Sóc Trăng: Hàng Việt chiếm tỷ lệ cao tại hệ thống phân phối

Thời gian qua, CVĐ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã nhận được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và đạt được kết quả tích cực. Qua đó, làm thay đổi nhận thức, hành vi của người tiêu dùng, nâng cao tỷ lệ hàng Việt tại hệ thống phân phối.

Theo Ban chỉ đạo CVĐ tỉnh Sóc Trăng, thời gian qua, CVĐ đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên và được nhân dân đồng tình ủng hộ. CVĐ được triển khai nghiêm túc, kịp thời với nhiều hình thức phong phú, thiết thực, phù hợp với thực tế địa phương. Qua đó đã nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân trong việc sản xuất, tiêu thụ các mặt hàng do các DN Việt Nam sản xuất.

Để CVĐ thực sự đi vào cuộc sống, tỉnh Sóc Trăng đã có nhiều cơ chế khuyến khích, hỗ trợ DN đưa hàng Việt về nông thôn; chính sách bảo vệ quyền lợi hợp pháp NTD; tăng cường công tác quản lý thị trường về hàng giả, hàng kém chất lượng để tạo niềm tin đối với NTD sử dụng hàng Việt.

Nhờ đó hiện nay, số lượng hàng hóa Việt Nam được tiêu thụ tăng lên rõ rệt, nhóm hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ Việt Nam chiếm tới 95% tổng số hàng hóa bán ra tại các siêu thị; chiếm từ 70 - 80% tại các chợ và thị trường nông thôn. Qua điều tra, có trên 80% NTD trong tỉnh hưởng ứng CVĐ và ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt.

Đơn cử, Siêu thị Co.opMart Sóc Trăng hiện đang kinh doanh hơn 21.500 mặt hàng và hơn 95% là hàng Việt Nam. Thời gian qua, đơn vị luôn ưu tiên chọn sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao để phục vụ NTD. Hàng năm, Co.opMart Sóc Trăng hưởng ứng tích cực CVĐ bằng các hoạt động như đưa hàng Việt về nông thôn phục vụ người dân vùng sâu, vùng xa các mặt hàng thiết yếu với giá giảm từ 5% đến 50% so với giá bán lẻ tại siêu thị. Từ đầu năm đến nay, Co.opMart Sóc Trăng đã tổ chức được 9 chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, trong đó có 2 chuyến bán hàng Tết quân - dân.

Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả CVĐ, Ban Chỉ đạo CVĐ tỉnh đặt mục tiêu tiếp tục tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thực hiện CVĐ; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong việc hỗ trợ DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh; tập trung rà soát, triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ DN, cơ sở sản xuất trong việc đổi mới thiết bị, công nghệ, đa dạng hóa các sản phẩm; đổi mới mẫu mã, kiểu dáng, nâng cao chất lượng sản phẩm phù hợp với thị hiếu NTD.

Ngoài ra, quan tâm và chú trọng hỗ trợ xây dựng thương hiệu hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt là các đặc sản thế mạnh của tỉnh; cải tiến các hoạt động thông tin, quảng bá, xúc tiến thương mại, định hướng NTD; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, nhằm bảo vệ quyền lợi của DN và NTD; tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm, tư vấn, hướng dẫn, định hướng NTD sử dụng các loại hàng hóa, dịch vụ mang thương hiệu Việt Nam.

Bình luận của bạn