Sau vải thiều, nhãn lồng... nhiều đặc sản khác sẽ có mặt tại các siêu thị lớn

Sau thành công của Tuần lễ cá sông Đà Hòa Bình - Sơn La vừa được tổ chức tại Hà Nội, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) "thở phào" nói với phóng viên báo Tin tức: Cũng nhờ đó mà người tiêu dùng Thủ đô lần đầu tiên được mua đặc sản cá sông Đà tươi sống ngay tại Hà Nội.

Người tiêu dùng Thủ đô mua cá tại Tuần lễ cá sông Đà.

 

Đây là "đứa con cưng", kết quả của sự phối hợp giữa Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương Việt Nam và siêu thị Big C Thăng Long - Tập đoàn Central Group. Big C cho mượn địa điểm nhưng Vụ Thị trường trong nước trực tiếp tham gia thiết kế gian hàng, bày trí bể nước (để thả cá sống). 

Với giá bán chỉ từ 88.000 đồng/kg, cùng với các chương trình khuyến mại hấp dẫn và đặc biệt là người tiêu dùng yên tâm về nguồn gốc xuất xứ, 12 loại cá đặc sản Sông Đà như cá trắm đen, cá chép, cá diêu hồng, cá tầm... bán rất chạy. Thế rồi chỉ trong vài ngày, hệ thống siêu thị Big C đã tiêu thụ được cả tấn cá sông Đà. 

Cá sông Đà là các loại cá tự nhiên, chất lượng đảm bảo. Cá được nuôi thả hoàn toàn trong môi trường nước sạch tại lòng hồ sông Đà, tuyệt đối không sử dụng hóa chất độc hại, chất bảo quản trong mọi trường hợp. Mặc dù là loại đặc sản được dân nhậu truyền tai, nhưng có lẽ người dân Thủ đô không nghĩ có thể mua được loại cá tươi ngon thế ngay tại siêu thị, chứ không phải một quán đặc sản nào bên lòng hồ thủy điện.

Cá sông Đà tươi sống thả trong siêu thị.

 

Vậy nhưng, không phải ai cũng biết rằng, Vụ Thị trường trong nước đã phải mất công vận động như thế nào doanh nghiệp mới tham gia vào tuần lễ này. "Thực sự doanh nghiệp nhỏ của mình chưa quan tâm đến việc marketing, truyền thông. Có doanh nghiệp còn nói với tôi rằng việc gì phải đưa vào siêu thị, chúng tôi có hệ thống phân phối là các nhà hàng, quán ăn. Nhưng sau sự kiện này, họ mới thấy đây là kênh giới thiệu sản phẩm hiệu quả", bà Nga tâm sự.

Ở đây, vai trò của cơ quan quản lý rất quan trọng khi đứng ra kết nối giữa người sản xuất và hệ thống phân phối. Khi mà người sản xuất chưa thấy được lợi ích của việc tham gia vào chuỗi cung ứng hiện đại, nhà phân phối chưa biết lấy nguồn hàng ở đâu, nguồn hàng có đảm bảo hay không thì cơ quan quản lý - ở đây là Vụ Thị trường trong nước, đứng ra đảm bảo sự thành công của đôi bên. 

Thực tế, Việt Nam có rất nhiều loại đặc sản là nông - lâm - thủy hải sản theo mùa và vùng miền. Song nói chung, các loại đặc sản này còn sản xuất manh mún và chưa xuất hiện nhiều tại các hệ thống phân phối hiện đại như siêu thị. Nhờ có sự phối hợp của Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương và các doanh nghiệp phân phối lớn như Central Group (Tập đoàn sở hữu chuỗi 35 siêu thị Big C trên toàn Việt Nam), các đặc sản này mới có thêm cơ hội được quảng bá rộng rãi, xuất hiện trang trọng trong các hệ thống siêu thị để đến tay người tiêu dùng.

Những cái bắt tay giúp kết nối trái vải thiều Bắc Giang vào siêu thị, không còn bị mất giá như các năm trước.

 

“Tuần lễ Vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang" từ 13 - 20/6/2018 tại siêu thị Big C Thăng Long (Hà Nội) thu hút hàng nghìn khách tham quan, mua sắm. Hàng tấn vải thiều đến tay người dân Thủ đô, góp phần vào sự thành công của mùa vải 2018.

Mới đây, ngày 13/8, nhãn lồng chính gốc Hưng Yên đã chính thức có mặt trên quầy kệ của siêu thị Big C Thăng Long (Hà Nội) với mức giá 29.000 - 32.000 đồng/kg, cao hơn so với giá nhãn bán lẻ tại các chợ trên thị trường.

Khác với Tuần lễ nhãn lồng Hưng Yên năm 2017 chỉ diễn ra ở các siêu thị Big C miền Bắc, năm nay, nhãn Hưng Yên được bán tại tất cả 35 siêu thị Big C toàn quốc, lượng nhãn tiêu thụ tăng gấp nhiều lần so với năm ngoái. Qua đó, góp phần xây dựng thương hiệu cũng như tạo thị trường tiêu thụ ổn định cho trái nhãn lồng Hưng Yên.

Nhãn lồng Hưng Yên năm nay được mùa, được giá.

 

Những hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản như thế đang ngày càng được tổ chức nhiều hơn và rộng khắp, nhân lên những cơ hội đổi đời cho nông sản Việt Nam tại một thị trường hơn 90 triệu dân lâu nay bị bỏ ngỏ. Hiệu quả từ sự kết nối giữa 3 nhà: Nhà quản lý – Bộ Công Thương, nhà nông và doanh nghiệp ngày càng chặt chẽ khiến chúng ta tin tưởng rằng nông sản Việt Nam hoàn toàn có thể chiếm lĩnh thị trường nội địa tại các kênh phân phối hiện đại.

"Mừng lắm, các tỉnh thành khác nhìn Hưng Yên, Bắc Giang, thấy cách làm này hiệu quả nên gửi hồ sơ mong được kết nối tiêu thụ rất nhiều. Vụ thị trường trong nước sẽ xét duyệt từng loại mặt hàng, đảm bảo đủ tiêu chuẩn chất lượng sẽ tiến hành kết nối phân phối"', bà Việt Nga vui mừng chia sẻ.

Như vậy tới đây, sẽ có thêm nhiều loại đặc sản là thế mạnh địa phương, các giống trái cây, rau củ vào được siêu thị với sự bảo trợ, kết nối của Bộ Công Thương. Tuy vậy điều cần làm của các tỉnh là cần xây dựng thương hiệu cho các loại đặc sản này. 

Bình luận của bạn