giải pháp hiệu quả, ý thức của người tiêu dùng tỉnh Bắc Giang đã có những chuyển biến tích cực. Theo khảo sát của Ban Chỉ đạo cuộc vận động tỉnh, từ chỗ có hơn 70% người tiêu dùng ưa chuộng các thương hiệu nước ngoài, đến nay con số này đã giảm xuống còn khoảng 35%. Hàng Việt đang dần chiếm lĩnh thị trường Bắc Giang.

 

Bình luận của bạn